Hướng tiếp cận trong thiết kế cải tạo
Hiện nay, có nhiều khuynh hướng, mức độ, phạm vi và cách tiếp cận thiết kế đô thị. Một trong số các hướng tiếp cận bao gồm việc tăng cường tính kết nối, nhấn mạnh đặc thù nơi chốn, tạo dựng không gian mở công cộng… Bài viết này trình bày những nhìn nhận khái quát về vai trò của thiết kế đô thị trong thực tế cải tạo đô thị gần đây tại TP HCM, cụ thể là xem xét vai trò nắm bắt, tạo dựng và nâng cao giá trị của đô thị.
Bối cảnh và hướng tiếp cận dựa trên giá trị
Tại TP HCM, nhiều dự án đầu tư công và các dự án tư nhân đang được thực hiện song song. Các dự án đầu tư công bao gồm các tuyến đường giao thông bộ và giao thông công cộng, các dự án cải tạo môi trường. Các dự án đầu tư tư nhân tập trung phần lớn ở lĩnh vực phát triển bất động sản.
Thiết kế đô thị (TKĐT) có vai trò tương ứng với hai mức độ ảnh hưởng khác nhau: Mức độ trong đồ án quy hoạch phân khu và TKĐT theo các hành lang đô thị có động lực phát triển như dọc các trục đường lớn, các trục đường có dự án đầu tư giao thông vận tải công cộng, dọc các hành lang sông rạch… Nhu cầu thực hiện quy họach phân khu 1/2000 đặt ra cho công tác TKĐT có vai trò xem xét toàn diện hơn về hình thái không gian và các quá trình kinh tế – xã hội, đặc biệt là việc tích hợp và tạo điều kiện cho việc tham gia hiệu quả của các nguồn lực xã hội (ví dụ các dự án đầu tư tư nhân) vào công tác thiết kế cải tạo và phát triển đô thị.
Hướng tiếp cận thiết kế tái thiết đô thị dựa vào giá trị (Value-based regeneration) đòi hỏi quá trình xác định giá trị. Quá trình nhận diện, xác định và đề xuất giải pháp hay ý tưởng nhằm nâng cao giá trị cần hỗ trợ bởi những phân tích nghiên cứu, đồng thời xác định những yếu tố tác động xấu hoặc làm giảm giá trị.
Giá trị có được từ sản phẩm TKĐT bao gồm giá trị những hiện hữu và cả những cơ hội được xem như giá trị tiềm năng. Điều cơ bản là ngoài những giá trị kinh tế có thể được lượng hóa, những giá trị khác cần được đặt hệ quy chiếu hướng đến nâng cao chất lượng không gian sống đô thị, nghĩa là nhằm nâng cao tính tiện nghi và chất lượng phục vụ của không gian cho nhu cầu hoạt động của con người. Giá trị của sản phẩm thiết kế đô thị có thể xem là điều kiện cần của công tác cải tạo và tái sinh đô thị.
Bước tiếp theo là quản lý hệ thống giá trị này theo định hướng nâng cao giá trị và tạo thành những giá trị mới. Do vậy, công tác quản lý theo thiết kế đô thị (lập quy định, quy chế, đề xuất cơ chế vận hành và các cơ chế, công cụ tài chính, những điều kiện pháp lý liên quan và lập kế hoạch, điều phối thực hiện các chương trình…) đóng vai trò cốt lõi. Những yếu tố này hợp thành điều kiện đủ cho công tác cải tạo đô thị.
Giá trị từ dự án phát triển giao thông và cải tạo môi trường đô thị
Nội dung này liên quan đến việc nắm bắt và phân phối một cách hợp lý những giá trị tạo ra từ phát triển hạ tầng và giao thông đô thị. Các dự án phát triển giao thông đô thị cần có cơ chế tài chính và nắm bắt các giá trị tạo ra từ đầu tư công nhằm cân bằng sự thiếu hụt về tài chính. Muốn vậy, TKĐT cần đi trước và song hành cùng dự án phát triển giao thông, và có đủ chi phí và điều kiện nhằm tính toán những khả thi về tài chính.
TKĐT đại lộ Võ Văn Kiệt – Mai Chí Thọ là trường hợp điển hình về một dự án phát triển giao thông công cộng (tuyến BRT – Bus Rapid Transit) dọc theo một hành lang đô thị trải dài qua nhiều quận, huyện, nhiều khu vực trung tâm có chức năng và đặc thù riêng.
Thực hiện sau khi hầu hết các quy hoạch chung quận huyện đã được phê duyệt, TKĐT nghiên cứu việc tác động của một hành lang giao thông công cộng với các trạm dừng (stations) dọc tuyến là tâm điểm của các trung tâm phụ theo mô hình phát triển nén (TOD – Transit Oriented Development), nhằm xem xét khả năng điều chỉnh quy hoạch tại một số khu vực đặc biệt. Những phân tích về tiềm năng tác động của tuyến giao thông đến các khu vực, khả năng tăng cường kết nối của hành lang và tiềm năng sử dụng đất hỗn hợp cho phép nhận diện các cơ hội hình thành các trung tâm phụ có khả năng bổ sung lẫn nhau, phối hợp về chức năng, tính chất và và mối quan hệ không gian.
Ở đây, vai trò của TKĐT là vừa nhận diện cơ hội và những điều kiện cho một hành lang tuyến tính phát triển, vừa chỉ ra vai trò, các cơ hội và góp phần tạo điều kiện phát triển cho từng khu vực đặc thù.
