Chủ tịch UBND TP.Hà Nội đã ký ban hành Công văn số 3106/UBND-KHĐT về việc triển khai thực hiện nhiệm vụ trọng tâm 6 tháng cuối năm 2019. Trong đó nêu rõ nhiệm vụ Sở Quy hoạch – Kiến trúc chủ trì xây dựng, trình nhiều đồ án quy hoạch.
Theo nội dung công văn nói trên, UBND TP.Hà Nội chỉ đạo Sở Quy hoạch – Kiến trúc chủ trì xây dựng và trình tập thể UBND TP. xem xét, cho ý kiến hoặc thông qua Quy chuẩn kỹ thuật quy hoạch kiến trúc tại 4 quận nội đô (Ba Đình, Hoàn Kiểm, Đống Đa, Hai Bà Trưng); Quy hoạch phân khu Ga Hà Nội và phụ cận; Quy hoạch chung không gian xây dựng ngầm đô thị trung tâm – TP.Hà Nội đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050; Quy hoạch phân khu đô thị sông Hồng, tỷ lệ 1/5000 (Rl-5); Quy hoạch phân khu đô thị sông Đuống (R6); Quy hoạch phân khu đô thị GN (A); Rà soát lập điều chỉnh Quy hoạch chung xây dựng thủ đô đến năm 2030 tầm nhìn đến năm 2050.
Đồng thời yêu cầu Sở Quy hoạch – Kiến trúc tập trung hoàn thành thẩm định, trình phê duyệt các đồ án quy hoạch phân khu đô thị gồm:
H1-1 (A, B, C); H1-2; H1-3 và H1-4; Các đồ án quy hoạch chi tiết trọng điểm và quy hoạch cải tạo (quy hoạch chi tiết bảo tồn, phát triển làng nghề truyền thống kết hợp du lịch tại làng lụa Vạn Phúc; Quy hoạch chỉ tiết bảo tồn, phát triển làng nghề truyền thống kết hợp du lịch tại làng gốm sứ Bát Tràng); Quy hoạch xây dựng lại các khu chung cư cũ (C86 Kim Mã Thượng, Mai Động, Thượng Đình, Thanh Xuân Bắc, Thanh Xuân Nam, Thành Công, Trung Tự, Vãn Chương, Ngọc Khánh, Giảng Võ, Kim Liên, Khương Thượng, Thủy Lợi, Bách Khoa, Nam Đồng, Thanh Nhàn, Nam Thành Công, Kim Giang, Vĩnh Hồ).
Cùng với đó là việc chủ trì hướng dẫn, đôn đốc UBND các huyện lập và hoàn thành trình phê duyệt quy hoạch xây dựng xã nông thôn mới.
Nguồn ảnh: Hanoi.org.vn
Hiện tại Hà Nội đã có không ít công trình ngầm được triển khai như hệ thống cống ngầm, hệ thống cấp thoát nước ngầm, đường dây cáp điện ngầm, bãi đỗ xe ngầm, hay các trung tâm thương mại ngầm với quy mô lớn… Tuy nhiên, các không gian ngầm này hầu hết mới mang tính cục bộ, chỉ khai thác cho một mục đích riêng, chứ chưa có sự liên kết tổng thể cho cả khu vực hay một đô thị.
Do không có kết nối và thiếu tầm nhìn dài hạn nên nhiều công trình ngầm tại Hà Nội không phát huy tác dụng, thậm chí còn gây tâm lý ác cảm với người dân, điển hình là các hầm cho người đi bộ sang đường rất ít người qua lại dù được đầu tư hàng triệu USD.
Hay việc hình thành các trung tâm thương mại dưới lòng đất thiếu quy hoạch tổng thể và số lượng còn ít nên mặc dù thu hút quá đông người sử dụng dịch vụ nhưng lại càng làm trầm trọng thêm tình trạng ùn tắc giao thông ở khu vực xung quanh. Sâu xa hơn là việc xây dựng không gian ngầm đơn lẻ, thiếu tầm nhìn dài hạn, dẫn đến nguy cơ tài nguyên đất ngầm bị sử dụng lãng phí.
Bên cạnh đó, do cơ chế, chính sách về phát triển hạ tầng ngầm chưa được rõ ràng nên nhà đầu tư vẫn chưa thực sự quan tâm. Việc phát triển hệ thống hạ tầng ngầm cũng đòi hỏi phải có nguồn tài chính lớn nên cũng là rào cản trong đầu tư phát triển…
mothegioi.vn