07/10/2019

Cuối năm, thị trường bất động sản nghỉ dưỡng “nóng” trở lại

Năm 2019, Bình Thuận chính thức trở thành “tâm điểm” của thị trường bất động sản nghỉ dưỡng Miền Trung.

Theo nghiên cứu của New World Wealth, việc sở hữu bất động sản dùng cho mục đích nghỉ dưỡng đang trở thành xu hướng của giới nhà giàu trên thế giới. Trong đó, tại Anh có hơn 600.000 hộ và Trung Quốc có khoảng 15% hộ gia đình sống tại trung tâm sở hữu loại hình bất động sản này. Một số nước phát triển có những bờ biển dài như Mỹ, Úc, Nhật Bản… việc sở hữu ngôi nhà thứ hai phục vụ cho kỳ nghỉ của cả gia đình hoặc trở thành hình thức kinh doanh thu lời không còn xa lạ.

Các chuyên gia đánh giá, với xu hướng phát triển du lịch như hiện tại, Việt Nam đang tiếp tục tăng tốc, đẩy mạnh khai thác hiệu quả những lợi thế tự nhiên, khí hậu và vị trí địa lý,… kéo theo sự quan tâm đặc biệt của đông đảo nhà đầu tư dành cho thị trường bất động sản những khu vực này.

Không chỉ hấp dẫn đối với nhà đầu tư trong nước, mà không ít nhà đầu tư nước ngoài cũng có hứng thú với thị trường này. Theo ông Neil Macgregor – Tổng giám đốc Savills Việt Nam nhận định, thị trường bất động sản nghỉ dưỡng giống như ngôi nhà thứ hai đang ngày càng trở nên hấp dẫn đối với khách hàng trong nước và quốc tế, nhất là khi cơ sở hạ tầng phát triển, có nhiều đường bay thẳng nối các địa điểm nghỉ dưỡng nổi tiếng với nước ngoài.

So sánh với các quốc gia trong khu vực, thị trường này tại Việt Nam có nhiều lợi thế như giá nhà thấp hơn, trong khi lượng khách du lịch ngày càng tăng, đặc biệt là khách quốc tế do có nhiều địa điểm đẹp, ấm áp quanh năm. Điều này tạo tiềm năng tăng giá cao và thu nhập từ cho thuê bất động sản nghỉ dưỡng cũng rất tốt”.

Theo đó, nhiều nhà đầu tư nước ngoài cũng đã nhìn thấy tiềm năng của BĐS ven biển Việt Nam như một điểm sáng trên bản đồ bất động sản nghỉ dưỡng khu vực trong tương lai, đã và đang có những chiến lược đầu tư hoặc hợp tác đầu tư vào phân khúc này.

Ông Nguyễn Hoàng – Giám đốc bộ phận R&D DKRA Vietnam, nhận định: “Bất động sản ven biển ngày càng trở nên hấp dẫn nhà đầu tư trong nước và quốc tế. Bên cạnh thị trường vốn đã là địa danh du lịch như Đà Nẵng, Nha Trang, Phú Quốc, Phan Thiết… thì những thị trường mới nổi giàu tiềm năng du lịch biển, thu hút nguồn vốn đầu tư lớn, đẩy mạnh hoàn thiện cơ sở hạ tầng giao thông liên kết như Kê Gà – Hàm Thuận Nam sẽ trở thành tâm điểm thu hút sự quan tâm của đông đảo giới đầu tư”.

Nguyên nhân dẫn đến làn sóng đầu tư bất động sản ven biển tại Việt Nam bùng nổ mạnh mẽ nhất trong một thập niên qua trước hết thể hiện ở yếu tố hạ tầng. Các hạ tầng hỗ trợ cho sự phát triển bất động sản nghỉ dưỡng Việt Nam đang trong giai đoạn phát triển tốt với nhiều dự án đường cao tốc, sân bay đua nhau lộ diện. Tổng chiều dài đường cao tốc trên cả nước vẫn đang tiếp tục được mở rộng, nối dài thêm trong vòng vài thập kỷ tới. Đây là điều kiện thuận lợi để thúc đẩy du lịch nghỉ dưỡng ở các điểm đến chỉ mất vài giờ di chuyển bằng ôtô.

