TPHCM lên kế hoạch phối hợp 24 quận huyện quản lý trật tự xây dựng
UBND TP Hồ Chí Minh đã ban hành quyết định phê duyệt kế hoạch liên tịch công tác phối hợp quản lý trật tự xây dựng trên địa bàn quận huyện.
Nhằm tăng cường hiệu quả quản lý nhà nước về trật tự xây dựng, ngày 9/10, UBND TP Hồ Chí Minh đã ban hành quyết định phê duyệt kế hoạch liên tịch công tác phối hợp quản lý trật tự xây dựng trên địa bàn quận huyện.
Theo đó, Sở Xây dựng thành phố sẽ phối hợp liên tịch với 24 quận, huyện trong quản lý trật tự xây dựng trên địa bàn.
Trước đó, việc thực hiện liên tịch được thực hiện thí điểm giữa Sở Xây dựng với 2 “điểm nóng” là quận 9, huyện Bình Chánh, Ban Quản lý các Khu chế xuất và Công nghiệp thành phố, qua đó đạt được một số kết quả nhất định nhưng cũng phát sinh nhiều hạn chế, vướng mắc cần kịp thời tháo gỡ.
Theo Lãnh đạo Sở Xây dựng TP Hồ Chí Minh, từ tháng 3/2017 Sở Xây dựng đã thực hiện liên tịch với UBND huyện Bình Chánh, qua đó điều động 17 thanh tra viên từ các Đội Thanh tra địa bàn thuộc Thanh tra Sở Xây dựng về công tác tại Độ Thanh tra địa bàn huyện Bình Chánh đồng thời tăng cường nhân sự tại các xã Vĩnh Lộc A, Vĩnh Lộc B, vốn 2 điểm nóng bỏng tình trạng vi phạm trật tự xây dựng tại huyện Bình Chánh.
Từ tháng 3/2017 đến tháng 7/2019, Tổ Công tác theo kế hoạch liên tịch giữa Sở Xây dựng và UBND huyện Bình Chánh đã phát hiện, cưỡng chế tháo dỡ ngay từ đầu 1.584 trường hợp xây dựng không phép.
Tuy nhiên hiện nay vẫn còn nhiều khó khăn do còn tình trạng người dân tự ý chuyển mục đích sư dụng đất nông nghiệp dẫn tới tình hình xây dựng không phép diễn biến phức tạp, phá vỡ quy hoạch, hình thành các khu dân cư tự phát, cơ sở hạ tầng không đồng bộ, gây mất an ninh trật tự trên địa bàn.
Ngoài nguyên nhân tốc độ đô thị hoá nhanh, nhu cầu nhà ở tăng đột biến thì tại huyện Bình Chánh, vi phạm trật tự xây dựng phức tạp còn do sự buông lỏng quản lý, thiếu trách nhiệm, bao che của tổ nhân dân, văn phòng ấp, cán bộ, công chức được giao nhiệm vụ tuần tra kiểm soát, phát hiện xử lý về sử dụng đất đai, trật tự xây dựng đô thị.
Trong khi đó, UBND xã, thị trấn tại huyện Bình Chánh chưa có biện pháp chốt chặn, ngăn chặn hiệu quả dẫn tới một số trường hợp xây dựng vi phạm tiếp tục xây dựng hoàn thành, đưa vào sử dụng, gây khó khăn trong công tác cưỡng chế, phá dỡ.
Còn tại quận 9, qua phối hợp liên tịch, Sở Xây dựng phát hiện có 214 vụ xây dựng không phép, sai phép trong riêng năm 2018.
Một số phường có số vụ xây dựng không phép tăng như Tân Phú, Tăng Nhơn Phú A, Tăng Nhơn Phú B, Hiệp Phú và Phú Hữu. Hiện vẫn còn một số trường hợp xây dựng nhà không phép là nhà kho, nhà xưởng trên đất không phù hợp với mục đích sử dụng đất.
Quận 9 cũng là địa phương đang đối mặt với áp lực đô thị hoá nhanh, sự gia tăng dân số, nhiều dự án trên địa bàn được phê duyệt nhưng chưa triển khai thu hồi đất dẫn tới tính trạng xây nhà không phép, sai phép.
Trong khi đó, việc phối hợp liên tịch giữa Sở Xây dựng với Ban Quản lý các Khu công nghiệp, khu chế xuất trên địa bàn còn có sự chồng chéo của nhiều đơn vị trong công tác kiểm tra, quản lý trật tự xây dựng. Việc thông báo kiểm tra, thanh tra, kết quả xử lý công trình vi phạm còn chưa kịp thời.
Trước diễn biến phức tạp của tình hình vi phạm trật tự xây dựng trên địa bàn, gia tăng số vụ, tính chất, khu vực cũng như nhiều cán bộ sai phạm, ngày 25/7/219, Ban Thường vụ Thành ủy TP Hồ Chí Minh ban hành Chỉ thị số 23-CT/TU về tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo nâng cao hiệu quả công tác quản lý nhà nước về trật tự xây dựng trên địa bàn.
Theo báo cáo của UBND TP Hồ Chí Minh, thực hiện Chỉ thị số 23-CT/T nói trên, tình hình quản lý trật tự xây dựng trên địa bàn có dấu hiệu chuyển biến tích cực.
Trong tháng 8/2019, trên địa bàn thành phố có 152 công trình vi phạm trật tự xây dựng (không phép 74 công trình, sai phép 78 công trình), bình quân xỷ ra 5,07 vụ/ngày. Nếu so sánh với 6 tháng đầu năm 2019 thì số vụ vi phạm giảm 3,43 vụ/ngày, tỷ lệ kéo giảm là 41,2%.
Lãnh đạo UBND thành phố cho biết, hạn chế, vướng mắc hiện nay là mặc dù đã có phân cấp mạnh cho UBND quận, huyện thực hiện công tác quản lý trật tự xây dựng nhưng lực lượng tham mưu cho UBND quận, huyện thực hiện công tác này chưa được quy định cụ thể do Đề án thí điểm thành lập Đội Quản lý trật tự xây dựng đô thị thuộc UBND quận, huyện chưa được phê duyệt, nên còn nhiều khó khắn về nhân sự và chỉ đạo điều hành.
Trong 3 tháng cuối năm 2019, ngoài việc tiếp tục thực hiện có hiệu quả Chỉ thị số 23-CT/TU của Ban Thường vụ Thành ủy, UBND thành phố sẽ tổ chức lại lực lượng Thanh tra xây dựng, chấn chỉnh, khắc phục những yếu kém trong công tác quản lý Nhà nước về trật tự xây dựng trên địa bàn.
Chỉ đạo và hỗ trợ quận, huyện thực hiện việc trong năm 2019, tất cả các quận, huyện triển khai hệ thống trực tuyến ghi nhận ý kiến phản ánh của người dân về đất đai, quy hoạch, xây dựng…/.
Trần Xuân Tình/TTXVN