30/10/2019

Tăng cường quản lý nhà nước trong hoạt động đầu tư xây dựng

Sau hơn bốn năm triển khai, Luật Xây dựng năm 2014 đã có nhiều đóng góp quan trọng cho sự nghiệp xây dựng, phát triển đất nước. Tuy nhiên, cùng với quá trình hoàn thiện hệ thống pháp luật, sự phát triển nhanh chóng của đời sống kinh tế – xã hội trong nước và quốc tế, một số nội dung quy định của Luật đã bộc lộ không ít hạn chế. Do đó, đã đến lúc cần bổ sung, sửa đổi Luật Xây dựng nhằm khắc phục những hạn chế, bất cập trong thực tiễn công tác đầu tư xây dựng, bảo đảm sự đồng bộ, thống nhất của hệ thống pháp luật.

Nhân viên Trung tâm hành chính TP Vĩnh Yên (Vĩnh Phúc) giải quyết thủ tục xây dựng cho người dân. Ảnh: Trần Lâm

Nhân viên Trung tâm hành chính TP Vĩnh Yên (Vĩnh Phúc) giải quyết thủ tục xây dựng cho người dân. Ảnh: Trần Lâm

Bảo đảm tính đồng bộ,thống nhất

Mục tiêu của việc sửa đổi, bổ sung Luật Xây dựng năm 2014 lần này là tiếp tục thể chế hóa Nghị quyết của Ðảng, Nhà nước về phát triển kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa; tiếp tục cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh, đơn giản hóa thủ tục hành chính trong hoạt động đầu tư xây dựng, tạo điều kiện thuận lợi, minh bạch, bình đẳng cho người dân và doanh nghiệp. Vì vậy, Dự án Luật lần này được xây dựng trên cơ sở tuân thủ ba nhóm chính sách đã được Chính phủ thông qua, bao gồm: Cải cách, đơn giản hóa thủ tục hành chính, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh trong lĩnh vực xây dựng; bãi bỏ, đơn giản hóa điều kiện đầu tư kinh doanh thuộc lĩnh vực xây dựng; hoàn thiện chính sách, pháp luật về xây dựng bảo đảm sự đồng bộ, thống nhất với pháp luật có liên quan. Trên cơ sở đó, Dự thảo Luật đã sửa đổi, bổ sung 51 điều, sửa đổi thuật ngữ tại 14 điều và hủy bỏ một điều trong tổng số 168 điều của Luật Xây dựng 2014.

Luật Xây dựng điều chỉnh các hoạt động liên quan đầu tư xây dựng từ giai đoạn chuẩn bị đầu tư, thực hiện dự án đến hoàn thành đưa vào vận hành khai thác, vì thế liên quan các luật hiện hành như: Quy hoạch, Ðầu tư công, Ðầu tư, Ðất đai, Bảo vệ môi trường, Phòng cháy chữa cháy… cũng như các luật đang và sẽ được sửa đổi, thông qua như: Luật Ðầu tư theo phương thức đối tác công tư (PPP); Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Ðầu tư và Luật Doanh nghiệp; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Ðê điều và Luật Phòng chống thiên tai… Các nội dung sửa đổi, bổ sung của Dự án Luật Xây dựng sẽ tập trung vào các vấn đề cấp bách, giải quyết tháo gỡ vướng mắc trong thực tiễn trên cơ sở đã có tổng kết, đánh giá đầy đủ; bảo đảm tính thống nhất, tránh xung đột với các luật hiện hành liên quan.

Cụ thể, tại Dự thảo Luật, cơ quan soạn thảo đã chủ động rà soát, sửa đổi các quy định tại Luật Xây dựng năm 2014 như: Sửa đổi, bổ sung về phân loại dự án theo nguồn vốn để phù hợp Luật Ðầu tư công và các pháp luật có liên quan; sửa đổi, bổ sung về đối tượng có yêu cầu lập báo cáo nghiên cứu tiền khả thi phù hợp Luật Ðầu tư công năm 2019 và Luật Ðầu tư, Dự thảo Luật Ðầu tư theo phương thức đối tác công tư (PPP); sửa đổi, bổ sung về thẩm quyền phê duyệt dự án đầu tư xây dựng phù hợp quy định tại Luật Ðầu tư công, Luật Quản lý, sử dụng vốn nhà nước đầu tư vào sản xuất, kinh doanh tại doanh nghiệp… Ðối với các nội dung có liên quan pháp luật về xây dựng cần sửa đổi tại dự án luật khác cũng đang dự thảo trình Quốc hội xem xét, Bộ Xây dựng đã rà soát và có văn bản trao đổi với các bộ đang chủ trì soạn thảo các dự án luật.

