Nóng bỏng cuộc đua phát hành trái phiếu của DN bất động sản
Gặp khó khi dòng vốn tín dụng bị siết, doanh nghiệp BĐS phải tìm thanh khoản từ nhiều nguồn khác, bao gồm cả phát hành trái phiếu.
Cuộc đua phát hành trái phiếu
“Anh, chị nên cân nhắc đầu tư trái phiếu có tài sản bảo đảm bên em. Lãi suất hiện cao hơn lãi suất tiền gửi ngân hàng nhiều, lên đến 11%/năm, rủi ro đi kèm cũng thấp hơn”. N.Q.H, trưởng phòng tư vấn khách hàng cá nhân của một công ty môi giới chứng khoán lớn, chào mời các nhà đầu tư tại hội nghị.
Theo thông tin môi giới này chia sẻ, số trái phiếu đang kêu gọi đầu tư thuộc về hai đơn vị, một công ty TNHH chuyên đầu tư vào thủy điện và BĐS, và một tập đoàn không còn xa lạ gì với nhà đầu tư BĐS trên thị trường.
Đơn vị thứ nhất đang chào bán số trái phiếu có giá trị 130 tỉ đồng, với mệnh giá 1 tỉ đồng/trái phiếu. Tùy vào từng gói đầu tư riêng biệt, khách hàng có thể chọn tài sản bảo đảm (TSBĐ) là bất động sản sẽ hình thành, giá trị quyền sử dụng đất, hoặc cổ phiếu đang niêm yết trên sàn.
Đơn vị thứ 2 hiện có nhu cầu gọi vốn lên đến 200 tỉ đồng, với mệnh giá là 1 tỉ đồng/trái phiếu. Lãi suất cố định là 11%/năm, kỳ hạn thanh toán lãi là mỗi 6 tháng, TSBĐ là cổ phiếu hiện đang niêm yết trên sàn.
Để củng cố thêm niềm tin, môi giới chia sẻ, không chỉ có TSBĐ để đền bù cho rủi ro đầu tư, tổ chức phát hành còn cam kết mua lại trái phiếu sau 1 khoảng thời gian, và nhà đầu tư được hưởng lãi suất trái phiếu kể từ ngày phát hành tới trước thời điểm tổ chức phát hành mua lại.
Nhiều tập đoàn cũng gia nhập cuộc đua huy động dòng vốn qua trái phiếu, với thanh khoản huy động lên đến hàng ngàn tỷ đồng.
Tháng 12/2018, một tập đoàn đầu tư địa ốc quyết định phát hành 1.500 tỷ đồng trái phiếu doanh nghiệp (TPDN). Không chỉ huy động trong nước, tập đoàn này còn phát hành trái phiếu quốc tế với tổng trị giá 300 triệu USD trên Sở Giao dịch chứng khoán Singapore.
Trước đó, Vingroup chào bán 20 triệu trái phiếu không chuyển đổi, tổng giá chào bán lên đến 2.000 tỉ đồng. Đợt phát hành trái phiếu được chia làm 2 giai đoạn, mỗi giai đoạn 1.000 tỉ đồng, với mệnh giá là 100.000 đồng/trái phiếu.
“Nóng bỏng” vì nhiều nguyên nhân
Số liệu từ UBCK Nhà nước cho thấy khối lượng TPDN phát hành thành công năm 2018 đạt 224.000 tỷ đồng, tăng 94,5% năm trước. Dư nợ thị trường TPDN năm 2018 là 474.500 tỷ đồng, tăng 53% so với cùng kỳ 2017, đạt 8,6% GDP. Các doanh nghiệp phát hành thành công TPDN chủ yếu là nằm trong lĩnh vực bất động sản, ngân hàng, và dịch vụ tài chính.
Cuộc đua phát hành trái phiếu trở nên nóng bỏng vì nhiều nguyên nhân.
Trước hết là do tín dụng ngày càng bị siết chặt, tiêu biểu qua việc Ngân hàng Nhà nước đưa ra dự thảo thông tư thay thế thông tư 36 quy định các giới hạn, tỷ lệ bảo đảm an toàn trong hoạt động ngân hàng. Cụ thể, theo định hướng quản lý sắp tới, tỷ lệ tối đa nguồn vốn ngắn hạn được sử dụng để cho vay trung và dài hạn từ mức 40% hiện nay xuống mức 30% vào năm 2021 và 2022.
Việc gặp khó khi dòng vốn tín dụng bị siết khiến doanh nghiệp BĐS phải tìm thanh khoản từ nhiều nguồn khác, trong đó có cả việc phát hành trái phiếu.
Mặt khác, quy định phát hành trái phiếu cũng được cởi trói hơn. Cụ thể, nghị định 163/2018/NĐ-CP, bắt đầu có hiệu lực từ ngày 1/2, quy định yêu cầu doanh nghiệp muốn phát hành trái phiếu phải có lãi năm liền kề trước đó đã được nới lỏng.
Nếu so với mặt bằng tiền gửi ngân hàng, kênh đầu tư trái phiếu mang lại lợi tức nhiều hơn, và dường như trấn an nhà đầu tư khá tốt khi số tiền đầu tư được bảo đảm bằng TSBĐ.
Theo tìm hiểu của phóng viên, mặt bằng lãi suất gửi tiết kiệm chỉ dao động từ 6,7 – 7%/năm, tính thanh khoản và linh động không cao. Trong khi trái phiếu doanh nghiệp BĐS lại có mức lãi suất cao hơn nhiều, từ 8 – 9%/năm và có thể lên tới 10 – 11%/năm với trái phiếu thời hạn từ 24 tháng. Ngoài ra, nhà đầu tư có quyền bán trước thời hạn yêu cầu, dựa trên quy định của bên phát hành trái phiếu, và vẫn thu lợi tức tương ứng.
Theo chia sẻ của đơn vị phát hành, kênh TPDN hiện có thanh khoản tốt và ít bị ảnh hưởng bởi yếu tố thị trường.
“Trái phiếu doanh nghiệp hầu như không bị ảnh hưởng bởi biến động thị trường giống như cổ phiếu, nhờ đó mà tính bảo toàn vốn cao”, ông Nguyễn Xuân Minh, Chủ tịch HĐQT Công ty Cổ phần chứng khoán Kỹ thương TCBS, đánh giá.
Còn ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản TP.HCM (HoREA), nhận định: “Trái phiếu doanh nghiệp đang ngày càng thu hút sự quan tâm của các nhà đầu tư do lãi suất cao hơn lãi suất tiền gửi tiết kiệm cùng kỳ hạn, nhất là đối với các doanh nghiệp phát hành trái phiếu có uy tín thương hiệu và có phương án sản xuất, kinh doanh khả thi”.
Thùy Phương/Vietnamnet