Thành phố Hồ Chí Minh: Gỡ vướng trong quản lý chung cư
Tại thành phố Hồ Chí Minh, số lượng chung cư tăng nhanh thời gian qua cũng… gắn liền với không ít vướng mắc trong quản lý, vận hành. Từng bước tháo gỡ tình trạng này, ngoài việc kiến nghị hoàn thiện quy định pháp luật liên quan, thành phố đang chỉ đạo các cơ quan chức năng rà soát công tác cấp phép xây dựng chung cư; xử lý nghiêm trường hợp thực hiện không đúng quy định về quỹ bảo trì, ban quản trị…
Hơn 100 chung cư có tranh chấp
Anh Trần Quốc T., cư dân chung cư số 1 Tôn Thất Thuyết (phường 1, quận 4) cho biết, sau thời gian dài chờ đợi, cư dân đã bầu được Ban Quản trị nhiệm kỳ mới. Tuy nhiên, tình hình tranh chấp tại chung cư vẫn không cải thiện, đặc biệt là các khoản thu – chi kinh phí quản lý, vận hành chưa minh bạch, cư dân chưa yên tâm.
Tương tự chung cư số 1 Tôn Thất Thuyết, theo Hiệp hội Bất động sản thành phố Hồ Chí Minh (HoREA), hiện trên địa bàn thành phố có hơn 100 chung cư (trong tổng số 1.367 chung cư) đang có tranh chấp ở các mức độ khác nhau. Trong đó, 9 chung cư xảy ra tranh chấp gay gắt, phức tạp kéo dài giữa ba bên (chủ đầu tư, ban quản trị và cư dân) liên quan đến kinh phí bảo trì phần sở hữu chung của nhà chung cư; mức đóng kinh phí, giá dịch vụ và việc thu – chi kinh phí quản lý, vận hành; diện tích sở hữu chung, sở hữu riêng… Theo HoREA, tình trạng tranh chấp tại các tòa nhà chung cư đang có dấu hiệu gia tăng; nguyên nhân là số nhà chung cư và cư dân tăng lên nhanh thời gian qua, trong khi công tác quản lý, vận hành vẫn còn không ít điểm hạn chế.
Thực tế cũng cho thấy, kinh phí bảo trì và diện tích sở hữu chung, sở hữu riêng là hai trong số các tranh chấp gay gắt, phức tạp kéo dài. Điều đáng lo ngại là tại nhiều chung cư, thành viên ban quản trị thường được chủ đầu tư “cài” vào để thao túng các hoạt động nhằm trục lợi. Mới đây, tại chung cư Luxcity (phường Bình Thuận, quận 7), cư dân đã “tố” chủ đầu tư đưa “người nhà” để bầu làm thành viên Ban Quản trị chung cư nhằm kiểm soát kinh phí bảo trì cũng như các vấn đề liên quan đến tài chính khác. Trong khi đó, UBND thành phố Hồ Chí Minh cũng vừa có công văn giao Sở Xây dựng khẩn trương phối hợp với các cơ quan, đơn vị liên quan thanh tra toàn diện công tác quản lý, vận hành Lô A chung cư Tân Tạo 1 (phường Tân Tạo A, quận Bình Tân) sau khi cư dân tố cáo chủ đầu tư không lập tài khoản để sử dụng kinh phí bảo trì; không bàn giao kinh phí bảo trì theo quy định; tăng các loại phí không đúng quy định…
Siết chặt việc cấp phép xây dựng
Liên quan phí bảo trì nhà chung cư (2% giá trị căn hộ), trao đổi với phóng viên Báo Hànộimới, ông Nguyễn Duy Thành, Chủ tịch Hội đồng quản trị, Tổng Giám đốc Công ty cổ phần Quản lý nhà Toàn cầu (Global Home) cho hay, việc duy trì kinh phí bảo trì rất cần thiết, giúp đơn vị quản lý có thể xử lý ngay các vấn đề liên quan đến duy tu, bảo dưỡng nhằm bảo đảm sự an toàn của chung cư khi sử dụng. Muốn quản lý hiệu quả kinh phí bảo trì nên đưa ra quy định tất cả các giao dịch liên quan khoản kinh phí này đều phải thực hiện qua tài khoản ngân hàng. “Nếu cư dân nghi ngờ chi sai quy định kinh phí bảo trì thì đề nghị ngân hàng in sao kê là có thể giám sát được ngay”, ông Nguyễn Duy Thành cho hay.
Luật sư Nguyễn Văn Hậu, Phó Chủ tịch Hội Luật gia thành phố Hồ Chí Minh cho biết, việc xác định phần diện tích sở hữu chung và riêng của các chủ sở hữu, không để phát sinh tranh chấp đã được quy định tại các văn bản quy phạm pháp luật như Luật Nhà ở 2014 và Thông tư 02/2016/TT-BXD do Bộ Xây dựng ban hành về quy chế quản lý, sử dụng nhà chung cư. Theo luật sư Nguyễn Văn Hậu, trong công tác quản lý cấp phép xây dựng công trình nhà chung cư, cơ quan có thẩm quyền cấp phép cần xác định phần diện tích sở hữu chung và riêng của các chủ sở hữu. Điều này cũng phù hợp với Luật Xây dựng; đồng thời tăng hiệu quả quản lý nhà nước về nhà chung cư.
Phó Chủ tịch UBND thành phố Hồ Chí Minh Trần Vĩnh Tuyến cho biết, thực tế, nhà chung cư có mối quan hệ khá phức tạp giữa các chủ thể liên quan, trong khi các quy định của pháp luật lại chưa theo kịp sự phát triển quá nhanh của loại hình nhà ở này. Trong thời gian chờ sửa đổi các quy định liên quan, UBND thành phố đã yêu cầu cơ quan có thẩm quyền xử lý nghiêm các trường hợp chiếm dụng kinh phí bảo trì, đồng thời đứng ra làm trung gian giải quyết tranh chấp. Thành phố cũng yêu cầu Sở Xây dựng hướng dẫn cư dân tổ chức hội nghị nhà chung cư để bầu ban quản trị một cách minh bạch, đồng thuận cao.
“Thành phố đã giao Sở Xây dựng tăng cường công tác quản lý cấp phép xây dựng công trình nhà chung cư, trong đó cần xác định phần diện tích sở hữu chung và riêng của các chủ sở hữu, không để phát sinh tranh chấp, khiếu nại về sau. Thành phố cũng đã kiến nghị Bộ Xây dựng điều chỉnh quy chế quản lý, sử dụng nhà chung cư cho phù hợp với thực tế”, Phó Chủ tịch UBND thành phố Hồ Chí Minh Trần Vĩnh Tuyến nhấn mạnh.
Nguyễn Lê/Hà Nội mới