05/07/2019

Sự “lệch pha” trong những cách nhìn về việc bảo tồn di sản kiến trúc ở Việt Nam hiện nay

(Tạp chí KTVN) – Vấn đề bảo tồn di sản kiến trúc Việt Nam hiện nay đang rất nóng và thu hút được sự quan tâm, tranh cãi từ nhiều giới trong xã hội. Tình trạng ngày càng trầm trọng hơn bởi vụ việc này vừa “hạ nhiệt” thì lập tức vụ việc khác lại “nổi lên” theo những cách thức rất giống nhau. Việc “hạ giải” mục đích không phải để nâng cao giá trị tiềm ẩn của di tích mà là để triệt thoái nó với mong muốn thay thế bằng việc xây mới một “cái gì đó” to lớn hơn, trẻ trung hơn và thường có cảm nhận là kém cỏi hơn… Đó thực sự là một nghịch lý của quá trình “phát triển nóng”, phát triển bằng mọi giá mà nhiều nơi, nhiều quốc gia từng vấp phải, để rồi khi nhận biết được giá trị quý báu đó đã thật sự mất hẳn thì mọi việc đã trở thành “chuyện đã rồi”.

Nguyên nhân sâu xa và chủ yếu của vấn đề này ở Việt Nam nằm trong sự “lệch pha” về nhận thức giữa các “chủ thể” có liên quan trong việc bảo tồn di sản kiến trúc mà ra.

Nhà thờ Bùi Chu

Nhà thờ Bùi Chu

Sự “lệch pha” về cách nhìn

Thứ nhất, cách hiểu quá xơ cứng về di sản văn hóa – lịch sử do chỉ căn cứ trên cơ sở pháp lý. Một di tích kiến trúc chỉ được thừa nhận là di sản khi nó đã được chính quyền chính thức cấp giấy chứng nhận. Cách hiểu này không sai, nhưng không đầy đủ và thường bị xơ cứng. Các cấp chính quyền thì luôn bị chi phối bởi rất nhiều công việc. Không có công việc nào lại không mang tính cấp bách. Điều này dễ dẫn đến một mức độ hành xử có tính chủ quan, hời hợt, không theo kịp hiện thực của cuộc sống vốn rất sinh động.

Những người hiểu về di sản theo cách này, khi thực thi trách nhiệm dựa trên quyền lực được nhà nước giao phó, thường giữ thái độ ứng xử “dựa dẫm” vào các “quy trình”; Mà quy trình nào cũng đầy tính pháp lý, nhưng ít bàn đến tính nhân văn. Vậy, nếu một vấn đề phức tạp của văn hóa – xã hội như vấn đề di sản sẽ giải quyết dễ và an toàn nhất là căn cứ theo quy trình. Như vậy, liệu có gì đảm bảo là người ta sẽ không “lợi dụng” quy trình ấy cho phù hợp với lợi ích của các nhóm thiểu số. Mặt khác, quy trình dù có chặt chẽ, khách quan đến bao nhiêu mà những cá thể tham gia vào quy trình ấy không “tương xứng” với “quy trình” cả về “Tâm – Tầm – Tài”, thì “quy trình” ấy chắc chắn sẽ bị xô lệch, làm cho méo mó là điều không tránh khỏi.

Sự việc ồn ào của việc dự định phá bỏ Dinh Thượng Thơ ở TPHCM và việc công bố “Quy hoạch chi tiết 1/500 và thiết kế đô thị Khu Trung tâm Hòa Bình” vừa qua cho thấy rằng “quy trình” không phải là cách biện luận đủ thuyết phục. Nhưng, với cái cách trả lời báo chí của các nhà quản lý ở Đà Lạt vừa qua có vẻ cho thấy đó là cách phù hợp nhất để kiểu biện bạch này tránh được trách nhiệm của một người công dân đối với không chỉ tài sản văn hóa vật chất mà còn cả những giá trị tinh thần của đất nước gửi gắm trong đó. Không ai có thể khiển trách, hạ chức, hạ bậc lương của họ; Nhưng trong suy nghĩ của nhiều người lại không vui, không phục và sau cùng là không “ý kiến” gì nữa.

