Báo PetroTimes đưa tin, mới đây, Bộ Xây dựng đã có công văn gửi UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương về việc báo cáo tình hình sử dụng quỹ đất đô thị dành để phát triển nhà ở xã hội.
Trước đó, ngày 1/4/2019, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Chỉ thị số 09/CT-TTg về các giải pháp tập trung tháo gỡ cho sản xuất kinh doanh, bảo đảm mục tiêu tăng trưởng 06 tháng và cả năm 2019 và Chỉ thị số 11/CT-TTg ngày 23/4/2019 về một số giải pháp thúc đẩy thị trường bất động sản phát triển ổn định, lành mạnh.
Theo đó Bộ Xây dựng được giao kiểm soát chặt chẽ việc quy hoạch và khai thác, sử dụng hiệu quả quỹ đất đô thị dành để phát triển nhà ở xã hội, báo cáo Thủ tướng Chính phủ trong quý III/2019. Để chuẩn bị báo cáo Thủ tướng Chính phủ, Bộ Xây dựng đề nghị UBND các tỉnh, thành báo cáo việc dành quỹ đất cho phát triển nhà ở xã hội trên địa bàn.
Số liệu từ Bộ Xây dựng, nhu cầu nhà ở xã hội trong toàn quốc trong giai đoạn từ năm 2011 – 2020 cần khoảng 440.000 căn hộ. Trong đó, TPHCM cần khoảng 134.000 căn, Hà Nội cần khoảng 110.000 căn, Bình Dương cần 41.250 căn, Đồng Nai 36.700 căn, Đà Nẵng 11.500 căn…
Hà Nội xây dựng mục tiêu phát triển nhà ở cho các đối tượng thu nhập thấp đến năm 2020 cần hơn 4.676.000 m2 sàn; nhà ở cho công nhân khoảng hơn 567,5 m2 sàn. TPHCM đang triển khai kế hoạch xây dựng 39 dự án nhà ở xã hội với tổng số 44.701 căn hộ. Đến năm 2020, thành phố có thể xây dựng hoàn thành 20.000 căn.
Liên quan tới phát triển nhà ở xã hội tại đô thị, ông Nguyễn Trần Nam – Nguyên Thứ trưởng Bộ Xây dựng – Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản Việt Nam cho biết, nhu cầu nhà ở, đặc biệt là nhà ở xã hội tại Việt Nam vẫn còn rất lớn.
Thống kê cho thấy, sở hữu nhà ở tại Việt Nam ở mức trung bình 24-25m2/người nhưng thực tế có những hộ gia đình sở hữu hàng trăm m2/người trong khi nhiều hộ chỉ dưới 6m2/người.
Theo nguyên Thứ trưởng Bộ Xây dựng, nhà ở xã hội phát triển mạnh từ năm 2009 với các Nghị quyết của Chính phủ giao nhiệm vụ phát triển nhà ở xã hội cho công nhân, sinh viên. Thời điểm đó, Chính phủ bỏ ra 17.000 tỷ đồng, tương đương 1 tỷ USD để xây dựng nhà ở xã hội.
Tuy nhiên, dù khung chính sách rất tốt nhưng vẫn thiếu “ý thức và sự thành tâm của một bộ phận lãnh đạo, kể cả cấp bộ ngành trung ương khi chưa thực sự phục vụ nhân dân, chưa nhận thức đúng trách nhiệm”.
Báo Xây Dựng cho biết, khái niệm NƠXH lần đầu tiên được đưa vào Luật Nhà ở 2005 dù quy định rất ít, nhưng đã được coi là bước đột phát về mặt chính sách. Trong đó cũng đã đề cập, các dự án nhà ở thương mại phải dành diện tích xây dựng NƠXH, nhưng chưa quy định rõ ràng phải dành bao nhiêu. Đến Nghị định 90/2006/NĐ-CP của Chính phủ, quy định được quy định chi tiết hơn, theo đó dự án từ 10 ha trở lên phải dành 20% diện tích đất trong dự án để xây dựng NƠXH.
Đến Luật Nhà ở 2014 và Nghị định 100/2015/NĐ-CP thì vấn đề trên được quy định cụ thể: “Chủ đầu tư dự án phát triển nhà ở thương mại, dự án đầu tư phát triển đô thị, không phân biệt quy mô diện tích đất (bao gồm cả dự án đầu tư xây dựng theo hình thức xây dựng – chuyển giao (BT) và hình thức xây dựng – kinh doanh – chuyển giao (BOT) tại các đô thị từ loại 3 trở lên và khu vực quy hoạch là đô thị từ loại 3 trở lên phải dành 20% tổng diện tích đất ở trong các đồ án quy hoạch chi tiết hoặc tổng mặt bằng được cơ quan có thẩm quyền phê duyệt, đã đầu tư xây dựng hệ thống hạ tầng kỹ thuật dành để xây dựng NƠXH…”.
Mặc dù luật đã quy định rõ, nhưng tại TP Hà Nội, số dự án NƠXH được trích từ quỹ đất 20% chỉ đếm trên đầu ngón tay như: NƠXH Khu đô thị Đặng Xá Gia Lâm, Khu đô thị Tây Nam Linh Đàm, Khu đô thị Sài Đồng Long Biên, Khu đô thị Đại Mỗ… Với số lượng dự án này chỉ đủ cung cấp một yêu cầu rất nhỏ cho người thu nhập thấp.
Đào Mai/Pháp luật và Dân sinh