22/07/2019

Phục hồi kênh Cheonggyecheon Seoul Hàn Quốc – Bài học cho Việt Nam

(Tạp chí KTVN 224) – Năm 2006 chính quyền đô thị Seoul (Hàn Quốc) đã chính thức khánh thành dự án quy hoạch chỉnh trang phục hồi dòng kênh Cheonggyecheon. Sau hơn 10 năm được phục hồi và chỉnh trang, dự án không chỉ có những đóng góp to lớn cho sự phát triển của bộ mặt kiến trúc cảnh quan đô thị mà còn mang đến nhiều cơ hội phục hồi và tái thiết khu vực trung tâm cũ đã bị xuống cấp trong quá khứ, mang đến chất lượng tiện nghi sống, sự thịnh vượng mới cho người dân. Những kinh nghiệm trong quá trình quy hoạch và triển khai sau quy hoạch này của TP Seoul có thể là những kinh nghiệm tốt cho quá trình quy hoạch và triển khai chỉnh trang kiến trúc cảnh quan kênh Nhiêu Lộc – Thị Nghè (TPHCM) cũng như với nhiều đô thị trên phạm vi cả nước trong thời gian tới.

Cảnh quan khu vực trung tâm sau khi cải tạo hiện nay - kênh Cheonggyecheon, Hàn Quốc

Cảnh quan khu vực trung tâm sau khi cải tạo hiện nay – kênh Cheonggyecheon, Hàn Quốc

Khu vực kênh nước Cheonggyecheon có vị trí trung tâm quan trọng trong lịch sử TP Seoul (Hàn Quốc) khi vua Taejo thành lập triều đại Joseon vào năm 1392 đã chọn Hanyang (khu vực trung tâm phát triển CBD Seoul hiện tại) làm thủ đô. Lúc đó, kênh Cheonggyecheon có trục kéo dài xuyên tâm từ Tây sang Đông, chia đô thị cổ Hanyang thành hai phần. Vì dòng sông là nguồn nước chính của Thủ đô nên đã có nhiều nỗ lực để kiểm soát mực nước của dòng sông qua nhiều giai đoạn phát triển khác nhau của Seoul. Tuy nhiên, khi công nghiệp phát triển giữa nhưng năm 1950, kênh bị ô nhiễm trầm trọng. Để hạn chế ô nhiễm mùi hôi và chất thải với khu vực dân cư xung quanh, cũng như nhu cầu phát triển hệ thống hạ tầng giao thông của một đô thị công nghiệp mới, trong những năm từ 1955 đến 1961, sông Cheonggyecheon đã được cống hóa và dành mặt bằng để xây dựng lên trên các hệ thống đường cao tốc đa tầng. Điều này không những khiến dòng sông bị chết mà còn làm đô thị lộn xộn và thiếu tính bền vững do bị phá vỡ cấu trúc tự nhiên một cách thô bạo.

Chính vì thế, năm 1992, khi Hiệp hội Xây dựng Hàn Quốc khảo sát đánh giá xác định rằng đường cao tốc trên cao không còn an toàn để sử dụng, ý tưởng quy hoạch chỉnh trang không gian kênh Cheonggyecheon đã được thảo luận trong giới khoa học và chính quyền đô thị. Năm 2002, sau khi trở thành thị trưởng, ông Lee Myung Bak đã chính thức khởi động Dự án trên cơ sở sự đồng thuận rất cao của giới khoa học và người dân.
Không gian hành lang kênh Cheonggyecheon đã được quy hoạch tái thiết và phục hồi trong 02 năm từ 2003 đến 2005 với tổng chi phí gần 400 USD. Tổng chiều dài của dự án là 5,84km và bao gồm 22 cây cầu dự kiến được xây mới. Dự án đã góp phần gia tăng diện tích không gian cây xanh đô thị, giảm hiệu ứng đảo nhiệt của thành phố, thúc đẩy phát triển du lịch và phục hồi khu vực trung tâm phát triển đô thị – CBD. Điều quan trọng là dự án đã trở thành động lực thúc đẩy hoàn thiện đồng bộ hóa cấu trúc không gian kiến trúc cảnh quan hai bên sông, cũng như tái thiết các công trình cũ đã xuống cấp, thiết lập sự kết nối đồng bộ về kiến trúc cảnh quan và giao thông khu vực trung tâm cổ với toàn đô thị thông qua các biện pháp tái cấu trúc sử dụng đất đai phi hành chính.