Thứ hai là cách hiểu về di sản mang tính “sở hữu” là hoàn toàn thiên về tư tưởng: “Nhà của chúng tôi nên chúng tôi có quyền”. Họ không quan tâm đến lợi ích lâu dài của di sản có thể đem lại cho đất nước, cho cộng đồng, trong đó có chính họ… mà các nhóm “yêu di sản” thường nêu lên, bởi vì lợi ích đó hiện nay đang không ai và không có gì đảm bảo. Và trong ngắn hạn thì nó có mâu thuẫn thực sự với lợi ích của nhóm “sở hữu”. Lý lẽ của nhóm này có nhiều điểm gần với nhóm “quy trình”.

Thứ ba là cách hiểu quá thực dụng, coi di sản kiến trúc là trở ngại chính của phát triển, lợi ích kinh tế mới là thiết yếu. Việt Nam không phải là quốc gia duy nhất còn duy trì cách hiểu này. Nhiều quốc gia giàu có như Singapore, Nhật Bản… cũng đã vướng vào lối tư duy thiển cận này. Nhật Bản thì đã xóa sổ khoảng 80% các di sản kiến trúc thuộc đẳng cấp quốc tế mà KTS vĩ đại người Mỹ – F. L. Wright đã lưu lại trên đất nước mà ông hết lòng ngưỡng mộ này. Sau một thời gian không dài, khi kinh tế khá giả hơn, họ mới suy ngẫm và hiểu ra rằng những gì đã từng bị đập bỏ trước đây phải được tái thiết bằng mọi giá để cứu vãn lại một phần lịch sử của quá khứ như một phần ký ức của chính họ. Cụ thể là Singapore đã phải xây dựng lại 100% khu Shophouse ở số 9 Phố Tan Quee Lan và cho đến hôm nay cách làm này trở thành một bài học đắt giá cho các đô thị và quốc gia đang phát triển.

Khu Shophouse ở số 9 Phố Tan Quee Lan, Singapore

Khu Shophouse ở số 9 Phố Tan Quee Lan, Singapore

Hiện nay, chúng ta vẫn còn đang hồi hộp chờ đợi những gì sẽ xảy ra với một trong những kiến trúc đặc biệt nhất ở Bùi Chu – đó là ngôi nhà thờ 135 tuổi đã và đang được “hạ giải” bằng việc theo sát “quy trình” và được “quy trình” vỗ về có đến cả hơn 10 năm trời.

Thứ tư là cách hiểu mang tính “bao trùm” về di sản. Đây là cách hiểu ngược với ba cách hiểu nêu trên. Tức là, hễ có bất cứ một công trình, một di tích kiến trúc nào chuẩn bị “hạ giải” là họ lên tiếng phản đối đủ cách, đủ kiểu, với đủ mọi lập luận và từ ngữ mà không phải tất cả đều có tính chuyên môn xác đáng hoặc vô vị lợi.

Đối diện với các cơ quan chức năng, những ý kiến – kiến nghị của họ luôn bị bác bỏ vì lý do: thiếu căn cứ thực tế, chưa quan tâm đến khía cạnh có tính pháp lý, di tích kiến trúc đó chưa được chính thức công nhận là di tích kiến trúc. Mặt khác, các nhóm “yêu di sản” này lại không thuộc về một “đoàn chính thức của nhà nước từ trung ương, tỉnh và địa phương” (Trích thư Tòa Giám Mục Bùi Chu trả lời ý kiến góp ý của Hội KTS Việt Nam ngày 20/05/2019). Như vậy có nghĩa là những ý kiến phản biện xã hội này thường không được hưởng ứng vì bị xem là những kẻ “ngoài luồng”, “ngoài quy trình”.

Phải nói rằng hệ thống pháp lý của xã hội ta hiện đang còn lúng túng trong việc thừa nhận vai trò cũng như tính hợp pháp của các nhóm “phản biện xã hội” tự phát. Xét cho cùng thì những hoạt động phản biện của họ là hợp pháp và nhìn chung là có tính nhạy bén, tích cực, giúp các cơ quan chức năng mau chóng nắm bắt được những thông tin cần thiết cho các hoạt động chuyên môn, nghiệp vụ của mình.

Hạn chế của những nhóm này là tính tự phát rất cao, nhưng tính tổ chức không cao – một kiểu cách hoạt động đầy tính chất tâm lý của “văn hóa làng xã”. Ngoài ra là những hạn chế thông thường như: thời gian, tiền bạc, tính chuyên môn sâu… của những hội đoàn xã hội – có bề rộng mà thiếu chiều sâu. Có thể cũng vì vậy mà họ chưa bao giờ được các tổ chức, các cơ quan chức năng coi là đối tượng cần thiết phải đối thoại.

