21/06/2019

Bảo tồn di sản kiến trúc trước sự phát triển đô thị

Không chỉ góp phần quảng bá văn hóa, lịch sử của một quốc gia, một thành phố, di sản kiến trúc còn là một nguồn lực kinh tế quan trọng, được nhiều nước khai thác thành công. Thế nhưng tại Việt Nam, tình trạng xâm hại, phá hoại di sản và mâu thuẫn trong bài toán phát triển đô thị và bảo tồn di sản kiến trúc đang là câu chuyện chưa có hồi kết.

Đô thị càng phát triển, di sản càng bị “co hẹp”

Góp phần tạo nên nét đẹp của các tuyến phố nội đô Hà Nội là những biệt thự cổ kiến trúc Pháp tại các vị trí trung tâm. Thế nhưng những năm gần đây, hàng trăm biệt thự cổ đã bị phá hủy, xuống cấp.

Từ năm 2008, thành phố Hà Nội đã xây dựng đề án quản lý quỹ nhà biệt thự, nhưng vẫn có hơn 100 biệt thự cổ bị phá bỏ. Đơn cử, biệt thự số 74 Thợ Nhuộm bị phá dỡ năm 2011, nhường chỗ cho một tòa nhà cao tầng. Cùng với đó, hàng trăm biệt thự cổ đang bị biến dạng, có nguy cơ sập đổ nếu không được duy tu, bảo tồn. Chắc hẳn nhiều người vẫn còn nhớ sự cố đổ sập biệt thự số 107 Trần Hưng Đạo, quận Hoàn Kiếm, nơi có hơn 20 hộ dân sinh sống năm 2015 làm hai người chết, sáu người bị thương.

Tình trạng xuống cấp, ít được duy tu bảo tồn cũng xảy ra tương tự với các biệt thự cổ tại TP Hồ Chí Minh và nhiều thành phố khác.

Bảo tồn di sản kiến trúc trước sự phát triển đô thị

Bảo tồn di sản kiến trúc trước sự phát triển đô thị

Nhà nghiên cứu khảo cổ Lương Chánh Tòng cho biết, rất nhiều di tích khảo cổ học, niên đại hàng ngàn năm nhưng bị “biến mất” do các đơn vị xây dựng, chủ đầu tư rất “ngại” các nhà nghiên cứu văn hóa vào khảo sát sẽ ảnh hưởng đến tiến độ công trình, quy hoạch đã phê duyệt…

“Chính vì điều đó, hàng loạt di tích đã bị xóa sổ. Mà khi đã bị xóa sổ rồi thì không còn cách gì để nhận thức và lập các tư liệu lưu giữ lại được. Ví dụ, năm 2015, khi một loạt xóm Tàu Ô, cảng Bến Nghé bị san ủi, TP Hồ Chí Minh chỉ cần đầu tư khai quật, nghiên cứu trong một tháng thì sẽ có được rất nhiều trang sử trong lòng đất được lưu giữ lại, mà sau này chúng ta có thể phục hồi, thực hiện bảo tồn, nhưng chúng ta đã không làm được”, nhà khảo cổ Lương Chánh Tòng cho biết.

Đồng quan điểm, Kiến trúc sư (KTS) Trần Văn Khải, nguyên Trưởng phòng quản lý khoa học và đào tạo sau đại học trường ĐH Kiến trúc TP HỒ Chí Minh cho biết: “Thị trường thay đổi, giá đất tăng thì di sản khó tồn tại, ví dụ như đường Nguyễn Huệ (TP Hồ Chí Minh) giá đất cao nên nhiều di sản lần lượt “ra đi” vì xây cao ốc mới có giá trị”.

