.
09/09/2019
Hiện đang tồn tại tình trạng “loạn sứ quân” giữa các quy định pháp luật của các bộ, khiến 1 luật mỗi địa phương thực hiện 1 kiểu, còn các cơ quan thực thi chính sách lúng túng, bị động khi phải giải quyết công việc cho DN. Nhiều quy định nhìn trong 1 bộ, ngành thấy ổn, nhưng nhìn toàn diện lại thấy bất ổn.
Gỡ ách tắc cho đầu tư xây dựng: Cần một thiết chế đủ mạnh
Cuối tuần qua, Báo SGGP – Đầu tư Tài chính và SGGP Online tổ chức buổi tọa đàm “Xung đột tính pháp lý trong đầu tư xây dựng”, với sự tham dự của các vụ chuyên môn Văn phòng Chính phủ, Bộ Xây dựng, Bộ Tài nguyên-Môi trường, Bộ Tư pháp, CIEM, VCCI, đại diện lãnh đạo, các sở, ngành TPHCM, cùng nhiều chuyên gia, luật sư và doanh nghiệp.
Tại tọa đàm, nhiều ý kiến tâm huyết, thẳng thắn cũng như những đóng góp về thực trạng chồng chéo, xung đột giữa các quy định, văn bản luật đối với hoạt động đầu tư xây dựng, cũng như kiến nghị về giải pháp được đưa ra. ĐTTC trích đăng ý kiến của ông Đậu Anh Tuấn, Trưởng ban Pháp chế Phòng Thương mại – Công nghiệp Việt Nam (VCCI).
Xung đột gay gắt
Thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng, VCCI đã tiến hành thu thập, hệ thống lại, làm rõ những điểm chồng chéo, xung đột giữa các đạo luật với nhau, giữa luật chung và luật chuyên ngành, giữa văn bản hướng dẫn luật này và văn bản hướng dẫn luật khác.
VCCI đã có báo cáo nhanh gửi Thủ tướng Chính phủ về 20 điểm xung đột, chồng chéo lớn của pháp luật về đầu tư, đất đai, xây dựng, môi trường, đấu thầu, từ khâu xác định chủ trương đầu tư, nhu cầu vốn đầu tư, chuẩn bị đầu tư, thực hiện đầu tư xây dựng, và kết thúc đầu tư xây dựng đưa dự án vào vận hành khai thác.
Theo đó có xung đột về đấu thầu chọn nhà đầu tư cho dự án có sử dụng đất và đấu giá quyền sử dụng đất giữa Luật Đầu tư, Luật Đấu thầu, Luật Đất đai; xung đột về giới thiệu địa điểm đầu tư, địa điểm xây dựng giữa Luật Xây dựng, Luật Nhà ở, Luật Đầu tư; xung đột về thời điểm lập báo cáo đánh giá tác động môi trường giữa Luật Đầu tư và Luật Bảo vệ môi trường; xung đột về thời điểm cấp giấy chứng nhận giữa Luật Đầu tư, Luật Xây dựng và Luật Nhà ở; xung đột về thời điểm thẩm định nhu cầu sử dụng đất giữa Luật Đầu tư và Luật Đất đai; trùng lặp phê duyệt quy hoạch về việc chấp thuận chủ đầu tư đối với dự án trong thẩm quyền của Thủ tướng Chính phủ với Luật Đầu tư, Luật Quy hoạch đô thị và Luật Nhà ở…
Sự chồng chéo của các văn bản luật trong quy định về 1 vấn đề còn được thể hiện qua việc không thống nhất về điều kiện tối thiểu giữa chủ đầu tư của Luật Kinh doanh bất động sản (BĐS) và Luật Đất đai.
Hay quy định ngược nhau về bố trí nhà ở cho người lao động ở khu công nghiệp, khu chế xuất giữa Luật Đất đai và Luật Đầu tư. Sự không tương thích về quyền và tài sản gắn với chủ đất trong trường hợp thuê đất trả tiền hàng năm giữa Luật Đất đai và Bộ luật Dân sự.
