Để tăng cường hiệu lực, hiệu quả công tác quản lý Nhà nước về trật tự xây dựng, ngày 11/10/2019, Sở Xây dựng TP. Hồ Chí Minh ra Công văn 12991/SXD-TT gửi 24 quận, huyện trên địa bàn thành phố về việc niêm yết giấy phép xây dựng trên địa bàn và xử lý nghiêm các công trình xây dựng không phép.
Theo Công văn này, mọi công trình xây dựng trên địa bàn thành phố đều phải được niêm yết giấy phép xây dựng để người dân và các cơ quan chức năng có thể kiểm tra, giám sát dễ dàng, xử lý kịp thời các sai phạm. Công trình không niêm yết giấy phép thì không được xây dựng.
Đối với UBND các quận, huyện có trách nhiệm tuyên truyền, vận động, nhắc nhở chủ đầu tư và đơn vị thi công thực hiện nghiêm túc việc làm này. Đồng thời, giấy phép xây dựng đối với các công trường đang thi công cũng phải được niêm yết tại UBND phường, xã, thị trấn để tiện theo dõi.
Ngoài ra, các cơ quan chức năng cần tăng cường kiểm tra các điều kiện khởi công xây dựng công trình cũng như các yêu cầu đối với công trường xây dựng như có mặt bằng để bàn giao toàn bộ hoặc từng phần theo tiến độ; có bản vẽ thiết kế thi công, biển báo, chỉ dẫn an toàn, phòng chống cháy nổ và các biện pháp bảo vệ môi trường trong quá trình thi công…
Dự án Thủ Thiêm Dragon bị cơ quan chức năng xử phạt khi xây dựng không phép
Đối với các công trình xây dựng không phép, theo khoản 1 Điều 118 Luật Xây dựng năm 2014, việc phá dỡ công trình xây dựng được thực hiện trong các trường hợp sau: Để giải phóng mặt bằng xây dựng công trình mới, công trình xây dựng tạm; Công trình có nguy cơ sụp đổ ảnh hưởng đến cộng đồng và công trình lân cận; Công trình xây dựng trong khu vực cấm xây dựng; Công trình xây dựng sai quy hoạch xây dựng, công trình xây dựng không có giấy phép đối với công trình theo quy định phải có giấy phép hoặc xây dựng sai với nội dung quy định trong giấy phép xây dựng; trừ trường hợp ngoại lệ theo quy định tại khoản 2, 3 Điều 79 Nghị định 139/2017/NĐ-CP về xử phạt vi phạm hành chính trong hoạt động xây dựng.
Công trình xây dựng lấn chiếm đất công, đất thuộc quyền sử dụng hợp pháp của tổ chức, cá nhân; xây dựng sai với thiết kế được phê duyệt đối với trường hợp được miễn giấy phép xây dựng; Nhà ở riêng lẻ có nhu cầu phá dỡ để xây dựng mới.
Đối với công trình xây dựng không phép sẽ buộc phải phá dỡ mà không được nộp tiền phạt để được phép tồn tại (trừ trường hợp theo quy định tại khoản 2, 3 Điều 79 Nghị định 139/2017/NĐ-CP); Buộc tháo dỡ công trình, phần công trình xây dựng không có giấy phép là biện pháp khắc phục hậu quả và được thực hiện theo quyết định do Chủ tịch UBND cấp có thẩm quyền ban hành.
Tổ chức, cá nhân sở hữu hoặc đang sử dụng công trình thuộc diện phải phá dỡ phải chấp hành quyết định phá dỡ của cơ quan nhà nước có thẩm quyền; trường hợp không chấp hành thì bị cưỡng chế và chịu mọi chi phí cho việc phá dỡ (theo điểm b khoản 3 Điều 118 Luật Xây dựng năm 2014).
Pha Lê/Báo Dân sinh