Gần 10.000 cán bộ được bồi dưỡng nâng cao năng lực quản lý xây dựng và phát triển đô thị
Vừa qua, Thứ trưởng Bộ Xây dựng Bùi Phạm Khánh đã chủ trì cuộc họp báo cáo kết quả thực hiện Đề án “Đào tạo, bồi dưỡng nâng cao năng lực quản lý xây dựng và phát triển đô thị đối với công chức lãnh đạo, chuyên môn đô thị các cấp giai đoạn 2010 – 2015” (gọi tắt là Đề án 1961) đến tháng 9/2019 và đề xuất điều chỉnh kế hoạch triển khai Đề án đến năm 2020.
Ngày 25/10/2010, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 1961/QĐ-TTg phê duyệt Đề án 1961 với mục tiêu nâng cao nhận thức, năng lực quản lý, điều hành cho đội ngũ công chức lãnh đạo và chuyên môn đô thị các cấp, đáp ứng yêu cầu quản lý xây dựng và phát triển đô thị trong bối cảnh tốc độ tăng trưởng đô thị hóa ngày càng nhanh tại Việt Nam.
Sau 5 năm đầu triển khai thực hiện, Đề án đã đạt được một số kết quả tích cực và Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt kế hoạch kéo dài thời gian thực hiện Đề án đến năm 2020.
Tính đến tháng 9/2019, Học viện Cán bộ quản lý xây dựng và đô thị (Học viện AMC) đã tổ chức 215 lớp sử dụng ngân sách Trung ương đào tạo 7.928 học viên và 30 lớp sử dụng ngân sách địa phương đào tạo 1.906 học viên.
Đề án đã triển khai ở 63/63 tỉnh thành. Đối với các lớp thuộc Chương trình sử dụng ngân sách Trung ương, 14 tỉnh, thành phố đã hoàn thành 100% chỉ tiêu đào tạo và 41 tỉnh, thành phố hoàn thành hơn 50% chỉ tiêu đào tạo. Nhưng bên cạnh đó vẫn còn một số địa phương còn chậm triển khai Đề án như Hà Nội, Nam Định, Lai Châu, Tuyên Quang…
Về chất lượng đào tạo, các lớp đều được đánh giá tốt khi hơn 90% ý kiến của các học viên và địa phương về chương trình bồi dưỡng có cập nhật các quy định mới, phương pháp giảng dạy rõ ràng, dễ hiểu, có dẫn chứng cụ thể, gắn liền với thực tế địa phương và có thể ứng dụng trong thực tiễn công việc.
Đội ngũ giảng viên tham gia giảng dạy có trình độ chuyên môn với nhiều năm kinh nghiệm thực tế và giảng dạy, được các học viên và địa phương đánh giá cao. Phương pháp giảng dạy cũng được cải tiến, tăng cường trao đổi, thảo luận, giải quyết các vấn đề thực tiễn của địa phương, giảm tỷ lệ giảng dạy lý thuyết xuống không quá 40%.
Từ năm 2018, bên cạnh chương trình dành cho 8 đối tượng cơ bản áp dụng ở tất cả các địa phương, Ban chỉ đạo Đề án 1961 còn bổ sung 6 chương trình chuyên sâu cho 6 lĩnh vực phù hợp với điều kiện thực tế tại các địa phương, đặc biệt là các chương trình lớn của Chính phủ như tăng trưởng xanh, phòng chống biến đổi khí hậu, phát triển đô thị thông minh…
Nhưng ngoài những kết quả đã đạt được, việc triển khai Đề án 1961 giai đoạn 2016 – 2020 còn một số hạn chế. Trước hết, một số lãnh đạo địa phương chưa thực sự quan tâm đến việc triển khai Đề án và nhận thức của học viên chưa cao nên nhiều lớp không triệu tập đủ số lượng học viên. Việc chưa có quy định về tiêu chuẩn chức danh cán bộ quản lý đô thị cũng gây khó khăn trong công tác chiêu sinh.
Các lớp đối tượng 4, 5, 8 sử dụng ngân sách địa phương đang triển khai chậm. Một số địa phương cũng chưa có báo cáo với Ban chỉ đạo về tình hình triển khai chương trình này. Thậm chí, chương trình đào tạo cho đối tượng 1 (Phó Chủ tịch UBND tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương) còn chưa tổ chức được do sự phối hợp giữa các Bộ, ngành chưa cao; thời gian đào tạo 5 ngày là quá dài đối với các đồng chí lãnh đạo và kinh phí ăn, ở, đi lại vẫn còn khó khăn.
Trước tình hình này, Ban chỉ đạo Đề án 1961 có đề xuất một số giải pháp. Đầu tiên là nâng cao nhận thức của các Bộ, ngành Trung ương và địa phương trong việc thực hiện chủ trương chính sách của Đảng, Nhà nước về việc nâng cao năng lực quản lý, chuyên môn cho cán bộ.
Chính phủ và các Bộ, ngành nên ban hành văn bản quy phạm pháp luật quy định đào tạo, bồi dưỡng có tính chất bắt buộc đối với vị trí chức danh của cán bộ quản lý đô thị. Trong đó, Ban chỉ đạo kiến nghị Bộ Xây dựng phối hợp với Bộ Nội vụ ban hành tiêu chuẩn chuyên môn, nghiệp vụ đối với công chức, lãnh đạo chuyên môn đô thị các cấp theo quy định của pháp luật.
Ngoài ra, Ban chỉ đạo còn đề nghị Chính phủ cho phép phát triển các chương trình chuyên sâu gắn với các chương trình, Đề án, dự án của Chính phủ và gắn liền với việc sửa đổi, bổ sung một số luật liên quan đến phát triển đô thị (Luật Xây dựng, Luật Kiến trúc, Luật Quy hoạch…), đảm bảo chương trình phù hợp về nội dung và thời gian đối với mỗi địa phương.
Ban chỉ đạo Đề án 1961 cũng đề nghị Bộ Xây dựng và Chính phủ xem xét kế hoạch thực hiện Đề án trong năm cuối 2020 và kế hoạch từ năm 2021 khi Đề án không còn nhận hỗ trợ từ ngân sách Trung ương, chỉ dựa ngân sách địa phương và nguồn xã hội hóa mà vẫn phải đảm bảo việc đào tạo, bồi dưỡng thường xuyên cho cán bộ lãnh đạo, chuyên môn đô thị các cấp.
Phát biểu chỉ đạo tại cuộc họp, Thứ trưởng Bộ Xây dựng Bùi Phạm Khánh nhấn mạnh, đây là một báo cáo quan trọng của Bộ Xây dựng nên Ban chỉ đạo phải chuẩn bị được “sản phẩm” báo cáo Chính phủ khi Đề án kết thúc, cùng với những đề xuất về chính sách mới, cơ chế mới, phương pháp mới, định mức mới…
Thứ trưởng đã giao Học viện AMC và Vụ Tổ chức cán bộ xem xét nghiên cứu, hoàn thiện báo cáo sơ bộ kết quả thực hiện Đề án 1961 vào quý I/2020 để gửi xin ý kiến của những cơ quan liên quan và trình Thủ tướng Chính phủ vào cuối năm 2020, trước khi Chính phủ quyết định có tiếp tục thực hiện Đề án và nếu thực hiện thì sẽ làm như thế nào.
BXD