Trong quý 1/2019 nguồn cung bất động sản giảm. Đặc biệt tại 2 TP lớn là Hà Nội và Tp.HCM thiếu hụt nguồn cung mới rõ nét. Tại Tp.HCM, trong quý 1/2019 chỉ có 3.000 sản phẩm đưa ra thị trường, số lượng rất ít so với hơn 50.000 sản phẩm hàng năm trước đó.
Mặc dù nhu cầu ghi nhận trên thị trường còn lớn nhưng nguồn cung lại rất hạn chế, đã khiến thị trường có dấu hiệu bất ổn. Ông Hà chỉ ra, những bất ổn có thể kể đến như giá cả tăng mạnh, thiếu hụt nhà ở cung cấp cho người dân. Từ đó, sẽ phát sinh việc đầu cơ, đẩy giá lên cao làm lũng đoạn thị trường. “Bất cứ thị trường nào muốn ổn định cần phải đảm bảo cân đối cung – cầu cho hợp lý”, ông Hà nhấn mạnh.
Vị Chủ tịch này chỉ ra các nguyên nhân khiến nguồn cung BĐS cả nước sụt giảm trong nửa đầu năm 2019. Thứ nhất, nguồn cung dường như đã được đẩy ra thị trường khá lớn trong quý 4/2018. Thứ hai, Tp.HCM tiến hành công tác kiểm soát các dự án nên hầu hết các dự án phải chờ đợi, đủ điều kiện pháp lý mới được ra hàng khiến nguồn cung bị ảnh hưởng, chậm lại. Thực tế, tại Tp.HCM lượng dự án được phê duyệt trong quý 1/2019 giảm khoảng 2/3 so với các năm trước.
Ông Hà cho rằng, trong 3 quý còn lại của thị trường, 2 TP lớn tiếp tục gặp khó khăn về nguồn cung. “Thị trường BĐS để có nguồn cung mới cần phải chờ đợi thêm một thời gian nữa”, ông Hà khẳng định.
Hiện các cơ quan nhà nước đã nhận thấy dấu hiệu bất ổn về nguồn cung nên tại một số địa phương như Hà Nội, Tp.HCM đang đẩy nhanh, giảm bớt thời gian thủ tục hành chính. Đồng thời, khâu dà soát dự án cũng đã đến giai đoạn hoàn thiện, hi vọng nguồn cung sẽ được cải thiện.
Tuy vậy, ông Nguyễn Mạnh Hà cũng chỉ ra những yếu tố khiến thị trường BĐS trong thời gian tới tiếp tục đối đầu với thách thức, khó khăn. Ngoài việc khan hiếm nguồn cung thì chính sách siết tín dụng vào BĐS cũng ảnh hưởng rất nhiều đến thị trường BĐS nói chung.
Được biết, sự kiện diễn ra với những nội dung chính như: Hội chợ triển lãm bất động sản VietHomes 2019; Hội thảo chuyên sâu về nghề môi giới bất động sản ở Việt Nam với sự tham gia của lãnh đạo các bộ ngành, Hiệp hội Bất động sản Việt Nam, các nhà khoa học, các chuyên gia trong và ngoài nước
Theo thống kê, tín dụng BĐS chiếm 10% tổng dư nợ toàn hệ thống, trong khi BĐS hiện nay phụ thuộc chính vào nguồn vay ngân hàng. Việc kiểm soát chặt chẽ hơn với nguồn tín dụng trên thị trường khiến nguồn tiền cho BĐS giảm, không chỉ BĐS bị ảnh hưởng mà các ngành nghề khác như vật liệu xây dựng, nội thất trang trí…cũng bị ảnh hưởng theo.
“Ngân hàng nhà nước cần xem xét không nên siết quá chặt, sẽ ảnh hưởng đến nguồn cung thị trường BĐS trong tương lai. Đồng thời cần phải phân biệt rõ loại hình, phân khúc thị trường nào nên hạn chế, cái nào nên thúc đẩy chứ không nói chung chung các phân khúc”, Chủ tịch Hội môi giới BĐS Việt Nam bày tỏ quan điểm.