.
10/06/2019
Khai thác di sản để phát triển du lịch
Nếu cùng chung tay bảo tồn và phát huy di sản kiến trúc thì ngành du lịch sẽ được hưởng lợi lớn.
Di sản “hút” du khách
Phát biểu tại Hội thảo “Bảo tồn và phát triển di sản kiến trúc trong đô thị hiện đại” do Báo Thanh niên tổ chức ngày 10.6, ông Bùi Tá Hoàng Vũ, Giám đốc Sở Du lịch TPHCM nhận định TPHCM là TP trẻ, có hơn 300 năm phát triển, được thừa hưởng những giá trị kiến trúc qua từng giai đoạn phát triển. Trong quá trình đó, những giá trị di sản kiến trúc tại TPHCM được giữ lại khá nhiều, tạo cho TP một sự phát triển liên tiếp, hài hòa giữa kiến trúc hiện đại và công trình kiến trúc trong quá khứ, tạo nên sự hấp dẫn đặc biệt đối với du khách. Cứ 2 vị khách quốc tế đến VN thì có 1 khách tới TPHCM.
Ông Vũ thông tin năm 2017, Sở Du lịch TP đã phối hợp với ĐH Quốc gia, ĐH Huế khảo sát, đánh giá tài nguyên du lịch và kết quả khảo sát cho thấy trên địa bàn TP chỉ có 258 tài nguyên du lịch, trong đó chỉ 111 là tài nguyên có tiềm năng. Toàn TP có 172 di tích và chỉ 23% trong số đó có thể phát huy thành điểm đến du lịch. Tuy số lượng khiêm tốn và hạn chế nhưng trong top 10 điểm phải đến khi tới TPHCM theo bình chọn của các trang mạng quốc tế, tất cả đều là những công tình kiến trúc mang tính di sản. Điều đó cho thấy tuy khiêm tốn nhưng các di sản đang phục vụ trực tiếp cho sự phát triển của du lịch TP thời gian qua cũng như trong tương lai sắp tới.
Giám đốc Sở Du lịch TPHCM đánh giá một số di sản, điểm đến có sử liệu tốt nhưng không thân thiện với du khách, tiếp cận giao thông hạn chế, thông tin chưa được cung cấp tạo chiều sâu trong quá trình tìm hiểu của du khách, chưa có những thiết chế cụ thể thì khó có thể trở thành 1 phần cho sự phát triển của du lịch. Do đó để biến 1 tài nguyên thành 1 điểm đến cần làm nhiều việc.
“Thông qua Hội thảo, Sở Du lịch, Sở Văn hóa mong các chuyên gia có những gợi ý cho TP, cho ngành du lịch cùng ngành văn hóa phát có giải pháp để phát huy những giá trị to lớn từ các công trình di sản trong thời gian tới. Nếu cùng chung tay bảo tồn và phát huy di sản kiến trúc thì ngành du lịch sẽ được hưởng lợi lớn và ngành cũng sẽ góp phần trở lại tạo nguồn thu để giúp cộng đồng, tổ chức cá nhân sở hữu di sản có điều kiện sống tốt hơn ” – ông Vũ nói.
Thay đổi từ tư duy tới hành động
TS khảo cổ học Nguyễn Thị Hậu, Tổng thư ký Hội Khoa học Lịch sử TPHCM cho rằng không chỉ mang giá trị về lịch sử, văn hóa, là bản sắc đô thị có ý nghĩa nhận diện, truyền tải lịch sử hình thành đô thị, kiến trúc đô thị còn mang giá trị kinh tế lớn. Giá trị kinh tế không đến trực tiếp mà đi theo đường vòng và vấn đề là chúng ta phải nhìn ra đường vòng đó để khai thác giá trị này. Đặc biệt, đối với các đô thị hiện nay, khi sự chuyển biến của cư dân do đô thị hóa quá nhanh, kiến trúc đô thị còn là kí ức của đô thị, không có kí ức đô thị thì di sản không thể tồn tại, không thể sống lâu.
“Nếu không ứng xử tôn trọng với quá khứ của đô thị thì việc nhìn nhận đánh giá lịch sử không thể khách quan và di sản không thể hoàn thành sứ mệnh hòa hợp, hòa giải dân tộc của mình” – bà Hậu nhấn mạnh.
Cũng theo bà, muốn bảo tồn, phát triển di sản thì việc đầu tiên phải thay đổi từ quan điểm. Phải thấy di sản là bản sắc của đô thị, phá di sản thì đô thị không còn bản sắc, không thể phát triển văn hóa, du lịch. Trong quá trình đấu tranh, cần xác định sẵn sàng có sự đánh đổi và thỏa hiệp để 2 bên bản tồn và phát triển cùng thắng. Phải xác định trong đô thị có những di sản không thể đánh đổi, đó là các khu trung tâm, là khu chứa đựng các giá trị di sản, lịch sử lớn nhất. Bên cạnh đó còn có nhưng giá trị di sản kiến trúc công nghiệp và hạ tầng cơ sở như bến cảng, bến tàu là đặc điểm nhận dạng của Sài Gòn cần bảo tồn.
“Để bảo tồn di sản trong quá trình phát triển đô thị, vai trò quyết định thuôc về chính quyền và nhà đầu tư, vai trò quan trọng là nhà nghiên cứu và cộng đồng. Trước mắt chính quyền phải có tầm nhìn thật sự thể hiện qua quy hoạch cụ thể, thực thi các chính sách bảo tồn và chế tài, thậm chí đưa ra các luật lệ mới để bảo tồn di sản. Các nhà khoa học phải có tiếng nói phản biện góp ý trên tinh thần có chia sẻ đối với chính quyền. Đôi khi phải thỏa hiệp để góp phần phát triển TP. Cộng đồng phải có thông tin minh bạch để góp ý, phản biện. Nhà đầu tư: bên cạnh lợi nhuận cần có trách nhiệm với cộng đồng, nhìn ra giá trị di sản để chung tay bảo vệ cùng cộng đồng. Khi đầu tư nên hướng đến các giá trị văn hóa của đô thị” – bà Hậu nêu ý kiến.
Đình Sơn – Hà Mai/Báo Thanh Niên