Tầm nhìn trong quy hoạch phát triển không gian

Sơ đồ  phân chia  03 đoạn tuyến cải tạo: khu vực lịch sử, khu vực văn hóa và đô thị, khu vực tự nhiên

Sơ đồ phân chia 03 đoạn tuyến cải tạo: khu vực lịch sử, khu vực văn hóa và đô thị, khu vực tự nhiên

Dựa trên các đánh giá hiện trạng, quy hoạch tổng thể phân chia phạm vi dự án thành 3 khu vực chính: Khu vực lịch sử (History); Khu vực văn hóa và đô thị (Culture + Urban); Khu vực tự nhiên (Nature). Các định hướng chính đặt ra bao gồm: (1) Chuyển đổi hình ảnh khu vực trung tâm đô thị công nghiệp sang môi trường sinh thái; (2) Bổ sung các yếu tố tự nhiên, sinh thái cho môi trường sống; (3) Gia tăng không gian cây xanh khu vực trung tâm; (4) Bảo tồn các hệ động thực vật đã và hiện có. Tầm nhìn công tác quy hoạch tái thiết đặt ra 3 mục tiêu chính: Thay thế có hiệu quả kết nối giao thông toàn đô thị; Chỉnh trang kiến trúc cảnh quan, loại bỏ công trình cũ nát; Gia tăng yếu tố sinh thái bền vững cho đô thị. Trong đó, hai vấn đề quan trọng hàng đầu của quá trình thực quy hoạch chỉnh trang không gian cảnh quan hành lang kênh Cheonggyecheon chính là thay thế kết nối giao thông và chỉnh trang các không gian kiến trúc dọc hành lang ven sông.

Về giao thông, hệ thống đường cao tốc trên cao ở khu vực này đóng vai trò rất quan trọng, với lưu lượng ô tô hàng ngày lên tới 168.000 xe. Cũng có nhiều người lo ngại giao thông sẽ bị cản trở khi phá bỏ hệ thống đường cao tốc trên cao để tái phát triển dòng kênh. Bản quy hoạch chỉnh trang đã đề xuất tổ chức các tuyến xe buýt nhanh BRT chạy xung quanh và xe buýt thường kết nối nhanh chóng thuận tiện với các điểm ga tàu điện ngầm nên sau một thời gian ngắn, các vấn đề về giao thông đã được giải quyết.

Để chỉnh trang không gian kiến trúc cảnh quan hành lang bên sông, quy hoạch cũng đề xuất một tầm nhìn lớn, trong đó loại bỏ các công trình nhỏ lẻ xập xệp, cũ nát để hợp khối xây dựng các khu tổ hợp công trình quy mô lớn, góp phần nâng cao hiệu quả sử dụng đất và chỉnh trang đô thị.
Do từng là một trong những cụm công nghiệp chính của Hàn Quốc từ những năm 1960, khu vực Cheonggyecheon có rất nhiều cửa hàng dịch vụ nhỏ (có 60.000 cửa hàng, với 220.000 thương nhân và hơn 3.000 người bán hàng rong), rất nhiều trong số này bị giải tỏa để xây dựng các cụm trung tâm thương mại tập trung nhằm giảm mật độ xây dựng và nâng cao chất lượng dịch vụ. Khoảng 42.000 cuộc họp với các thương nhân đã được chính quyền thành phố Seoul tổ chức để thống nhất giải quyết. Một trong những nguyên tắc là không bồi thường bằng tiền mặt, nhưng một số hỗ trợ tài chính gián tiếp, như cho vay kinh doanh, tài trợ cho cải thiện cơ sở và học bổng đã được thực hiện.

