Một trong những biểu hiện của thất thoát chi tiêu công là các công trình đầu tư nghìn tỷ đội vốn, không hiệu quả. Các chuyên gia kinh tế cho rằng, để giải quyết tình trạng này, cần quy trách nhiệm của những người tham gia đề xuất, thẩm định, phê duyệt dự án.
Chuyên gia kinh tế Đinh Trọng Thịnh (Học viện Tài chính) đánh giá, thời gian qua, tình trạng thiếu hiệu quả, dàn trải, đội vốn trở thành một trong những căn bệnh phổ biến với hầu hết dự án chi tiêu công. Có nhiều nguyên nhân gây ra thực trạng trên nhưng chủ yếu xuất phát từ cơ quan quản lý không kiên quyết, không sâu sát với chi tiêu công.
Dự án đường sắt đô thị số 1 TPHCM, tuyến Bến Thành- Suối Tiên được điều chỉnh tăng mức tổng đầu tư rất lớn. Ảnh: Huy Thịnh
Theo ông Thịnh, việc đội vốn của dự án đầu tư công nghìn tỷ xuất phát từ tất cả các khâu của một dự án. Đầu tiên, khâu lập quy hoạch phát triển kinh tế xã hội không rõ ràng, không cụ thể và thiếu tính thực tế. Nhiều dự án có khoản đầu tư lớn, thậm chí không nhìn thấy nguồn đầu tư vẫn được đưa vào quy hoạch. Khi đã có quy hoạch, cơ quan chủ quản tìm mọi cách thực hiện như gọi vốn từ nước ngoài. Thậm chí, để có vốn cho dự án, cơ quan quản lý sẵn sàng chấp nhận điều kiện khó của nhà đầu tư như chỉ định thầu.
“Bước thẩm định dự án rất quan trọng nhưng chúng ta làm chưa tốt. Gần như tất cả dự án được vẽ ra rất hay nhưng thẩm định hiệu quả ra sao thì bỏ trống. Hầu hết dự án nằm trên giấy tờ khi đưa ra lấy ý kiến đều tốt”, ông Thịnh chỉ ra ví dụ.
Đến khâu đấu thầu dự án lại gặp vấn đề dù các quy định đầy đủ, thậm chí có tình trạng “quân xanh quân đỏ”. Khâu giám sát cũng chưa hợp lý. Mỗi khâu trong quá trình thực hiện dự án lỗi một chút khiến dự án chậm trễ, đội vốn. Hậu quả của các dự án này trở thành gánh nặng cho nền kinh tế.
Theo ông Thịnh, để giải quyết tình trạng này, cơ quan chức năng phải quy trách nhiệm cho người đề xuất, phê duyệt dự án.
“Việc quy trách nhiệm của người ký dự án ở Việt Nam rất khó khăn do cơ chế tập thể chịu trách nhiệm. Dự án được quyết định theo ý muốn cá nhân nhưng danh tập thể. Bây giờ xảy ra hậu quả không biết quy trách nhiệm cho ai”, ông Thịnh cho biết.
Vị chuyên gia này cũng đề xuất, cơ quan chức năng cần thay đổi cơ chế quản lý cũng như tinh thần chịu trách nhiệm của cán bộ quản lý các cấp theo hướng có một thủ trưởng chịu trách nhiệm.
“Phải làm rõ quy định về pháp lý để người nào ký quyết định phê duyệt dự án, nếu sai sót về kinh tế phải chịu trách nhiệm. Bản thân đội ngũ cán bộ thẩm định cũng phải chịu trách nhiệm. Quy trách nhiệm từng khâu, dự án gặp vấn đề ở khâu nào thì xử lý ở khâu đó”, ông Thịnh nói.
Cùng quan điểm, chuyên gia kinh tế Ngô Trí Long cho rằng, với các dự án đội vốn, cơ quan chức năng phải xác minh địa chỉ cụ thể để quy trách nhiệm. Chính phủ yêu cầu quyết liệt có chế tài xử lý việc chậm trễ, lãng phí trong đầu tư công và cần mạnh dạn xử lý những đơn vị sai phạm. Thậm chí, có thể mời cơ quan điều tra để tìm nguyên nhân, liệu có việc tham nhũng hay không và quy trách nhiệm rõ ràng.
Quỳnh Nga/Tiền Ph