Mặt khác, việc sở hữu ô tô ngày nay khá dễ dàng đối với người Việt giúp thay đổi thói quen du lịch và tiếp cận các kỳ nghỉ nhanh chóng, dễ dàng hơn. Đây là những yếu tố tích cực, thúc đẩy sự bùng nổ làn sóng đầu tư vào thị trường bất động sản nghỉ dưỡng Việt Nam.

“Quan sát cho thấy dòng vốn dù được tiếp tục được đổ vào các thị trường du lịch truyền thống như Đà Nẵng, Phú Quốc, còn xuất hiện các thị trường mới nổi gồm Kê Gà (Bình Thuận), Quy Nhơn (Bình Định), Phú Yên hay Sa Pa, Hạ Long… Thị trường dự kiến sẽ đón nhận thêm nhiều nguồn cung mới với sự đầu tư tích hợp nhiều hạng mục tiện ích, khiến thị trường cạnh tranh cao  hơn”, ông Đỗ Viết Chiến – Tổng thư ký Hiệp hội BĐS Việt Nam, nguyên Cục trưởng Cục Phát triển đô thị (Bộ Xây dựng) cho biết thêm.

Theo ghi nhận của Hội Môi giới Bất động sản Việt Nam, cùng với xu thế dịch chuyển về các vùng đất mới, từ nửa cuối năm 2018 cho đến nay, thị trường bất động sản du lịch, nghỉ dưỡng còn xuất hiện xu hướng các doanh nghiệp đầu tư các dự án nghỉ dưỡng theo mô hình phức hợp, gắn đầy đủ các dịch vụ lưu trú, mua sắm, thể thao, trải nghiệm nhằm đáp ứng nhu cầu một điểm đến cho tất cả (all-in-one) của du khách.

Quan sát thực tế cho thấy, từ giữa năm 2018 đến nay, thị trường BĐS nghỉ dưỡng phía Nam nổi lên 2 cái tên đáng được chú ý là Bình Thuận và Bà Rịa – Vũng Tàu, khi hàng loạt nhà đầu tư ồ ạt rót vốn phát triển các dự án quy mô lớn. Trong đó, năm 2019, Bình Thuận chính thức trở thành “chảo lửa” của thị trường bất động sản biển.

dji0829-15701908948591023269001-crop-1570190905665826991857

Bình Thuận chính thức trở thành “chảo lửa” của thị trường bất động sản biển

Riêng với trường hợp Bình Thuận, nơi có các khu vực sở hữu nhiều lợi thế du lịch như những bãi biển xanh, bờ cát vàng, đồi dương, nền văn hóa Chămpa lâu đời. Nhờ có vị trí thuận lợi nhất Việt Nam để đón xem nhật thực toàn phần cuối cùng của thế kỷ XX vào ngày 24/10/1995, làng chài hoang sơ Mũi Né thu hút lượng lớn khách du lịch khắp nơi đổ về. Sự kiện này cũng đánh dấu thời điểm đánh thức tiềm năng du lịch của làng chài Phan Thiết – Mũi Né.

Tiếp đó hàng loạt nhà đầu tư tiến hành thăm dò khảo sát, xây dựng khách sạn, khu nghỉ dưỡng cao cấp, thay đổi diện mạo hạ tầng du lịch của tỉnh suốt 24 năm qua. Đến 2018, thành phố Phan Thiết đón 5,7 triệu khách, tương đương với lượng khách đến Nha Trang, Đà Nẵng và cao hơn 1,5 lần Phú Quốc. Thống kê cũng cho thấy, từ năm 2015-2018 tỷ lệ tăng trưởng khách du lịch của Mũi Né – Phan Thiết luôn duy trì ở mức hai chữ số.

Trong một số báo cáo thị trường BĐS quý 3/2019 mới đây, các chuyên gia cũng nhận định rằng thị trường BĐS nghỉ dưỡng Bình Thuận hiện không còn “co cụm” xung quanh “thiên đường resort” Mũi Né – Phan Thiết mà đang di chuyển mạnh về hướng Nam, theo dọc bờ biển Kê Gà, Hòn Lan và La Gi.

