Nên “hội chẩn” cho Tòa nhà 8B Lê Trực!
Một trong những điểm nóng trong quản lý đô thị của Hà Nội nhiều năm nay là vụ việc xung quanh Tòa nhà số 8B Lê Trực. Lùng nhùng trong suốt hơn 4 năm, một tòa nhà lừng lững 18 – 19 tầng xây dựng dở dang ngay trung tâm Thủ đô như một bức tượng đài về sự kém cỏi và bất lực của nhiều cấp chính quyền trong lĩnh vực này.
Cho đến ngày gần đây, Công ty Cổ phần hạ tầng Phương Bắc (đơn vị đã thực hiện xong việc phá dỡ giai đoạn 1 trong vụ việc này là tầng 20 và 19) có công văn chính thức báo cáo với các cơ quan chức năng rằng, sau khi xin ý kiến của nhiều chuyên gia và cơ quan tư vấn hàng đầu Việt Nam, hiện tại không thể thực hiện được việc phá dỡ giai đoạn 2 là tầng 18 và giật cấp đến tầng 14 vì không đảm bảo an toàn cho cả tòa nhà do yếu tố kỹ thuật.
Cụm từ “không thể” này theo văn bản tường trình là nói về tính khả thi, về thực tiễn hiện trạng, còn về lý thuyết là vẫn có thể, nếu “phải phá bỏ cả tòa nhà”(!?).
Ôi, thế thì còn nói gì được nữa đây, bởi với hoàn cảnh quản lý đô thị hiện nay, với thực trạng pháp lý của tòa nhà hiện nay, liệu ai có thể đủ thẩm quyền và can đảm để cho phép phá bỏ toàn bộ một tòa nhà trị giá hàng nghìn tỷ đồng?
Quả là “tiến thoái lưỡng nan”!
Trước khó khăn như vậy, tự nhiên tôi liên tưởng đến phương án cần tổ chức một cuộc “hội chẩn” cho tòa nhà này, bởi nó tựa như một căn bệnh khá phổ biến trong hệ thống quản lý đô thị của nước mình, mà ca này khá đặc biệt, nó liên quan đến nhiều yếu tố khách quan và chủ quan, nhiều tổ chức và cá nhân, cả về quyền lực cứng và quyền lực mềm, cả về lề lối làm việc của công chức và thái độ ứng xử của người dân, cả về góc độ lãng phí của cải xã hội và giữ nghiêm kỷ cương phép nước…
Theo thông lệ ngàn năm của ngành y, khi có một bệnh nhân bệnh nặng, phức tạp mà dứt khoát phải cứu chữa, khi một bác sĩ, một bệnh viện không đủ năng lực đưa ra giải pháp tối ưu thì chỉ có một phương cách, đó là “hội chẩn”. Lúc đó, những người giỏi nhất được tập hợp để chia sẻ thông tin, phân tích tình huống, đào bới trí tuệ và đưa ra giải pháp tối ưu…
Nào, với Tòa nhà 8B Lê Trực, đầu tiên ta hãy chia sẻ thông tin.
Chủ đầu tư dự án này là Công ty May Lê Trực có một điểm tựa pháp lý khá vững chắc, đó là dựa vào Quyết định số 2452/QĐ-UBND của UBND TP. Hà Nội do Chủ tịch Nguyễn Thế Thảo ký, “về việc phê duyệt điều chỉnh cục bộ quy hoạch chi tiết phần kiến trúc hai bên trục đường Cầu Giấy – Kim Mã – Hùng Vương (đoạn từ Đại sứ quán Thụy Điển đến đường Hùng Vương) tỷ lệ 1/500 tại lô đất ký hiệu L30, địa điểm số 8B phố Lê Trực, phường Điện Biên, quận Ba Đình, Hà Nội”. Theo đó, chiều cao công trình là 69,1m; 20 tầng (gồm 17 tầng, 2 tầng kỹ thuật, 1 tầng mái).
Theo luật định, đây là văn bản quy phạm pháp luật. Luật Ban hành các văn bản quy phạm pháp luật nêu rõ: “Quy phạm pháp luật là quy tắc xử sự chung, có hiệu lực bắt buộc chung, được áp dụng lặp đi lặp lại nhiều lần đối với cơ quan, tổ chức, cá nhân trong phạm vi cả nước hoặc đơn vị hành chính nhất định, do cơ quan nhà nước, người có thẩm quyền quy định trong Luật này ban hành và được Nhà nước bảo đảm thực hiện”.
Có nghĩa là, mọi quy định của văn bản này sẽ “được Nhà nước bảo đảm thực hiện”, trừ khi có những văn bản ở cấp cao hơn bãi bỏ.