Quy hoạch tổ chức không gian đa dạng, và có tính phân biệt cao để đảm bảo tính nhận diện đặc trưng bao gồm không gian mặt nước, không gian công viên và đi bộ 2 bên, không gian nhà thấp và cao tầng phái trên cao.

Với chỉ riêng đoạn chính có chiều dài xấp xỉ 3km, kéo dài từ điểm bắt đầu của Cheonggyecheon đến ga Dongdaemun đã quy hoạch thành 12 khối liền kề lớn. Trong đó, điểm bắt đầu được đặc trưng bởi các tòa nhà chọc trời lớn và các tòa nhà văn phòng. Hướng về phía hạ lưu là các tòa nhà thương mại 4,5 tầng, chủ yếu là các nhà hàng và quán cà phê, theo sau là một chuỗi các cửa hàng công nghiệp nhỏ 1,2 tầng. Xa hơn dọc theo con suối là những khu chợ truyền thống và khu phức hợp thời trang Dongdaemun. Bản quy hoạch đã tạo dựng được ít nhất 05 đặc điểm không gian đặc biệt tồn tại trong bán kính 12 khối này, tạo dựng tính nhận diện và bản sắc rất cao.

Các khối công trình chức năng được quy hoạch thành 07 nhóm theo hình thức sử dụng đất và hình thức kiến trúc và những thay đổi không gian được phân tích dựa trên bối cảnh lịch sử và tình trạng của từng nhóm. Để đánh giá và quản lý thành công, bản đồ GIS trên cơ sở số liệu địa chính thu thập qua các năm từ 2004 đến 2015. Những thay đổi hàng năm trong các cấu trúc, chẳng hạn như cấu trúc đường, tòa nhà mới xây, tòa nhà được cải tạo, thay đổi sử dụng tòa nhà và phạm vi bảo hiểm của tòa nhà đều được cập nhật, phân tích để phục vụ công tác quản lý. Trong 10 năm, tổng cộng có 49 tòa nhà mới được xây dựng và 140 công trình cải tạo lớn đã được thực hiện.

Những giá trị đem lại

Các tuyến phố thương mại, trung tâm mua sắm hiện đại  được quy hoạch xây dựng đồng bộ

Các tuyến phố thương mại, trung tâm mua sắm hiện đại
được quy hoạch xây dựng đồng bộ

Dự án phục hồi Cheonggyecheon đã thay đổi hình ảnh tổng thể của trung tâm thành phố Seoul. Trong khi đường cao tốc trên cao bao phủ dòng kênh là biểu tượng của sự phát triển và hiện đại hóa công nghiệp những năm 1980, thì việc quy hoạch tái thiết không chỉ riêng dòng kênh mà bao gồm cả không gian hành lang kiến trúc cảnh quan 2 bên đã trở thành một dấu hiệu của sự thay đổi mô hình trong phát triển đô thị, tạo điều kiện tiền đề cho sự phát triển bền vững của đô thị. Đã một thập kỷ kể từ quy hoạch tái thiết hành lang không gian kiến trúc cảnh quan kênh Cheonggyecheon được triển khai, đã tác động có hiệu quả nhiều mặt đến sự phát triển của đô thị.

Tạo động lực thúc đẩy quá trình cải tạo và kết nối đô thị. Cùng với các dự án quy mô khác, dự án quy hoạch tái thiết kênh Cheonggycheon đã trở thành động lực tác động đặc biệt mạnh mẽ và lâu dài về cải tạo đô thị đối với khu vực xung quanh. Những thay đổi khác nhau dựa trên việc sử dụng đất và cấu trúc đô thị trước đó. Nhìn chung, những thay đổi không chỉ đơn giản tăng kích thước tòa nhà, mà là sự kết hợp của các lô đất và tái tổ chức hệ thống đường dành cho người đi bộ rộng hơn. Các chức năng sản xuất tiểu thủ công nghiệp gây ô nhiễm và không được khuyến khích tồn tại trong đô thị cũng được tự nhiên di dời, để nhường chỗ cho việc tổ chức các không gian dịch vụ, sinh hoạt cộng đồng, công viên cây xanh.
Hầu hết các tòa nhà văn phòng hiện đại và quan trọng đều nằm dọc theo phố Sejong-daero là trục giao thông trung tâm biểu tượng của Seoul trong 600 năm. Sau khi dòng kênh Cheonggyecheon được chỉnh trang tái thiết, các khối liền kề nhỏ với phố Sejong-daero đã được tái phát triển trên cơ sở quy hoạch cải tạo hợp khối thành các công trình cao tầng và siêu cao tầng với nhiều chức năng tòa nhà văn phòng, dịch vụ, lưu trú khách sạn. Cùng với việc tái phát triển chỉnh trang sử dụng đất, hầu hết các con ngõ nhỏ chật hẹp cũ đã được loại bỏ để mở rộng thành các nhánh đường mới rộng rãi – an toàn dành cho người đi bộ.