KTS Trần Văn Khải cho biết thêm, nguyên nhân dẫn đến di sản bị phá hủy là do tư duy sai lầm. Khi giá đất tăng, đa số mọi người tin rằng xây nhà cao ốc có lời hơn để lại chùa chiền, miếu mạo… “Họ không hiểu và không biết chơi đồ cổ, tự đánh vào doanh thu của mình. Phá hủy di sản kiến trúc không chỉ đơn giản là phá hủy đi một ngôi nhà hư nát, mà chính là đập bể chén cơm của cộng đồng dân cư địa phương. Khi di sản mất đi thì lập tức làm ăn kém đi, kể cả người bán hàng rong cũng giảm thu nhập do ít du khách đến..”, KTS Trần Văn Khải cho hay.

Để di sản kiến trúc “sống” cùng đô thị

Là đơn vị trực tiếp thực hiện công tác bảo tồn các di sản kiến trúc, ông Trương Kim Quân, Giám đốc Trung tâm bảo tồn di tích TP Hồ Chí Minh cho biết, bảo tồn các di sản kiến trúc thực tế gặp nhiều khó khăn hoặc không được thực hiện hợp lí. Các công trình kiến trúc cũ nhường cho cao ốc mới, không gian di sản đô thị bị phá vỡ, các địa điểm khảo cổ chưa được nghiên cứu sâu.

“Việc tu bổ di tích đang thực hiện theo Luật Di sản văn hóa nhưng gặp nhiều khó khăn do chịu sự chi phối của nhiều luật như Luật Xây dựng, Luật Đầu tư công, Luật Đấu thầu. đơn cử với một di tích cấp quốc gia, trình tự tu bổ hiện tại là chủ đầu tư phải tốn ít nhất 4 bước “lượt đi” và 4 bước “lượt về”, phải lập dự án tu bổ di tích trình UBND quận, huyện; Sở Văn hóa, thể thao; UBND thành phố; Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch thâm định… Rồi sau đó, hồ sơ thiết kế thi công tiếp tục đi theo một quy trình như vậy, rất phức tạp”, ông Trương Kim Quân cho hay.

Trước thực tế đó, ông Trương Kim Quân đề xuất, công tác bảo tồn di sản kiến trúc cần có sự phối hợp giữa các ngành chức năng và toàn Ê thể xã hội. Hiện việc quản lý công tác tu bổ di tích còn chồng chéo giữa nhiều cơ quan lí chức năng, kinh phí hạn chế nên không hiệu quả. Nhiều chủ sở hữu di tích còn e ngại việc kiểm kê, xếp hạng di tích làm giới hạn việc sửa chữa, cải tạo phát triển cơ sở vật chất.

Còn KTS Trần Văn Khải cho biết, để bảo tồn được di sản kiến trúc thì vai trò của nhà nước vô cùng to lớn. Cùng các quy định pháp luật thì nhà nước còn có 3 công cụ là quy hoạch sử dụng đất, đầu tư hạ tầng cơ sở, chính sách thuế. Quy hoạch sử dụng đất có thể biến cơ cấu đô thị thay đổi, như Hội An bên cạnh khu phố cổ bảo tồn có khu resort cao cấp phục vụ nhu cầu người dân.

“Chính sách của nhà nước không chỉ là bắt buộc mà còn phải nâng đỡ quyền lợi chính đáng của những người dân sống trong di sản cần bảo tồn, người dân thấy được di sản đó là miếng cơm manh áo của họ thì họ mới giữ gìn di sản đó”, KTS Trần Văn Khải đề xuất.

KTS Cao Thành Nghiệp (TP Hồ Chí Minh) nhấn mạnh: “Xin đừng bao giờ xem di sản là bất động sản vì nó có giá trị cao hơn rất nhiều. Cần có danh sách các công trình bảo tồn từ cấp địa phương, cấp thành phố mà không cần đợi xếp hạng là di tích quốc gia. Rất cần sự phối hợp giữa các cơ quan quản lý, nhà đầu tư và cộng đồng dân cư chặt hơn nữa mới cứu được di sản. Bên cạnh đó cần có sự chung tay của các nhà nghiên cứu cũng như các cơ quan thông tin đại chúng để cho người dân cũng như doanh nghiệp thấy được “lợi ích” của di sản kiến trúc”.

Thu Trang/Báo Tin tức