11/06/2019

Bộ Xây dựng: Có thể tiếp tục xảy ra tình trạng “sốt” đất nền

Theo Bộ Xây dựng, thị trường có thể tiếp tục xảy ra tình trạng tăng giá đất nền tại các khu vực có quy hoạch trở thành các đặc khu, các khu đô thị mới được đầu tư đồng bộ.

Bộ Xây dựng vừa có Báo cáo một số nội dung về các nhóm vấn đề chất vấn và trả lời chất vấn thuộc lĩnh vực xây dựng tại Kỳ họp thứ 7 gửi tới các đại biểu Quốc hội.

images2343476_3

Dự báo về tình hình thị trường bất động sản đến năm 2020, Bộ Xây dựng cho biết, theo kinh nghiệm của các nước cũng như ở nước ta trong những năm qua,  thị trường phát triển quá nóng, “bong bóng” bất động sản thường chỉ xảy ra khi có đồng thời hoặc phần lớn các yếu tố sau: Kinh tế vĩ mô không ổn định, tăng trưởng nóng; Các thị trường đầu tư khác không ổn định, kém hấp dẫn (thị trường vàng, ngoại tệ, chứng khoán, lãi suất tiền gửi ngân hàng thấp …); Nguồn cung các loại sản phẩm bất động sản bị hạn chế, quá thiếu so với nhu cầu; Chính sách tài chính, tín dụng bất động sản bị buông lỏng, chuẩn tín dụng bị hạ thấp; nguồn vốn đổ vào thị trường bất động sản quá lớn; Thiếu sự can thiệp kịp thời, hợp lý của Nhà nước vào thị trường.

Từ các yếu tố được đưa ra, Bộ Xây dựng cho biết, đánh giá các yếu tố nêu trên trong ngắn hạn cho thấy, kinh tế vĩ mô của đất nước tiếp tục phát triển ổn định. Các thị trường đầu tư khác như thị trường vàng, ngoại tệ, chứng khoán, lãi suất tiền gửi ngân hàng… dự báo chưa có biến động lớn.

Nguồn cung bất động sản hiện nay khá lớn so với nhu cầu, chưa có khả năng xảy ra tình trạng khan hiếm bất động sản, thị trường hiện nay chỉ thiếu nguồn cung nhà ở thương mại phân khúc bình dân, giá thấp và nhà ở xã hội. Hiện nay, nhiều dự án đang được điều chỉnh để tăng nguồn cung phân khúc giá trung bình.

Mặt khác, phần lớn các dự án vẫn được triển khai đúng tiến độ và bàn giao nhà đúng thời hạn, thời gian vừa qua chỉ xảy ra “cơn sốt” cục bộ đối với đất nền, riêng phân khúc căn hộ chung cư (là phân khúc chủ đạo của thị trường bất động sản) thì vẫn diễn ra bình thường, giá cả tương đối ổn định.

Chính sách tín dụng bất động sản hiện đang được Ngân hàng Nhà nước kiểm soát hiệu quả, dư nợ tín dụng đang ở mức cho phép, lãi suất được duy trì tương đối ổn định, cung cấp tín dụng có kiểm soát đối với các phân khúc bất động sản cao cấp, tiềm ẩn rủi ro, đồng thời ưu tiên cấp tín dụng đối với nhà ở xã hội, tiếp tục thực hiện lộ trình hạn chế dần cho vay đối với lĩnh vực bất động sản theo định hướng của Ngân hàng Nhà nước.

Thêm vào đó, vai trò định hướng, quản lý của Nhà nước đối với thị trường bất động sản ngày càng được chú trọng; tiếp tục sử dụng các công cụ kiểm soát thị trường (chính sách thuế, tín dụng, quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất, chủ trương đầu tư các dự án…). Các thành phần kinh tế, doanh nghiệp, nhà đầu tư và người tiêu dùng cũng đã có sự am hiểu, kinh nghiệm và tính toán hợp lý hơn khi tham gia thị trường.

“Trên cơ sở đánh giá, dự báo các yếu tố có khả năng ảnh hưởng lớn đến thị trường bất động sản như nêu trên có thể dự báo thị trường bất động sản đến năm 2020 ít có nguy cơ xảy ra “bong bóng bất động sản”.

Tuy nhiên, thị trường có thể tiếp tục xảy ra tình trạng tăng giá đất nền tại các khu vực có quy hoạch trở thành các đặc khu, các khu đô thị mới được đầu tư đồng bộ hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội và tình trạng sốt nóng cục bộ tại các dự án nhà ở trong khu vực trung tâm đô thị có tiến độ thi công nhanh, hạ tầng đồng bộ, chủ đầu tư có uy tín, giá cả phù hợp”, Bộ Xây dựng cho biết.

Đáng chú ý, tại báo cáo vừa được gửi tới Quốc hội, Bộ Xây dựng cũng liệt kê một loạt giải pháp thực hiện khi xảy ra sốt giá bất động sản cục bộ như:  Tổ chức thanh tra, kiểm tra và xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm pháp luật về đất đai, pháp luật về kinh doanh bất động sản và pháp luật có liên quan.

Công khai thông tin về quy hoạch, công khai về tiến độ triển khai các dự án phát triển cơ sở hạ tầng và dự án bất động sản tại các khu vực trên để minh bạch thông tin thị trường.

Ngăn chặn hiện tượng đầu cơ, chuyển nhượng quyền sử dụng đất, chuyển mục đích sử dụng đất trái pháp luật; ngăn chặn việc phân lô, bán nền trái quy định; chuyển nhượng quyền sử dụng đất rừng, đất nông nghiệp làm tăng giá bất động sản bất hợp lý tại những khu vực nêu trên; tạm dừng cho phép chuyển mục đích sử dụng đất từ đất nông nghiệp thành đất ở; tạm dừng thủ tục tách thửa, tạm dừng các giao dịch quyền sử dụng đất rừng, đất nông nghiệp.

“Sau khi chính quyền địa phương có những giải pháp để chấn chỉnh thị trường, tình hình thị trường bất động sản tại các khu vực nêu trên đã ổn định trở lại”, Bộ Xây dựng cho biết.

Khánh An/VnMedia