Ngoài ra còn xung đột về thời gian chấm dứt dự án đầu tư và thu hồi đất theo Luật Đầu tư và Luật Đất đai; không tương thích về miễn giảm tiền thuế đất đối với dự án thuộc ngành nghề, địa bàn ưu đãi đầu tư giữa Luật Đầu tư và Luật Đất đai; không tương thích về phạm vi dự án phải ký quỹ giữa Luật Đầu tư và Luật Đất đai; chồng chéo thủ tục xin phép chuyển nhượng dự án BĐS giữa Luật Đầu tư và Luật Kinh doanh BĐS.
Từ góc nhìn của VCCI, hệ quả tiêu cực của thực trạng này có thể thấy rõ. Trước hết, hiện có quá nhiều thủ tục hành chính trùng lặp, 1 vấn đề được quy định tại nhiều quy định, văn bản luật khác nhau, khiến doanh nghiệp (DN) phải thực hiện gấp nhiều lần thủ tục hành chính, đi lại mất nhiều thời gian, tốn kém bởi nhiều hồ sơ, chi phí giao dịch.
Bởi lẽ, 1 dự án BĐS đầu tư xây dựng ở các TP lớn thực hiện trong 2-3 năm hiện rất hiếm. Nếu quy trình này tiếp tục nhân lên, thời gian hoàn tất dự án BĐS chắc chắn sẽ kéo dài hơn, kéo theo chi phí rất lớn cho DN.
Nỗi khổ DN, cơ quan quản lý lúng túng
Sự chồng chéo, xung đột trong các quy định pháp luật có liên quan nhiều cơ quan, nên DN phải đón tiếp nhiều đoàn thanh tra, kiểm tra, thậm chí ngành nào cũng có thể vào DN để hạch sách, gây nên tình trạng đình trệ trong hoạt động của DN.
Thực trạng này đang được thể hiện rất rõ tại TPHCM trong thời gian gần đây, khi rất nhiều dự án BĐS của TP bị đình trệ. Bởi lẽ, 1 DN BĐS đang hoạt động ổn định, thậm chí ăn nên là ra, nhưng chắc chắn không thể lường trước được 3-4 năm sau mình sẽ như thế nào, khi “vào một ngày đẹp trời” đoàn thanh tra hay cơ quan pháp luật nào đó tới hạch sách.
Điều này tiềm ẩn khi kinh doanh mà không biết rủi ro như thế nào, nên nhiều DN không dám bỏ tiền, đầu tư bài bản, gắn bó lâu dài và không có động lực đầu tư, kéo theo hoạt động bị đình trệ khi không triển khai dự án được.
Trong khi đó, với cơ quan quản lý nhà nước, tâm lý phổ biến là lúng túng, bị động khi giải quyết công việc. Điều này dẫn đến tình trạng hiện nay là “dừng, ngâm và đùn đẩy”.
Do không biết thực hiện theo quy định nào để không bị sai, nên tốt nhất dừng để xem xét, ngâm để xem các địa phương khác thực hiện, hướng dẫn thế nào, xin ý kiến cấp trên ra sao. Nhiều lúc thủ tục hành chính của DN như quả bóng có thể đẩy qua lại giữa các cơ quan, ở địa phương.
Bên cạnh đó, ở các địa phương giữa thực tiễn thực thi rất khác nhau. Như giữa TPHCM, Hà Nội, Đà Nẵng, Hải Phòng cùng hệ thống pháp luật thống nhất gồm Luật DN, Luật Xây dựng, Luật Nhà ở, nhưng quy trình, cách thức thực hiện cũng khác nhau. Nhà đầu tư, DN có thể am tường, thông thạo ở địa phương này, nhưng sang địa phương khác gặp quy trình khác sẽ rất khó khăn.
