Xử lý triệt để các ‘điểm nóng’ về ô nhiễm môi trường nước
Báo cáo hiện trạng môi trường Quốc gia năm 2018 đã đánh giá tổng thể, toàn diện môi trường nước trên các lưu vực sông, phân tích các nội dung liên quan đến nguồn gây ô nhiễm, đặc trưng nước thải của các nguồn thải; hiện trạng và diễn biến chất lượng môi trường nước trên các lưu vực sông.
Thực thi Luật Bảo vệ môi trường năm 2014, Bộ Tài nguyên và Môi trường xây dựng Báo cáo hiện trạng môi trường Quốc gia năm năm một lần, theo đó, vào năm 2018 Bộ đã hoàn thiện xây dựng báo cáo chuyên đề về “ Môi trường nước các lưu vực sông” nhằm đánh giá tổng quan về hiện trạng môi trường nước các lưu vực sông giai đoạn 2014 – 2018, phân tích những kết quả đã đạt được cũng như những khó khăn thách thức đã và đang đặt ra đối với công tác quản lý môi trường nước, từ đó đề xuất phương hướng, giải pháp nhằm cải thiện tình trạng ô nhiễm nước, quản lý và kiểm soát ô nhiễm môi trường nước hiệu quả trong thời gian tiếp theo.
“Điểm nóng” về ô nhiễm môi trường nước vẫn chưa được khắc phục
Báo cáo hiện trạng môi trường Quốc gia năm 2018 đã đánh giá tổng thể, toàn diện môi trường nước trên các lưu vực sông, phân tích các nội dung liên quan đến nguồn gây ô nhiễm, đặc trưng nước thải của các nguồn thải; hiện trạng và diễn biến chất lượng môi trường nước trên các lưu vực sông; công tác quản lý, bảo vệ môi trường nước trên các lưu vực sông…
Qua đó, Báo cáo nhận diện các thách thức đối với công tác bảo vệ môi trường nước các lưu vực sông và đề xuất các giải pháp kiểm soát, khắc phục ô nhiễm môi trường nước trong thời gian tới. Báo cáo chỉ ra những “điểm nóng” về ô nhiễm môi trường nước, sự cố gây ô nhiễm môi trường nước mặt; nguồn lực chưa đáp ứng được các yêu cầu về quản lý tổng hợp lưu vực sông gồm các vấn đề quản lý liên ngành, liên vùng, kiểm soát nguồn thải, ứng phó, xử lý đối với các sự cố ô nhiễm môi trường nước; biến đổi khí hậu và các vấn đề môi trường xuyên biên giới đặt ra các yêu cầu ngày càng cao đối với công tác bảo vệ môi trường nước các lưu vực sông.
Một số lưu vực sông vẫn tiếp tục bị ô nhiễm chưa được khắc phục như: lưu vực sông Nhuệ – Đáy, các sông nội thành Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh, sông Ngũ Huyện Khê, khu vực thượng nguồn sông Mã. Có những khu vực sau khi được khắc phục cải tạo lại xảy ra tình trạng tái ô nhiễm.
Theo báo cáo, Việt Nam là quốc gia có hệ thống sông ngòi dày đặc với tổng lượng dòng chảy nước mặt hàng năm lên đến 830 – 840 tỷ m3. Tuy nhiên, nguồn tài nguyên nước của nước ta chỉ ở mức trung bình trên thế giới. Tổng lượng nguồn nước từ nước ngoài chảy vào Việt Nam chiếm khoảng 63%. Hiện tại các lưu vực sông đang tiếp nhận chất thải từ các nguồn nước thải sinh hoạt, công nghiệp, nông nghiệp, làng nghề, y tế và chất thải rắn.
Trong tổng lượng nước thải phát sinh ra các lưu vực, lượng nước thải sinh hoạt và nước thải công nghiệp vẫn chiếm tỷ trọng lớn nhất. Bên cạnh các nguồn nước thải kể trên, một lượng chất thải rắn không nhỏ không được kiểm soát, đổ bừa bãi gây ô nhiễm các dòng kênh, sông, có nơi làm tắc nghẽn dòng chảy.
Ước tính, tỷ lệ thu gom xử lý chất thải rắn sinh hoạt đô thị đạt khoảng 86%, tại khu vực nông thôn, tỷ lệ này chỉ đạt 40-55% tùy theo từng khu vực. Như vậy, vẫn còn một lượng khá lớn chất thải rắn chưa được xử lý theo quy định, chưa kể tới lượng chất thải rắn chưa được thu gom, một phần không nhỏ thải trực tiếp thẳng ra ao, hồ, kênh, rạch.