Đến nay, Bình Thuận có 384 dự án du lịch được chấp thuận với tổng vốn đầu tư hơn 60 nghìn tỷ đồng, gần 200 dự án đã hoạt động kinh doanh. Trong tháng 9 vừa qua, trên địa bàn Bình Thuận tiếp tục có 6 dự án được cấp quyết định chủ trương đầu tư hoặc giấy chứng nhận đầu tư với tổng diện tích đất 36ha, có tổng vốn đăng ký 302 tỷ đồng. Tính chung từ đầu năm 2019 đến nay, toàn tỉnh đã có 92 dự án được cấp quyết định chủ trương đầu tư hoặc giấy chứng nhận đầu tư với diện tích 515ha và tổng vốn đầu tư 10.764 tỷ đồng…

Lĩnh vực du lịch, dịch vụ, nghỉ dưỡng được nhiều nhà đầu tư lựa chọn xúc tiến đầu tư tại Bình Thuận theo mời gọi của UBND tỉnh. Điển hình Dự án Mũi Né Summerland của Tập đoàn Hưng Lộc Phát vừa được Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Ngọc Hai trao quyết định chủ trương đầu tư tại Hội nghị Xúc tiến đầu tư Bình Thuận 2019.

UBND tỉnh Bình Thuận cũng vừa ký Quyết định số 2379/QĐ-UBND chấp thuận cho Công ty TNHH Sản xuất và Thương mại Tân Á và Công ty cổ phần Tập đoàn Đầu tư Xây dựng Cường Thịnh Thi thực hiện dự án nghỉ dưỡng tại xã Tân Thành, huyện Hàm Thuận Nam, với quy mô 227,5 ha. Với tổng vốn đầu tư là 4.980 tỷ đồng.

Hay như dự án quy mô khá lớn đang triển khai như Dự án Khu đô thị du lịch nghỉ dưỡng Dubai Việt Nam do Công ty TNHH Dịch vụ du lịch và Thương mại Nông thị Dubai Việt Nam đăng ký đầu tư tại xã Hòa Thắng, huyện Bắc Bình, có vốn đầu tư hơn 13.153 tỷ đồng.

Mới đây nhất, tập đoàn Novaland đang đẩy nhanh tiến độ xây dựng tổ hợp Novaworld Phan Thiết, dự án NovaHills, Tập đoàn FLC thường xuyên làm việc với địa phương để triển khai đền bù giải tỏa đất cho 4 dự án nghỉ dưỡng rộng hàng nghìn hecta; Một tập đoàn địa ốc của Nga cũng vừa làm việc với UBND tỉnh Bình Thuận đề xuất đầu tư dự án Thành phố thông minh có số vốn gần 4 tỷ USD.

Cùng với đó, Tổ hợp du lịch – nghỉ dưỡng – giải trí & thể thao biển quốc tế Thanh Long Bay do Nam Group đầu tư tại khu vực Kê Gà – Hàm Thuận Nam mang tầm vóc quốc tế, đem đến cho du khách những trải nghiệm toàn diện và hoàn toàn khác biệt, sẽ góp phần đưa tên Bình Thuận trở thành một điểm đến hấp dẫn trên bản đồ du lịch châu Á – Thái Bình Dương.

Dự án có tổng diện tích 90ha, bao gồm 12 phân khu chính được quy hoạch đồng bộ, bài bản với điểm nhấn khác biệt là Trung tâm thể thao biển lớn nhất Việt Nam theo tiêu chuẩn quốc tế. Xu hướng du lịch hiện nay không chỉ gói gọn ở nghỉ dưỡng hay khám phá, mà còn kết hợp nhiều yếu tố trải nghiệm và rèn luyện sức khỏe. Theo đánh giá của chuyên gia thiết kế khai thác và vận hành mô hình thể thao biển của Mỹ, eo biển Hòn Lan có nhiều nét tương đồng như Hawaii cách đây nhiều năm, là nơi thích hợp nhất để kiến tạo một trung tâm thể thao biển quy mô lớn.

Hiện tại, Nam Group và DKRA Vietnam – Tổng đại lý Tiếp thị & Phân phối dự án đã chính thức giới thiệu ra thị trường khu căn hộ biển The Coast và mô hình nhà phố thương mại biển 2 mặt tiền. Với mức giá chỉ từ 1,38 tỷ đồng/căn hộ biển 5 sao sở hữu lâu dài, bàn giao nội thất hoàn chỉnh và thời gian thanh toán kéo dài trong 4 năm, Thanh Long Bay không chỉ là nơi đầu tư thanh khoản cao mà còn là cơ hội sở hữu bất động sản biển hiếm có.