Thứ năm là cách hiểu về di sản mang tính “mở”. Đây là cách hiểu gần với những lý luận hiện đại của thế giới về bảo tồn giá trị văn hóa và nghệ thuật của các di sản kiến trúc – đô thị. Đó là: Tinh thần của địa điểm – Kiến tạo nơi chốn – Ký ức cộng đồng… Phải nói rằng, những khái niệm không dễ được hình dung, được thẩm thấu vào một xã hội mà cách nghĩ, cách hành xử chẳng mấy liên quan đến những khái niệm “diệu vợi” này. Vì vậy, khi đặt những khái niệm này lên bàn thảo luận, vấn đề vẫn có thể tiếp tục bế tắc.

Sự khác biệt trong cách hiểu về quyền/quyền lợi/nghĩa vụ đối với di sản

Trên đây, chúng tôi đã phân tích những lý do mang tính nhận thức trong những cách hiểu của xã hội ta về cùng một vấn đề là bảo tồn di sản kiến trúc. Sự khác nhau – sự “lệch pha” đó đã khiến cho vấn đề bảo tồn, phát triển di sản ở Việt Nam gặp nhiều bế tắc. Trong phần này, xin phân tích một vài sự khác biệt nữa trong cách hiểu về quyền/quyền lợi/nghĩa vụ đối với di sản – di sản văn hóa – kiến trúc.

Do quyền sở hữu đối với tài sản là một quyền được pháp luật thừa nhận, vì vậy mà quyền lợi và nghĩa vụ đối với nó cũng sẽ được các bên nhìn nhận khác nhau. Một công trình kiến trúc có thể có ý nghĩa và tầm vóc “di sản” trong đánh giá của nhóm này có thể chỉ là một “tài sản – bất động sản” theo đánh giá của nhóm khác. Sự khó phân định lằn ranh giữa “tài sản” và “di sản kiến trúc” là vì chúng cùng tồn tại trong một vật thể – một công trình kiến trúc. Các cuộc tranh luận sẽ không thể đi đến kết thúc một khi còn tồn tại sự “lệch pha” trong đánh giá.

Có hai trường hợp có thể phận định được như sau:

+ Nếu công trình kiến trúc thuộc sở hữu của toàn dân, do nhà nước nắm quyền quản lý thì việc lên tiếng của các nhóm xã hội với danh nghĩa vì lợi ích chung là điều khá dễ hiểu, cho dù kết quả có như thế nào. Sự việc dự định phá bỏ Dinh Thượng Thơ ở TPHCM tạm thời lắng xuống là do sự lên tiếng của các nhóm xã hội có phần đóng góp.

Ở góc nhìn khác lại thấy rằng, khi trao tấm bằng công nhận “Di sản văn hóa” cho một công trình hay một quần thể di tích, không có nghĩa là bên sở hữu bị trói buộc đến mức gần như không có quyền gì đối với chính ngôi nhà của mình. Trường hợp này đang xảy ra đối với khu phố cổ Hà Nội. Một sự khó khăn “bỏ thì thương, vương thì tội” trong đời sống hàng ngày của nhiều hộ gia đình nơi đây.

Tình cảnh ngôi nhà thấm dột, xuống cấp mỗi ngày không có cấp quản lý nào quan tâm, hướng dẫn. Nhưng nếu họ bỏ tiền túi ra để tự sửa chữa thì lại không được phép – vì ngôi nhà “thuộc diện di sản”. Đó là chưa nói đến những tranh chấp “như cơm bữa” giữa các hộ gia đình sống chung trong ngôi nhà. Gia đình này làm, thì gia đình khác khiếu kiện… “câu chuyện thường ngày trong di sản” này cứ thế u uất trên những trang báo, trong các ấn bản chủ nhật. Đọc rồi, biết thế, “khổ lắm – nói mãi”…

Trường hợp trên, chủ trương xã hội hóa công tác bảo tồn – trùng tu dường như là một “lối ra” duy nhất cần sớm được thực hiện. Đất nước giữ được những di sản kiến trúc đáng tự hào, ngân sách không còn phải chịu gánh nặng của bảo tồn, người dân có được điều kiện sống tốt hơn theo cái cách mà họ muốn… Tất cả những dự kiến tốt đẹp này nhà nước luôn phải gánh vác trách nhiệm thực sự của một vị nhạc trưởng, điều hòa quyền lợi của các bên liên quan theo mô hình Win – Win.