Hiện nay cả nước có khoảng 660 bãi chôn lấp chất thải rắn sinh hoạt, trong đó chỉ có 203 bãi chôn lấp hợp vệ sinh. Các bãi chôn lấp không hợp vệ sinh lại là nguy cơ làm ô nhiễm các tầng chứa nước, dẫn đến suy giảm các nguồn nước trong các lưu vực sông.
Giải pháp tổng thể bảo vệ và quản lý tổng hợp môi trường nước
Để từng bước giải quyết tình trạng ô nhiễm môi trường nước các lưu vực sông cũng như những thách thức đặt ra đối với công tác quản lý và kiểm soát ô nhiễm môi trường nước, Báo cáo đề xuất các nhóm giải pháp gồm: quản lý tổng hợp môi trường nước, giải pháp cho các lưu vực sông theo vùng địa lý và nhóm ưu tiên thực hiện để khắc phục và xử lý triệt để các điểm nóng về ô nhiễm môi trường nước, giám sát các vấn đề môi trường xuyên biên giới và ứng phó hiệu quả diễn biến biến đổi khí hậu để giảm thiểu tác động tới môi trường nước các lưu vực sông.
Báo cáo đưa ra một số kiến nghị đối với Quốc hội, Chính phủ và các bộ, ngành, địa phương như: Cần tiếp tục rà soát, sửa đổi, bổ sung các văn bản, chính sách pháp luật liên quan đến môi trường nói chung, đến môi trường nước lưu vực sông nói riêng. Xem xét, rà soát sửa đổi Luật Tài nguyên nước 2012; kiện toàn tổ chức bộ máy quản lý nhà nước về bảo vệ môi trường từ trung ương đến địa phương.
Đồng thời, cần xem xét và phê duyệt lại việc thành lập các Ủy ban lưu vực sông để giải quyết các vấn đề về quản lý môi trường nước liên ngành, liên vùng, liên tỉnh; tăng cường giám sát việc triển khai thực thi các Luật, văn bản liên quan đến bảo vệ môi trường nói chung, môi trường nước nói riêng.
Giám sát các Dự án, Chương trình có quy mô lớn, có nguy cơ gây ô nhiễm, suy thoái môi trường, đặc biệt ở các khu vực nhạy cảm. Cùng với đó, đẩy mạnh việc chỉ đạo, giải quyết các vấn đề bức xúc, ngăn chặn việc gia tăng ô nhiễm môi trường nước, đảm bảo an ninh nguồn nước và vấn đề ô nhiễm xuyên biên giới; bổ sung, hoàn thiện các cơ chế, chính sách thu hút, huy động sự tham gia của cộng đồng, trong đó, ưu tiên huy động sự tham gia của cộng đồng đối với các dự án, chương trình xử lý, khắc phục, cải thiện ô nhiễm môi trường nước.
Bên cạnh đó, cần tiếp tục xây dựng và trình Chính phủ các chương trình, dự án nhằm giải quyết các vấn đề bức xúc về môi trường nước thuộc phạm vi quản lý của Bộ Tài nguyên và Môi trường và địa phương; đẩy mạnh triển khai thực hiện các quy hoạch bảo vệ môi trường lưu vực sông, thống nhất quy hoạch sử dụng nước giữa các ngành; lựa chọn và áp dụng các công nghệ xử lý nước thải tiên tiến, phù hợp với điều kiện của Việt Nam.
Tăng cường thực thi pháp luật về bảo vệ môi trường nước, các hoạt động kiểm soát ô nhiễm, công tác thanh tra, kiểm tra, xử lý vi phạm pháp luật về bảo vệ môi trường nước, nhằm hạn chế tối đa các nguy cơ ô nhiễm, sự cố môi trường.
Đồng thời, Báo cáo hiện trạng môi trường Quốc gia yêu cầu triển khai hiệu quả các chương trình, dự án, nhiệm vụ nhằm khắc phục, xử lý triệt để các điểm nóng về ô nhiễm môi trường, trong đó có môi trường nước.
Hoàn thiện cơ cấu tổ chức hệ thống quản lý nhà nước của từng cấp, từng ngành, vừa đáp ứng chủ trương về tinh giản biên chế nhưng vẫn đảm bảo nguồn nhân lực quản lý môi trường, trong đó có vấn đề quản lý môi trường nước.