Thành lập Hội đồng Thẩm định Nhà nước Dự án Đường sắt tốc độ cao Bắc – Nam
Thủ tướng Chính phủ vừa ký quyết định về việc thành lập Hội đồng Thẩm định Nhà nước Dự án Đường sắt tốc độ cao Bắc – Nam.
Quyết định của Thủ tướng Chính phủ nêu rõ: Quyết định thành lập Hội đồng Thẩm định Nhà nước để thẩm định báo cáo nghiên cứu tiền khả thi Dự án Đường sắt tốc độ cao Bắc – Nam gồm các thành viên sau:
Chủ tịch Hội đồng là Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư. Các ủy viên hội đồng gồm: Lãnh đạo Bộ GTVT, Bộ Tài chính, Bộ Xây dựng, Bộ Tài nguyên và Môi trường, Bộ Công thương, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Bộ Quốc phòng, Bộ Công an, Bộ Khoa học và Công nghệ, Bộ Ngoại giao, Bộ Tư pháp, Bộ Văn hóa – Thể thao và Du lịch, Bộ Thông tin và Truyền thông; Ngân hàng Nhà nước Việt Nam; Ủy ban Quản lý Vốn nhà nước tại doanh nghiệp.
Bên cạnh đó, tham gia vào Hội đồng Thẩm định Nhà nước còn có lãnh đạo UBND các tỉnh, thành phố: Hà Nội, Hà Nam, Nam Định, Ninh Bình, Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên – Huế, Đà Nẵng, Quảng Nam, Quảng Ngãi, Bình Định, Phú Yên, Khánh Hòa, Ninh Thuận, Bình Thuận, Đồng Nai, TP. Hồ Chí Minh.
Trách nhiệm và quyền hạn của Hội đồng, Chủ tịch hội đồng, Phó Chủ tịch hội đồng và các thành viên hội đồng, cơ quan thường trực hội đồng và tổ chuyên gia thẩm định liên ngành được thực hiện theo các quy định tại nghị định của Chính phủ năm 2015 hướng dẫn về dự án quan trọng quốc gia.
Quyết định cũng nêu rõ, Hội đồng được thuê liên danh tư vấn trong nước và tư vấn nước ngoài bảo đảm độc lập, khách quan với tư vấn lập dự án để thẩm tra báo cáo nghiên cứu tiền khả thi dự án theo đúng quy định. Hội đồng được sử dụng con dấu và tài khoản (nếu cần) của Bộ Kế hoạch và Đầu tư để phục vụ cho hoạt động của Hội đồng.
Bộ GTVT có trách nhiệm cung cấp đầy đủ hồ sơ liên quan đến quá trình thẩm định dự án, bố trí vốn chuẩn bị đầu tư phục vụ việc lập, thẩm định, phê duyệt báo cáo nghiên cứu tiền khả thi theo đúng quy định của pháp luật
Mới đây, Bộ GTVT đã trình Chính phủ Báo cáo nghiên cứu tiền khả thi Dự án Đường sắt tốc độ cao trên trục Bắc – Nam. Đây là dự án thuộc nhóm quan trọng quốc gia, do Quốc hội quyết định chủ trương đầu tư, Thủ tướng Chính phủ quyết định cấp đầu tư dự án. Dự án được chia thành 2 giai đoạn, giai đoạn 1 có tổng mức đầu tư 561,6 nghìn tỷ đồng (24,71 tỷ USD), giai đoạn 2 là 772,6 nghìn tỷ đồng (34 tỷ USD). Theo đề xuất của Bộ GTVT, Dự án có tổng chiều dài khoảng 1.559km chạy dọc hành lang Bắc – Nam, đi qua 20 địa phương, nối Hà Nội và TP. Hồ Chí Minh. Điểm nhấn công nghệ của Dự án thực hiện nguyên lý chung của đường sắt tốc độ cao chạy trên ray là sử dụng động cơ điện và chạy trên ray tiêu chuẩn.Mục tiêu của dự án đáp ứng năng lực vận tải lớn, tốc độ cao và an toàn, kết nối các trung tâm kinh tế – xã hội từ Hà Nội đến TP. Hồ Chí Minh, đi qua 20 tỉnh, thành phố; kết nối các khu kinh tế, khu công nghiệp, cảng biển nhằm phát triển kinh tế – xã hội những khu vực có đường sắt tốc độ cao chạy qua nói riêng và cả nước nói chung; phù hợp với nguồn lực của đất nước, định hướng quy hoạch phát triển hạ tầng, trong đó có hạ tầng GTVT; góp phần nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia, nâng cao năng lực hạ tầng, đặc biệt là hệ thống đường bộ cao tốc, đáp ứng yêu cầu về bảo vệ môi trường và ứng phó biến đổi khí hậu.
PV/Tạp chí Giao thông