+ Nhưng, nếu công trình kiến trúc thuộc sở hữu của một cộng đồng thì vấn đề sẽ trở nên phức tạp hơn nhiều. Lý lẽ của việc dựa vào quyền sở hữu đối với di sản bằng cách khẳng định quyền được ứng xử với nó một cách tùy tiện, thậm chí là phá bỏ để xây một cấu trúc mới vì có nhiều lợi ích trước mắt hơn cho cộng đồng sở hữu là không chuẩn.

Nếu đã là công trình kiến trúc có bề dày lịch sử, cũng tức là có bề dày văn hóa và có thể có ít nhiều giá trị nghệ thuật thì công trình ấy nên được xem là di sản chung (theo nghĩa về lịch sử và văn hóa) của đất nước và của dân tộc. Do vậy, khi xem xét dưới góc độ này thì bảo tồn di sản đối với kiến trúc ấy không còn là vấn đề của riêng cộng đồng sở hữu nữa. Hiểu được điều này, nên mới có nhiều người lên tiếng, thậm chí khá gay gắt đối với dự kiến “hạ giải” nhà thờ Bùi Chu vừa qua.

Vậy, khi đã xem đây là tài sản chung của đất nước và của dân tộc thì Nhà nước phải là cấp cao nhất đóng vai trò trọng tài trong mỗi quyết định liên quan, trừ quyền sở hữu và vận hành công trình đó. Những quyết định đúng đắn, kịp thời của Nhà nước là hỗ trợ cộng đồng sở hữu di sản về mặt pháp lý và kỹ thuật. Khía cạnh tài chính của công tác bảo tồn sẽ là vấn đề được xã hội hóa.

Trên thực tế, nguồn kinh phí đầu tư cho việc “hạ giải” của nhà thờ Bùi Chu vừa qua chủ yếu đến từ sự đóng góp của các tổ chức và nhà hảo tâm. Cái mà nhà thờ Bùi Chu hiện nay đang thiếu chính là những cái vốn phải thuộc về trách nhiệm của các cơ quan quản lý nhà nước và văn hóa, đó là sự quan tâm, hỗ trợ tích cực, thiện chí về mặt đánh giá giá trị, sự cung cấp vô tư về phương diện kỹ thuật trùng tu, bảo tồn…

Sự khác biệt trong cách ứng xử với di sản kiến trúc

Từ những cách hiểu khác biệt nêu trên sẽ dẫn đến cách ứng xử đối với di sản – di sản văn hóa và nghệ thuật một cách hời hợt, hoặc sẽ dẫn đến những hệ lụy khác như khai thác, bảo quản, giữ gìn di sản kiến trúc không đúng và không đủ trân trọng. Tình trạng nhà thờ Bùi Chu và rạp Hòa Bình bị để cho xuống cấp ngày càng trầm trọng, nhếch nhác… lại càng khiến cho những người hiểu không đúng về di sản không có một kế hoạch khả thi và lâu bền đối với di sản theo tinh thần “của bền tại người”. Lỗi ở đây thuộc về người sử dụng và người quản lý. Nếu có hiểu biết thực sự đúng đắn về công cuộc bảo quản, giữ gìn tài sản vật chất nói chung thì sao lại có cái cách “vận hành” theo kiểu “cha chung không ai khóc” như rạp Hòa Bình ở Đà Lạt hay ngôi nhà “thánh thiêng” của mình bị đẩy vào chỗ phải bị “bức tử”. Sao không lo chăm sóc, nâng niu những gì đang có mà cứ loay hoay với “tư duy nhiệm kỳ”, “để lại dấu ấn” đầy nghịch lý mãi vậy? Đấy là chưa nói đến sự việc sẽ như thế nào nếu như những kiến trúc ấy được hân hạnh đón nhận giấy chứng nhận “di sản văn hóa”?

