08/11/2019

Sớm di dời các cơ sở công nghiệp gây ô nhiễm môi trường ra khỏi nội thành Hà Nội

Ngày 8/11, Ủy ban MTTQ TP tổ chức hội nghị phản biện xã hội vào dự thảo Nghị quyết của HĐND TP “Về phê duyệt danh mục di dời các cơ sở công nghiệp gây ô nhiễm môi trường hoặc không phù hợp quy hoạch ra khỏi khu vực 12 quận nội thành”.

Thực hiện Quyết định số 64/2003/QĐ – Ttg của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt kế hoạch xử lý triệt để các cơ sở gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng, UBND TP Hà Nội đã chủ động hướng dẫn di dời các cơ sở công nghiệp không phù hợp với quy hoạch ra khỏi khu vực đô thị.

 Toàn cảnh hội nghị

Toàn cảnh hội nghị

Từ tháng 9/2017, Thành ủy, UBND TP Hà Nội đã chỉ đạo Sở TN&MT chủ trì cùng Sở QH-KT và UBND 12 quận rà soát kỹ từng cơ sở sản xuất phải di dời theo 3 nhóm: Nhóm cơ sở phải di dời do gây ô nhiễm môi trường nặng; Nhóm gây ô nhiễm môi trường nhưng có thể khắc phục bằng các biện pháp công nghệ; Nhóm cơ sở sản xuất phải di dời theo quy hoạch xây dựng.
Tuy nhiên, kết quả thực hiện di dời các cơ sở sản xuất công nghiệp gây ô nhiễm môi trường hoặc không phù hợp với quy hoạch ra khỏi khu vực đô thị và khu dân cư trên địa bàn TP còn chậm do tâm lý doanh nghiệp không muốn di chuyển ra xa nội thành, muốn dựa vào lợi thế vị trí đất để sản xuất kinh doanh, thuận tiện đi lại sinh hoạt; năng lực tài chính của hầu hết các doanh nghiệp còn hạn chế trong việc đầu tư thay đổi công nghệ sạch…
Thực hiện Chỉ đạo của UBND TP về việc rà soát, Sở TN&MT đã thiết lập hồ sơ danh mục 113 cơ sở công nghiệp đề xuất di dời do không phù hợp với quy hoạch xây dựng. Tổ công tác liên ngành đã rà soát phân loại các quận và các doanh nghiệp có cơ sở sản xuất công nghiệp. Theo đó, loại bỏ 32 cơ sở nằm trong 113 cơ sở; bổ sung 9 cơ sở sản xuất công nghiệp sử dụng đất do không phù hợp với quy hoạch. Như vậy đến nay danh mục sản xuất công nghiệp đề xuất di dời do không phù hợp quy hoạch gồm 90 cơ sở, trình UBND TP xem xét để trình HĐND TP thống nhất thông qua.
Các ý kiến tại hội nghị cho rằng đây là vấn đề nóng, cần phải sớm thực hiện; UBND TP đã quyết liệt trong việc giải quyết vấn đề này. Theo nguyên Phó Chủ tịch HĐND TP Nguyễn Văn Hoạt, trong những năm qua nhiều cơ sở gây ô nhiễm vẫn ngang nhiên hoạt động; quỹ đất không sử dụng hết họ cho thuê kinh doanh; thậm chí còn xây nhà trọ… nhưng bằng cách nào đó các cơ sở phải di dời vẫn tìm cách để xin ở lại. Do đó, muốn di dời các cơ sở đó đòi hỏi phải có trách nhiệm, có bản lĩnh. Đề nghị MTTQ tuyên truyền, vận động, giám sát, thực hiện Nghị quyết cho thật hiệu quả. Tuy nhiên, Mặt trận không phải là cơ quan chuyên môn nên đòi hỏi các cơ quan có liên quan phải cùng thực hiện.
Tiếp thu các ý kiến phát biểu của các đại biểu, Phó Chủ tịch Ủy ban MTTQ TP Đàm Văn Huân cho rằng, vai trò của MTTQ là cầu nối giữa Đảng, Nhà nước và nhân dân. Việc phản biện được Mặt trận TP tổ chức theo tinh thần đổi mới, chủ động công tác giám sát, phản biện. Trước khi tổ chức phản biện, Ủy ban MTTQ TP cũng tổ chức các đoàn khảo sát để khảo sát vấn đề này. Tuy nhiên, ông Đàm Văn Huân cũng đề nghị, các nội dung giám sát, phản biện phải được tổ chức sớm hơn, tạo điều kiện cho các cơ quan của TP có điều kiện tiếp thu, điều chỉnh trước khi trình HĐND TP.
Thuỷ Tiên/Kinh tế Đô thị