TPHCM: Nguồn cung bất động sản sụt giảm mạnh, vốn ngoại vẫn tiếp tục đứng đầu cam kết rót vào địa ốc
Trong báo cáo một số khó khăn, rủi ro của doanh nghiệp bất động sản (BĐS) 6 tháng đầu năm 2019 mà Hiệp hội BĐS TPHCM (HoREA) gửi Thường trực Thành ủy TP.CM, thường trực HĐND TPHCM và thường trực UBND TPHCM mới đây, HoREA cho rằng 6 tháng đầu năm thị trường BĐS TPHCM sụt giảm nguồn cung dự án và nguồn cung sản phẩm nhà ở, nhất là loại căn hộ nhà ở thương mại có giá vừa túi tiền, căn hộ nhà ở xã hội.
Trong 6 tháng đầu năm 2019, chỉ có 3 dự án nhà ở thương mại mới được Sở Xây dựng đề xuất UBND TPHCM công nhận chủ đầu tư với quy mô diện tích chỉ hơn 2,2 ha và 924 căn hộ, giảm 16 dự án (giảm 84,2%) so với cùng kỳ năm 2018. Sở Xây dựng cũng đã đề xuất UBND TP chấp thuận đầu tư 10 dự án nhà ở thương mại, giảm 46 dự án (giảm 82,2%) so với cùng kỳ năm 2018.
Chỉ có 24 dự án đủ điều kiện bán nhà hình thành trong tương lai, với tổng số 7.313 căn hộ, giảm 10 dự án (giảm 29,4%), giảm 2.336 căn (giảm 24,2%) so với cùng kỳ năm 2018. Trong đó, phân khúc căn hộ cao cấp giảm đến 43,8% (2.227 căn so với 3.965 căn cùng kỳ năm 2018), căn hộ bình dân giảm 34,7% (1.249 căn so với 1.914 căn cùng kỳ năm 2018).
Theo đơn vị này, sự sụt giảm của thị trường BĐS tác động đến nguồn thu ngân sách thành phố khi kết quả thu ngân sách thành phố 6 tháng đầu năm 2019 chưa đạt 50% kế hoạch. Số thu tiền sử dụng đất trong 5 tháng đầu năm 2019 giảm khoảng 60% so với cùng kỳ năm 2018.
Theo ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch HoREA, những khó khăn trên xuất phát từ rủi ro về pháp lý khi chủ đầu tư đã bỏ ra chi phí rất lớn để bồi thường, giải phóng mặt bằng dự án, nhưng không thể hoàn thành thủ tục pháp lý, hoặc không thể triển khai dự án, mà lỗi trong một số trường hợp không phải do chủ đầu tư mà xuất phát từ thủ tục hành chính bị ách tắc.
Trong đó có việc Sở Quy hoạch Kiến trúc TPHCM không nhận hồ sơ đề xuất quy hoạch chi tiết tỷ lệ 1/500. Vướng mắc do quy định của luật Nhà ở quy định dự án nhà ở thương mại phải có 100% đất ở trong khi tại hầu hết các dự án đều có các loại đất khác xen cài. Dự án bị chậm tính tiền sử dụng đất do quy trình, thủ tục hành chính phức tạp, kéo dài, thường mất khoảng 1-3 năm… Do đó, UBND thành phố cần có các giải pháp để hỗ trợ doanh nghiệp vượt qua giai đoạn khó khăn hiện nay.
Trong khi đó, theo số liệu của Cục Thống kê TPHCM, trong nửa đầu năm 2019, TPHCM có 572 dự án có vốn đầu tư nước ngoài (FDI) được cấp giấy chứng nhận đầu tư trên địa bàn với tổng vốn đăng ký đạt 528 triệu USD. Đồng thời, có thêm 137 lượt dự án với tổng vốn đăng ký thêm 285 triệu USD. Ngoài ra, còn có 2.209 lượt nhà đầu tư góp vốn, mua cổ phần với tổng vốn đạt 2,27 tỉ USD, tăng 31,8% so với cùng kỳ.
Tính chung, tổng vốn đăng ký cấp mới, tăng thêm và vốn góp, mua cổ phần của doanh nghiệp FDI vào TPHCM đạt hơn 3 tỉ USD. Trong đó, hoạt động kinh doanh bất động sản đứng đầu về vốn đăng ký với 26 dự án, vốn đạt 225,9 triệu USD, chiếm 42,7% tổng vốn dự án được cấp phép mới. Tiếp theo là các lĩnh vực hoạt động chuyên môn, khoa học công nghệ; ngành thương nghiệp; công nghiệp chế biến, chế tạo…
Bên cạnh những dự án được cấp phép mới, trong nửa đầu năm, TPHCM cũng có 73 dự án chuyển đi tỉnh, thành khác, giải thể và rút phép trước thời hạn với tổng vốn đầu tư 77,2 triệu USD.
Tại cuộc họp báo kinh tế – xã hội 6 tháng đầu năm do UBND TPHCM tổ chức mới đây, một số ý kiến băn khoăn về việc vì sao vốn ngoại đổ vào TPHCM đứng đầu các lĩnh vực nhưng số lượng dự án lại sụt giảm mạnh, nguồn cung suy giảm?
Lý giải vấn đề này, lãnh đạo Cục Thống kê TPHCM cho rằng bất động sản là lĩnh vực đặc thù, từ khi đăng ký cấp phép, được cấp giấy chứng nhận đầu tư để triển khai dự án cần nhiều thời gian, thậm chí vài năm… Do đó, việc vốn ngoại đổ mạnh vào bất động sản TPHCM cần độ trễ để triển khai thành dự án và không có mâu thuẫn với tình hình thực tế quy mô, nguồn cung sụt giảm trên thị trường này.
Nam Phong/Nhịp sống kinh tế