Trong quá trình phát triển, vấn đề phá bỏ những công trình cũ có giá trị lịch sử và văn hóa để xây mới một cấu trúc cao tầng không phải là việc mới trên thế giới. Hầu như quốc gia nào cũng từng vấp vào vấn đề này. Nguyên nhân chủ yếu là do sự thúc đẩy của lợi nhuận. Trường hợp của Imperial Hotel Tokyo (1922-1967) là một ví dụ nổi bật nhất về cách làm thiển cận này đối với một trong những di sản bậc nhất của Frank Lloy’d Wright.

(Imperial Hotel 1922-1967)-KTS Frank Lloy’d Wright

(Imperial Hotel 1922-1967)-KTS Frank Lloy’d Wright

Imperial Hotel mới

Imperial Hotel mới

Khi công trình kiến trúc có nhiều nguy cơ bị hư hại hoặc sụp đổ thì cũng chính những người sử dụng và người quản lý lại thường chọn cách ứng xử tùy tiện bằng những biện pháp thiếu tính chuyên nghiệp nhất với một đối tượng rất cần phải được ứng xử một cách rất chuyên nghiệp, với một trình độ chuyên môn cao. Chính những hiểu biết về kỹ – mỹ thuật trong công tác trùng tu, sửa chữa, nâng cấp, cải tạo còn quá lệch lạc đã dẫn đến việc “trẻ hóa di tích” như cái cách người ta đã làm với chùa Trăm Gian. Lưu ý rằng chùa Trăm Gian là một di tích kiến trúc đã từng được hân hạnh đón nhận giấy chứng nhận “di sản văn hóa cấp quốc gia”.

Kết luận

Nếu xét đến nhu cầu và thể diện của một quốc gia cần phải có đủ cả văn hóa – truyền thống để mà tự hào bên cạnh sự giàu có. Chúng ta tự hào nếu đất nước mình không chỉ hiện đại – văn minh mà còn có bề dày văn hóa – lịch sử. “Bề dày” đó phải bao gồm cả những cái chưa được cấp giấy công nhận di sản bởi sẽ không tiền bạc nào có thể mua được. Nó dung chứa những giá trị lớn lao hơn, không dễ nhận biết như: tinh thần – nơi chốn – ký ức… Những khái niệm, lý thuyết này đã xuất hiện từ lâu, nhưng hiện nay những nội dung của nó vẫn chưa được “pháp lý hóa” trong các văn bản, quy định của pháp luật. Điều gì còn chưa được “thể chế hóa”, “pháp lý hóa” sẽ là những điều dễ “tặc lưỡi cho qua” nhất. Việc chưa nhận thức được những giá trị di sản văn hóa đúng đắn là do lỗi của con người, nên cần có sự điều tiết của nhà nước để các bên lĩnh hội được ý kiến và nguyện vọng của nhau, từ đó tạo sự đồng thuận cao nhất.

Tình hình sẽ thay đổi theo chiều ngược lại khi nhận thức về những giá trị di sản văn hóa ấy được đảm bảo bằng lợi nhuận. Trường hợp của Biệt thự trên thác – Falling Water (Hoa Kỳ) có doanh thu gấp 20 lần so với số vốn dùng cho việc tu bổ, bảo quản…là những kinh nghiệm trực tiếp đáng học hỏi nhất. Sự thành công trong việc bảo tồn khu phố cổ Hội An được ghi nhận chắc chắn không nhờ vào những ưu thế về tài chính, về kỹ thuật bảo tồn mà nhờ vào sự chỉ đạo, lãnh đạo sáng suốt của vị nguyên Bí thư thành ủy – Nguyễn Sự.

Nếu lợi nhuận tư nhân không được đảm bảo thì Nhà nước phải có trách nhiệm “bao cấp văn hóa” đối với di sản kiến trúc.

Thiếu kinh phí dành cho việc bảo tồn di sản luôn là “vấn đề muôn thuở”. Trong khi đó, bảo tồn di sản luôn đòi hỏi nhiều kinh phí và khó khăn hơn gấp nhiều lần so với đập đi xây mới. Đây là một nguyên nhân khó bác bỏ và cũng là một động lực không nhỏ thúc đẩy việc không tha thiết với bảo tồn di sản. Làm thế nào để một di sản kiến trúc (với kết cấu tường gạch chịu lực như nhà thờ Bùi Chu) thành “con gà đẻ trứng vàng” còn là một câu hỏi nhiều thách thức cho cả nhà quản lý lẫn chuyên môn./.

PGS.TS.KTS Lê Thanh Sơn/Trường Đại học Kiến trúc TPHCM