Khu vực dọc tuyến phố Gwanchuldong bao gồm hầu hết các nhà hàng và quán cà phê hiện đại, bên cạnh một số các công trình có chức năng giáo dục đào tạo. Vì là các khu đất vàng, khu trung tâm lõi đô thị, quy hoạch sử dụng đất cho phép mật độ xây dựng lên tới xấp xỉ 82,6% với 14 khối và 170 tòa nhà, trong đó phần lớn có chiều cao dưới 05 tầng và hệ số sử dụng đất 345,5%. Hơn 85% số lô đất nhỏ hơn 300m2 được chia thành hệ thống các cửa hàng dịch vụ với quy mô mỗi cửa hàng nhỏ hơn 200m2. Hơn 85% các tòa nhà được xây dựng trước năm 1990, nhưng hầu hết trong số chúng đã được bảo trì tốt, do đó, mức độ đường phố thống nhất và được quản lý tốt; các cửa hàng thương mại nhỏ được xếp dọc theo hệ thống các đường nội bộ với mặt cắt đường từ 5 – 7m.

Giúp gia tăng không gian công viên cây xanh và tính sinh thái cho đô thị. Với dự án Cheonggyecheon, chính sách đô thị của Seoul đang chuyển sang bảo tồn sinh thái, đa dạng sinh học và tăng tiện nghi sống. Sự trở lại của dòng kênh cổ đã mang lại một phần của thành phố bị lãng quên và là nơi để mọi người tận hưởng thiên nhiên ở giữa trung tâm thành phố. Kể từ dự án phục hồi năm 2005, môi trường sinh thái của kênh Cheonggyecheon đang được cải thiện. Giờ đây, kênh là khu bảo tồn thiên nhiên sống trong lòng đô thị với hơn 300 dạng thực vật khác nhau. Khoảng 20 triệu người ghé thăm Cheonggyecheon mỗi năm để tham quan dòng kênh.

Trở thành biểu tượng của đô thị hiện đại. Trên cơ sở quy hoạch và điều chỉnh sử dụng hợp lý quỹ đất khu trung tâm, dự án là cơ hội để Seoul vươn mình cùng với các đô thị trên thế giới với một khu trung tâm phát triển hiện đại. Với nhiều công trình cao tầng hiện đại như Khu phức hợp thương mại Sewoon Sanga, cầu vượt Cheonggyecheon với cấu trúc bê tông đồ sộ.

 Quảng trường Dongdaemun Design Plaza phục vụ cộng đồng được xây dựng mới trên cơ sở chuyển đổi hợp khối chức năng sử dụng đất

Quảng trường Dongdaemun Design Plaza phục vụ cộng đồng được xây dựng mới trên cơ sở chuyển đổi hợp khối chức năng sử dụng đất

Đặc biệt là các công trình trung tâm dịch vụ đô thị mới như Dongdaemun Design Plaza có thiết kế kiến trúc rất hiện đại là khu công viên, trung tâm hội nghị, phòng trưng bày và khu vực thương mại – nơi tổ chức lễ hội thời trang World Fashion Show hàng năm.