Từ đó, tâm lý sợ sai, sợ rủi ro không chỉ ở các cơ quan địa phương mà lan đến tận các cơ quan bộ ngành, khiến sự mạnh dạn, sáng tạo, năng động của bộ máy thực thi hay cơ quan chính quyền bị giảm sút rất lớn. Dường như đang có tình trạng không dám chịu trách nhiệm, việc gì cũng xin ý kiến cấp trên. Sở, ngành xin ý kiến ủy ban, các địa phương xin ý kiến cấp bộ ngành và Thủ tướng, tạo ra điểm nghẽn lớn trong quá trình điều hành kinh tế.
Cần thiết chế mạnh
Hiện đang tồn tại tình trạng “loạn sứ quân” giữa các quy định pháp luật của các bộ, khiến 1 luật mỗi địa phương thực hiện 1 kiểu, còn các cơ quan thực thi chính sách lúng túng, bị động khi phải giải quyết công việc cho DN. Nhiều quy định nhìn trong 1 bộ, ngành thấy ổn, nhưng nhìn toàn diện lại thấy bất ổn.
Nguyên nhân của thực trạng này chủ yếu do pháp luật Việt Nam hiện đang trong tình trạng bị phân mảng, chưa phải là hệ thống đồng bộ, minh bạch. Có người gọi đây là hiện tượng “pháp luật cục bộ”. Mặc dù tất cả đạo luật đều do Quốc hội ban hành, và hầu hết đạo luật đều do Chính phủ trình Quốc hội thông qua, nhưng đâu đó người ta vẫn quen gọi luật của bộ này, nghị định của bộ kia là có lý do.
Trong quá trình soạn thảo luật, các bộ chuyên ngành được giao chủ trì soạn thảo đều cố gắng mở rộng tối đa phạm vi điều chỉnh của đạo luật, bao quát các vấn đề của đạo luật, ít chú ý đến sự chồng chéo, xung đột với các quy định pháp luật đã có sẵn.
Thêm vào đó, hiện đang thiếu một cơ chế phù hợp, một cơ quan trung gian đủ mạnh để thúc đẩy rà soát và có tiếng nói phản biện đủ khách quan và độc lập để tiến hành rà soát, kiến nghị sửa đổi để khắc phục và ngăn chặn những chồng chéo, xung đột trong quá trình xây dựng và sửa đổi pháp luật.
Hiện nay, việc giải quyết xung đột, chồng chéo chủ yếu phụ thuộc vào việc tranh luận và thỏa hiệp giữa các bộ ngành trong quá trình soạn thảo. Vì thế mới có chuyện cơ quan soạn thảo khi trả lời nhau trong soạn thảo văn bản pháp luật chỉ quan tâm 2 câu hỏi: anh có lấy đi quyền của tôi không? anh có giao thêm nhiệm vụ gì cho tôi không? Nếu không có 2 câu hỏi ấy là đồng ý, miễn là lĩnh vực của anh, lĩnh vực của tôi, chúng ta không va chạm nhau.
Thực tế, hiện nay đang thiếu một thiết chế mạnh, đủ hiệu quả để gác cửa các văn bản này, để làm sao cơ quan không bị chi phối bởi lợi ích ngành. Chẳng hạn, CIEM có một số hoạt động vượt lên quyền của Bộ Kế hoạch-Đầu tư, nhưng CIEM đâu dám phê phán mạnh Luật Đầu tư, bởi CIEM thuộc Bộ Kế hoạch-Đầu tư.
Chính vì vậy, mỗi cơ quan vẫn bị giới hạn ngành của mình, chưa có cái nhìn tổng thể lợi ích quốc gia, lợi ích cộng đồng DN. Chúng tôi cho rằng thiết chế của ta thiếu tầm nhìn bao quát, rộng lớn để cân nhắc, khuyến nghị có lợi cho cộng đồng, cho quốc gia, không phải hài hòa lợi ích của từng bộ, ngành.
Hoài Nam – Mai Duy (ghi)
Đậu Anh Tuấn, Trưởng ban Pháp chế VCCI/Sài Gòn giải phóng