Đánh giá về khả năng thu hút đầu tư của Bình Thuận, ông Vũ Đại Thắng, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư nhận định, địa phương này có chỉ số năng lực cạnh tranh và chỉ số đầu tư kinh tế tư nhân rất cao, cho thấy môi trường đầu tư đang được cải thiện nhanh chóng.

Tuy nhiên, so với tiềm năng, mức độ tăng trưởng kinh tế của địa phương còn khá thấp, thu hút vốn đầu tư nước ngoài còn khiêm tốn. Bình Thuận cần tập trung nắm bắt việc thực hiện Luật Quy hoạch, triển khai lập Quy hoạch phát triển kinh tế – xã hội tỉnh Bình Thuận đến năm 2030, tầm nhìn tới năm 2045. Qua đó, tháo gỡ điểm nghẽn chồng lấn, xung đột quy hoạch sa khoáng titan.

Về dự án sân bay Phan Thiết, ông Vũ Đại Thắng cho rằng tỉnh Bình Thuận cần thiết đẩy nhanh tiến độ dự án nhằm phát huy hết tiềm năng to lớn của địa phương. Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã thẩm định, thẩm tra lần cuối. Hiện dự án phải chờ Bộ Quốc phòng triển khai thủ tục chuẩn bị đầu tư phần hạng mục quân sự. Hạng mục nhà ga dân dụng, tỉnh đã chủ động ký hợp đồng BOT với các nhà đầu tư.

Theo công bố chính thức của UBND tỉnh Bình Thuận, sân bay Phan Thiết có tổng vốn đầu tư giai đoạn từ nay đến năm 2020 khoảng 10.272,9 tỷ đồng và giai đoạn đến năm 2030 khoảng 332,5 tỷ đồng. Với quy mô được nâng lên cấp 4E, sân bay Phan Thiết có thể tiếp nhận các loại máy bay dân dụng cỡ lớn. Đối với hạng mục hàng không dân dụng, tỉnh đang triển khai các thủ tục đầu tư theo hình thức BOT theo chủ trương của Chính phủ.

Sau khi sân bay Phan Thiết đi vào hoạt động, du khách từ TP.HCM, Nha Trang, Đà Nẵng… đến Phan Thiết chỉ mất khoảng 30 phút. Còn đối với du khách các tỉnh, thành phố phía Bắc như Hà Nội, Hải Phòng… vào tới “thủ đô resort” cũng chỉ mất không quá 1,5 giờ bay.

Song với đó, sự kiện thông xe cao tốc TP.HCM – Long Thành – Dầu Giây được xem là nguyên nhân đưa nền kinh tế Bình Thuận, mà đặc biệt là bất động sản khởi sắc. Chưa kể, tuyến Quốc lộ 1 qua địa bàn tỉnh với chiều dài hơn 180km đã được nâng cấp cơ bản hoàn thành, dự án cao tốc Phan Thiết – Dầu Giây sắp được khởi công xây dựng chắc chắn sẽ tạo nên “trục xương sống” đóng vai trò quan trọng trong hệ thống giao thông đường bộ địa phương.

Ngoài ra, có 3 tuyến đường tỉnh đề nghị Trung ương hỗ trợ ngân sách đầu tư để phát triển trọng điểm và cấp bách. Đó là đường ĐT719B Phan Thiết – Kê Gà, thiết kế dài 25,4 km, rộng 16 m, tổng mức đầu tư gần 1.000 tỷ đồng; đường ĐT719 Kê Gà – Tân Thiện, thiết kế dài 32,4 km, rộng 8 m, tổng mức đầu tư 600 tỷ đồng; Đường ĐT711 có điểm đầu giao QL 28 (Hàm Thuận Bắc) cắt ngang Quốc lộ 1A, điểm cuối giao trục ven biển ĐT706B, dài 41 km, tổng mức đầu tư 1.490 tỷ đồng.

Bùi Hải/Nhịp sống kinh tế