Các phần không gian phía cuối ngoài là khu vực bán buôn còn tái phát triển các khu vực bán lẻ thời trang với hệ thống các trung tâm mua sắm thời thượng như Miliore, Doota, Good Morning City, Hello APM được phát triển, thu hút nhiều du khách trẻ, trở thành khu phức hợp thời trang 24 giờ với hơn 2,5 triệu khách du lịch nước ngoài hàng năm.

Bảo tồn không gian chợ truyền thống và các tòa nhà thương mại hiện đại. Chợ Dongdaemun, Namdaemun… và nhiều khu chợ cổ khác đều đã từng tồn tại ở đây. Chợ Dongdaemun được biết đến là đã được tái thành lập sau Chiến tranh Triều Tiên năm 1953, khi những người tị nạn kiếm sống bằng cách làm quần áo (hơn 60% thương nhân ở chợ Dongdaemun là những người tị nạn từ phía bắc bắt đầu làm người bán hàng rong) và trở thành chợ may mặc lớn nhất Seoul. Tuy nhiên, các chợ truyền thống trong khu vực này đã bị xóa sổ và xây nhà cao tầng hiện đại trong những năm 1960 – 1970. Việc quy hoạch tái thiết không gian khu vực này đã cho phép phục hồi các chợ truyền thống như đã từng tồn tại những năm 1905, trong đó chợ Gwangjang là một ví dụ tiêu biểu thành công nhất. Sau khi phục hồi, đây là một trong những điểm thu hút khách du lịch trong nước và quốc tế bởi chất truyền thống đặc trưng Hàn Quốc.

Bài học kinh nghiệm đối với Việt Nam

Từ kết quả của dự án quy hoạch tái thiết kênh hành lang không gian kiến trúc cảnh quan Cheonggyecheon (TP Seoul, Hàn Quốc), với trường hợp kênh Nhiêu Lộc – Thị Nghè (TPHCM) nói riêng và hệ thống các kênh rạch nội đô trong các đô thị Việt Nam nói chung, công tác quy quy hoạch chỉnh trang cần đạt được một số tiêu chí:

Xác định rõ chức năng của mặt nước đối với đô thị. Phải lựa chọn: hoặc sử dụng không gian ven kênh như một đường giao thông, hoặc giữ gìn được cảnh quan đặc trưng vốn có. Việc quy hoạch đoạn kênh này thành một tuyến đường nổi đơn thuần để giải quyết vấn đề giao thông cho đô thị sẽ khiến kênh Nhiêu Lộc chỉ còn là một cống hộp khổng lồ, không hơn không kém.

Cần nhận thức rõ các chức năng của kênh đem lại cho đô thị trước khi quyết định biến nó thành tuyến giao thông nổi đơn thuần. Những giá trị không thể chối bỏ của Kênh Nhiêu Lộc – Thị Nghè là: Cung cấp cảnh quan tự nhiên, nước sạch; Cung cấp không khí trong lành; Tạo không gian nghỉ ngơi thư giãn, thể thao và các tiện ích phục vụ sức khỏe cộng đồng; Tạo không gian giải trí, tổ chức hoạt động lễ hội, các sự kiện văn hóa xã hội; Thúc đẩy tiềm năng khai thác du lịch của thành phố, đầu tư, phát triển kinh tế đô thị… Và đặc biệt, chính không gian cảnh quan, mặt nước của dòng kênh này là cơ hội để đô thị TPHCM phát triển có bản sắc.

Quy hoạch có tham khảo ý kiến cộng đồng. Vấn đề tham khảo ý kiến cộng đồng chỉ vừa xuất hiện gần đây, đã trở thành một yếu tố không thể thiếu trong các quy hoạch chi tiết. Cần hạn chế cách làm triển khai mang tính thủ tục và kiểm soát đánh giá được mức độ ảnh hưởng cũng như hiệu quả phục vụ công tác quy hoạch và quản lý đô thị.