Giảm thời gian cấp phép xây dựng xuống còn 20 ngày

Ðối với nhóm chính sách: “Cải cách, đơn giản hóa thủ tục hành chính, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh trong lĩnh vực xây dựng”, Dự án Luật Xây dựng sẽ sửa đổi, bổ sung các quy định về thẩm định, phê duyệt dự án, thiết kế xây dựng theo hướng phân tách nội dung, trách nhiệm của các chủ thể: Người quyết định đầu tư, chủ đầu tư và cơ quan chuyên môn về xây dựng trong thẩm định dự án, thiết kế, từ đó rút gọn nội dung thẩm định của cơ quan chuyên môn về xây dựng, giảm thời gian thẩm định dự án; giảm đối tượng phải thẩm định thiết kế triển khai sau thiết kế cơ sở tại cơ quan chuyên môn về xây dựng; quy định về nguyên tắc thực hiện song song các thủ tục về phòng cháy chữa cháy, bảo vệ môi trường trong quá trình thẩm định dự án, thiết kế. Ðồng thời, quy định về cấp phép xây dựng được sửa đổi, bổ sung theo hướng rà soát các đối tượng được miễn phép xây dựng, đơn giản hóa thủ tục cấp phép và rút ngắn thời gian cấp phép xây dựng. Theo nội dung Dự thảo Luật, điều kiện, hồ sơ thủ tục xin giấy phép xây dựng được bảo đảm đơn giản, thuận tiện, thời gian cấp phép xây dựng được đề xuất giảm từ 30 ngày xuống còn 20 ngày. Tương tự, quy định về các cấp độ quy hoạch được sửa đổi theo hướng bổ sung các trường hợp được lập quy hoạch phân khu của khu chức năng không cần lập quy hoạch chung khu chức năng, trường hợp được lập quy hoạch chi tiết trên cơ sở quy hoạch chung để giảm thủ tục hành chính song vẫn bảo đảm tính thống nhất của các đồ án quy hoạch theo cấp độ…

Trước những vấn đề bức xúc, tồn tại về quản lý trật tự xây dựng thực tế hiện nay như xây dựng không phép, sai phép, nhà siêu mỏng siêu méo, tình trạng ùn tắc giao thông, ngập úng đô thị… Chính phủ đã chỉ đạo các bộ, ngành liên quan tập trung giải quyết, tháo gỡ, đồng thời, tăng cường công tác quản lý nhà nước để bảo đảm tổ chức thực hiện pháp luật kịp thời, nghiêm túc. Những vấn đề này đã và đang được giải quyết thông qua các công cụ chủ yếu như: Sửa đổi các luật liên quan, hoàn thiện hệ thống quy chuẩn, tiêu chuẩn, hệ thống định mức kinh tế, kỹ thuật xây dựng. Ðáng chú ý, ngày 16-10-2019, Thủ tướng Chính phủ ký quyết định số 1398/QÐ-TTg về ban hành Kế hoạch thực hiện Nghị quyết số 83/2019/QH14 ngày 14-6-2019 về hoạt động chất vấn tại kỳ họp thứ bảy, Quốc hội khóa XIV đối với lĩnh vực xây dựng để tập trung khắc phục những hạn chế, bất cập trong hoạt động xây dựng hiện nay. Kế hoạch đã xác định những nội dung công việc cụ thể, thời hạn, tiến độ hoàn thành và trách nhiệm của các cơ quan, đơn vị có liên quan trong việc tổ chức triển khai thi hành Nghị quyết, trong đó nhấn mạnh công tác hoàn thiện thể chế về xây dựng, tập trung hoàn thiện dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Xây dựng, đồng thời có tổng kết, đánh giá các luật: Nhà ở, Kinh doanh bất động sản, Quy hoạch đô thị, để có đề xuất sửa đổi, bổ sung, tiếp tục hoàn thiện bổ sung Luật Quản lý phát triển đô thị.

Các nội dung sửa đổi, bổ sung, dự án Luật Xây dựng đã tuân thủ mục đích, yêu cầu và chính sách pháp luật được thông qua khi trình hồ sơ xây dựng Luật, không phát sinh, giảm bớt đối tượng phải thực hiện thủ tục hành chính, đơn giản hóa thủ tục, rút ngắn thời gian thực hiện, góp phần giảm chi phí cho doanh nghiệp, người dân. Tính đến nay, tỷ lệ cắt giảm chi phí đối với công tác thẩm định dự án, thẩm định thiết kế cơ sở của cơ quan chuyên môn về xây dựng là 39,83%; tích hợp thẩm định thiết kế và miễn phép xây dựng là 43,65%, cấp phép xây dựng 17,62%, bảo đảm nguyên tắc nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước trong hoạt động đầu tư xây dựng.

Hoàng Quang Nhu – Cục trưởng Hoạt động xây dựng, Bộ Xây dựng/Báo Nhân dân