Mới đây, ông Nguyễn Trần Nam – Chủ tịch Hiệp hội BĐS Việt Nam, đã đưa ra một nhận định khiến giới đầu tư xôn xao, cho rằng do nguồn cung giảm mạnh nên thị trường BĐS đang có dấu hiệu sụt giảm.
Ông Nam lấy số liệu từ Sở Xây dựng TPHCM, cho biết trong quý I/2019, số dự án được cấp phép đã giảm 67% so với năm 2018, giấy phép xây dựng của người dân giảm 16%, 150 dự án bị dừng lại kiểm tra rà soát.
“Nguồn cung và giao dịch trên thị trường đang có xu hướng giảm và trong năm 2019 chắc chắn sẽ giảm mạnh. Thị trường đang bước vào một chu kỳ suy thoái mới do rất ít sản phẩm BĐS được chào bán ra thị trường trong khi sức mua của người dân vẫn rất mạnh”, ông Nam nhận định.
Ở một góc nhìn khác, ông Nguyễn Thọ Tuyển – Tổng Giám đốc CenLand, cho rằng thị trường BĐS suy thoái là khi nguồn cung tăng mạnh nhưng gần như không có giao dịch.
Tuy nhiên, theo ông Tuyển, cầu của thị trường vẫn đang rất tốt. Vấn đề của thị trường bất động sản hiện nay là ở yếu tố nguồn cung đang rất khan hiếm do nhiều dự án ở thị trường sơ cấp gặp vấn đề pháp lý chưa được ra hàng, đặc biệt tại các thị trường lớn như Hà Nội, TPHCM, Nha Trang, Đà Nẵng.
Việc nguồn cung khan hiếm, nguồn cầu lớn dẫn đến một số vấn đề như: giá cả sẽ tăng lên tại các thị trường có nguồn cung khan hiếm; các nhà đầu tư sẽ tìm đến những thị trường mới, mức giá BĐS còn rẻ và có tiềm năng tăng trưởng trong tương lai. Tuy nhiên, ông Tuyển cho rằng thiếu nguồn cung hiện nay chỉ là ngắn hạn.
“Để đánh giá về thị trường BĐS phải nhìn trên quy mô toàn quốc chứ không chỉ Hà Nội hay TPHCM. Về cơ bản, thị trường BĐS cho đến thời điểm hiện tại vẫn đang phát triển khá tốt”, ông Tuyển nhận định.
Dịch chuyển đầu tư
Theo ông Tuyển, đối với sự phát triển của thị trường BĐS, quan trọng nhất là nguồn cầu chứ không phải nguồn cung, bởi nguồn cung chỉ phụ thuộc vào chính sách của Nhà nước.
Bên cạnh đó, nếu nguồn cầu bị tác động thì sẽ có rất nhiều diễn biến phức tạp do chịu ảnh hưởng của kinh tế thế giới, giá nội ngoại tệ, lạm phát, thất nghiệp cao.
“Do vậy, với nguồn cầu rất tốt như hiện nay, thị trường không phải đang suy thoái mà chỉ có sự dịch chuyển của các nhà đầu tư đến các thị trường mới nổi nhiều tiềm năng hơn”, ông Tuyển nhận định.
Cũng theo dự đoán của các chuyên gia tài chính, tới đây sẽ có một sự dịch chuyển dòng vốn rất lớn từ thị trường chứng khoán sang thị trường BĐS. Sự dịch chuyển này có thể bắt đầu từ năm 2019 và nhanh thì có thể kéo dài đến năm 2021, còn chậm thì đến năm 2023.
Đồng quan điểm, lãnh đạo một doanh nghiệp BĐS lớn tại Hà Nội cũng cho rằng, trong bối cảnh thị trường BĐS hiện nay, một số dự án chưa thể triển khai được do thủ tục hành chính và tính pháp lý nhưng khách hàng sẽ có sự lựa chọn sản phẩm cho mình phù hợp: đầu tư lướt sóng, nhu cầu thực hay cho thuê.
Đối với khách hàng có nhu cầu mua nhà để ở, dù mức giá bán nhà có cao hơn so với trước đây 5-10% thì họ vẫn có thể chấp nhận. Đối với các nhà đầu tư lướt sóng, họ đã nhanh chân nắm bắt cơ hội để đầu tư tại các vùng đất mới có giá trị BĐS còn thấp, cơ hội sinh lời cao hơn.
Còn các chủ đầu tư, trong thời gian gần đây do những khó khăn trong việc phát triển dự án tại các thành phố lớn, nhiều chủ đầu tư cũng đã đi trước một bước để chuẩn bị lượng hàng hoá ở các thị trường mới nổi để đáp ứng nhu cầu của thị trường.
Huy Nam/VnMedia