Bảo tồn được quỹ đất dự trữ, quản lý và bố trí trang thiết bị đáp ứng được nhu cầu cộng đồng. Trong khi mật độ mảng xanh bình quân của Thành phố chỉ đạt chưa tới 3m2/người, việc đầu tư cho không gian mặt nước sẽ là giải pháp hợp lý hữu hiệu để giải quyết vấn đề thiếu không gian trống đô thị. Không gian mặt nước phải đủ thoáng để tổ chức được các hoạt động văn hóa giải trí nghỉ ngơi, bố trí các trang thiết bị đáp ứng nhu cầu cộng đồng. Điều này hầu như chưa được lưu tâm đúng mức trong quy hoạch dải xanh ven kênh Nhiêu Lộc. Rất cần những định hướng quy hoạch, tổ chức nhiều loại thiết bị đô thị tiện ích phục vụ các nhu cầu nghỉ ngơi, vui chơi, thể dục thể thao… cho người dân.

Tổ chức không gian mặt nước dễ dàng tiếp cận và nối kết với các khu lân cận. Không gian mặt nước phải đảm bảo khả năng tiếp cận dễ dàng cho mọi người, không bị chi phối bởi khoảng cách tới nơi ở, điều kiện sức khỏe hay mức độ thu nhập. Không gian mặt nước phải tiếp cận được từ nhiều hướng với nhiều hình thức và phương tiện giao thông đi bộ, xe hai bánh, ô tô, bus, du thuyền…, có tầm nhìn đẹp và thoáng, dễ dàng nhận biết và định hướng.

Phải đáp ứng và thỏa mãn nhu cầu sử dụng. Sự liên hệ giữa dòng sông với đô thị là một phần của văn minh đô thị và là thước đo trình độ phát triển của đô thị. Đô thị càng phát triển, nhu cầu hưởng dụng càng đa dạng và phức tạp. Yếu tố này khiến dòng sông trở nên hấp dẫn người dân đến sử dụng, góp phần tạo nên hồn đô thị. Ngoài các nhu cầu nghỉ ngơi giải trí thông thường, có thể chia các hoạt động và sự kiện trên sông và ven sông thành 4 nhóm bao gồm: (1) Các hoạt động giải trí; (2) Các hoạt động phục vụ khách du lịch và cư dân thành phố như du thuyền dọc sông, ngắm cảnh tham quan…; (3) Các hoạt động tiếp xúc với mặt nước; (4) Các hoạt động thương mại và phi thương mại.

Đảm bảo vệ sinh môi trường cho mặt nước, cải tạo các tuyến kênh và xử lý rác thải ra sông. Cải tạo hệ thống giao thông cơ giới bờ kênh, thiết kế hệ thống đường bộ hành và xe đạp kết hợp một cách thông suốt với các dịch vụ và phương tiện công cộng. Các phương tiện giao thông công cộng như xe bus, taxi du thuyền cần được phát triển dọc theo bờ kênh, từng bước thay thế dần các phương tiện giao thông cá nhân như xe máy, xe hơi. Các trạm dừng xe bus cần kết hợp với bến du thuyền cùng với các điểm tập kết người đi bộ. Các trạm dừng được đặt ở những khoảng cách hợp lý để người đi bộ có thể dễ dàng tiếp cận, áp dụng theo nguyên lý 500m – 800m có một trạm xe bus, bằng khoảng 5 – 10 phút đi bộ.

Các đô thị Việt Nam đang trong quá trình mở rộng vật lý và đô thị hóa mạnh mẽ. Dù đã có một số các điều chỉnh trên cơ sở các kinh nghiệm thực tế trong những năm qua nhưng việc quy hoạch chỉnh trang để lưu giữ và phát triển các không gian sông – mặt nước trong đô thị vẫn còn đứng trước nhiều thách thức, đặc biệt trong xác định tầm nhìn quy hoạch và quản lý quy hoạch sử dụng đất. Bài học kinh nghiệm của dự án quy hoạch tái thiết kênh hành lang không gian kiến trúc cảnh quan Cheonggyecheon (TP Seoul, Hàn Quốc), có thể được xem là kinh nghiệm của các quốc gia phát triển đi trước cho các đô thị Việt Nam./.

THS.KTS. Trần Anh Tuấn – Trường Đại Học Kiến Trúc Hà Nội