Thế mà chỉ sau đó ít lâu, “bỗng nhiên” Sở Xây dựng Hà Nội ban hành một Giấy phép xây dựng, mà trong đó quy định (trong văn bản này không thể hiện bất cứ một căn cứ nào) rằng, Tòa nhà 8B Lê Trực phải điều chỉnh công trình này xuống 18 tầng, chiều cao công trình 53m(!?). Vấn đề cần quan tâm ở đây là, tại sao một văn bản có tính hành chính lại có thể phủ nhận một văn bản có tính quy phạm pháp luật?
Và vì thế, Tòa nhà vẫn “hồn nhiên” xây lên 20 tầng.
Nay, có chỉ đạo từ cấp trên, dự án phải thực hiện theo Giấy phép xây dựng kia!
Tiếp theo, ta hãy thử phân tích.
Để tồn tại vụ việc này qua nhiều năm như thế, sự tai hại đầu tiên là sự ảnh hưởng không nhỏ đến uy tín bộ máy nhà nước nói chung và của UBND TP. Hà Nội nói riêng. Một câu hỏi được đặt ra, cho đến nay, Quyết định số 2452/QĐ-UBND của UBND TP. Hà Nội do Chủ tịch Nguyễn Thế Thảo ký ngày 5/12/2008 kia có còn hiệu lực không, và nếu không còn thì hiệu lực của nó bị bãi bỏ bằng văn bản nào, vào thời gian nào?
Tôi nghĩ, nếu minh bạch được vấn đề này thì nút thắt của vấn đề sẽ được nới rộng hơn rất nhiều.
Chưa hết, Hà Nội cũng cần làm rõ giá trị pháp lý của Giấy phép xây dựng số 11/GPXD-SXD mà Sở Xây dựng Hà Nội đã cấp cho Tòa nhà 8B Lê Trực ngày 24/3/2014. Bởi lẽ văn bản này không chỉ phủ nhận một văn bản quy phạm pháp luật cấp thành phố là Quyết định số 2452/QĐ-UBND của UBND TP. Hà Nội, mà còn bất chấp một văn bản quy phạm pháp luật, đó là các tiêu chuẩn trong Quyết định của Bộ trưởng Bộ Xây dựng về việc ban hành TCXDVN 323 : 2004 “Nhà ở cao tầng – Tiêu chuẩn thiết kế “.
Tại tiêu chuẩn 6.2.4.12 quy định: Chiều cao thông thủy các phòng ở không được nhỏ hơn 3m và không được lớn hơn 3,6m. Chú thích: Chiều cao thông thủy là chiều cao từ mặt sàn đến mặt dưới của trần.
Về GPXD này, thông tin từ Công ty May Lê Trực cho hay, công trình được cấp phép là chiều cao là 53m và 18 tầng nổi, có 4 tầng hầm. Chiều cao bình quân của các tầng là 2,94m (53m: 18 tầng = 2,94m). Trừ đi chiều dày bê tông dầm sàn, trần 0,6m. Chiều cao thông thủy của một tầng chỉ còn khoảng 2,36m.
Vậy những con số này có hợp pháp chăng?
Hậu quả tiếp theo là những người không có lỗi đang phải gánh hậu quả cho những người vi phạm. Đây là sự đảo lộn không thể chấp nhận, bất kể soi xét về giá trị đạo đức, văn hóa hay pháp lý. Những ngày mới đây, bất chấp thời tiết mưa bão, hàng chục khách hàng mua nhà ở đây đã xuống đường, căng băng rôn, biểu ngữ đề nghị các cấp chính quyền sớm có phương án xử lý để các hộ dân sớm được nhận nhà và về nhà để ở.
Cái cảnh này ở nơi khuất nẻo thì còn đỡ, nay đường Lê Trực chỉ cách khu vực Lăng Bác và Tòa nhà Quốc hội một quãng ngắn, quả là việc không đáng xảy ra trước mắt khách đi đường, đặc biệt là khách nước ngoài.
Việc phẫn nộ của những khách hàng ở đây cũng dễ hiểu vì họ đã bỏ ra nhiều tỷ đồng để mong muốn có nơi ở cho tử tế, nay đã trên dưới 2 năm, mà với cái đà này cũng chưa biết đến bao giờ, mỗi tháng cứ vài chục triệu đồng “ném qua cửa sổ”, cho dù có gan đồng dạ sắt cũng phải xót của.
Hậu quả tiếp nữa, ta giả định cái sai trong việc xây dựng dự án này hoàn toàn thuộc về chủ đầu tư, liệu có nên tiếp tục phá dỡ không?
Vì thế, đến giờ này, sau khi có kết luận của các chuyên gia và các nhà tư vấn, càng có thể khẳng định rằng, nên có một cuộc “hội chẩn” cho Tòa nhà 8B Lê Trực.
Bởi lẽ rất đơn giản đã được phân tích ở trên, đó là con đường duy nhất!
Nguyễn Hoàng Linh/reatimes.vn