Trong trường hợp của hành lang đô thị dọc đại lộ Võ Văn Kiệt, quy trình TKĐT cho phép nhận diện cơ hội tái sinh một hành lang đô thị như một giá trị phải hướng đến và cho phép quy trình quản lý có thể tạo các điều kiện tốt để dự án được thực hiện như định hướng. Bản vẽ minh họa cho ý tưởng hoặc giải pháp TKĐT, và là cơ sở cho các quy định quản lý có tính linh hoạt hơn, đưa ra những yêu cầu, tiêu chí và định hướng cho những giải pháp của từng dự án cụ thể, theo những điều kiện của dự án tại thời điểm đó.
Quy định quản lý chỉ ra các khu vực ưu tiên phát triển theo từng mức độ. Ở đây, những cơ hội, tiềm năng và các điều kiện được chỉ ra làm cơ sở cho việc thực hiện kế hoạch và các chương trình cụ thể của công tác quản lý. Công cụ này giúp đồng bộ hóa và đảm bảo các mặt của cải tạo đô thị được thực hiện toàn diện, có tính bổ sung lẫn nhau.
Đối với những đô thị lớn như TP HCM, luôn có nhu cầu lớn về xây dựng, cải tạo nhà ở, tiếp cận thuận lợi không gian xanh, không gian mở công cộng phục vụ sinh hoạt giải trí thư giãn, tiếp cận dịch vụ công cộng và hạ tầng tiện ích. Do vậy, giá trị thực cần hướng đến của cải tạo đô thị cần dựa vào nhu cầu của nguời dân. Công tác hướng dẫn thiết kế và quy định quản lý hướng đến đáp ứng các nhu cầu người dân chính là góp phần lồng ghép yếu tố hiệu quả và khả thi vào các dự án cải tạo đô thị.
Quy định quản lý theo TKĐT đưa ra các quy định cho các dự án đầu tư phát triển bất động sản trong đó, các chỉ tiêu hoặc ưu đãi luôn đi kèm các điều kiện ràng buộc, để các dự án tham gia cải tạo, kết nối, đầu tư đồng bộ nhằm nâng cấp cơ sở hạ tầng kỹ thuật, văn hóa – xã hội và môi trường không gian đô thị.
Giá trị của di sản
Tại TP HCM, một trong những yêu cầu của công tác cải tạo đô thị là bảo tồn di sản và hồi sinh đô thị, kết hợp phát triển cũ và mới qua các dự án phát triển đô thị. Trong khi bài toán giao thông góp phần tạo dựng những giá trị mới thì di sản có những giá trị được tích lũy trong suốt quá trình từ quá khứ đến hiện tại.
Di sản và giá trị di sản không chỉ dừng lại là phép cộng của những công trình, di tích đơn lẻ mà là tổng hòa của cảnh quan không gian vật thể, bao gồm đầy đủ những khía cạnh lịch sử và ý nghĩa văn hóa, sinh thái của nó. Từ thực tế tại TP HCM cho thấy, những giá trị này rất dễ bị tổn thương và có thể bị mất đi vĩnh viễn bởi những dự án phát triển giao thông. Nói cách khác, nếu bài toán phát triển đô thị không xem xét toàn diện bối cảnh và mục tiêu cải tạo và phát triển bền vững, sẽ làm tổn hại lớn đến giá trị di sản – nghĩa là làm mất đi tiền đề cho những giá trị kinh tế, văn hóa xã hội.
Ví dụ, trong dự án TKĐT khu phố cổ Chợ Lớn, giải pháp đề xuất là yêu cầu việc tham gia của các dự án phát triển dọc đại lộ Võ Văn Kiệt tham gia xây dựng bãi đậu xe ngầm công cộng và tạo không gian mở, cây xanh cho khu vực bảo tồn trục đường Hải Thượng Lãn Ông. Việc này cũng giúp ích cho các dự án đầu tư vì quá trình đầu tư kết nối đồng bộ hạ tầng với khu vực dự án.
Một phần của công tác TKĐT là nhu cầu xác định, khoanh vùng, đánh giá và kiểm kê toàn diện những giá trị di sản kiến trúc, cảnh quan và các khu vực đô thị. Đây là tiền đề cho những hướng dẫn thiết kế không gian đô thị và tích hợp trong công tác quản lý phát triển.
Hạ tầng đô thị và di sản có ảnh hưởng đáng kể đến giá trị kinh tế du lịch. Các tour, các sản phẩm du lịch, chất lượng của hệ thống tiện ích dịch vụ đô thị và giao thông đi lại có ảnh hưởng trực tiếp đến tính cạnh tranh của dịch vụ ngành. Yếu tố này dẫn đến nhu cầu quy hoạch ngành toàn diện và đồng bộ, gắn với những dự án quy hoạch và TKĐT, các dự án cải tạo đô thị và bảo tồn di sản… nhằm đảm bảo tính hiệu quả lâu dài.
Công tác TKĐT và những quy định quản lý theo thiết kế đô thị có thể góp phần tích cực trong việc bảo tồn và khai thác hiệu quả kinh tế từ những giá trị của cảnh quan thiên nhiên và di sản văn hóa đô thị.
TKĐT và quản lý TKĐT có ý nghĩa quan trọng trong công tác cải tạo phát triển đô thị hiện nay. Việc lồng ghép và tích hợp đa mục tiêu luôn luôn là yêu cầu cần thiết đối với các dự án cải tạo phát triển đô thị. Dù là dự án cải tạo bảo tồn di sản, phát triển giao thông hay vệ sinh cải tạo môi trường, vai trò của thiết kế đô thị luôn hiện hữu và mang tính định hướng, gợi mở hoặc dẫn dắt.
Trong quy trình TKĐT, việc đánh giá, nhận diện, nắm bắt trước tiềm năng, cơ hội và giá trị (bao gồm giá trị kinh tế) có được từ dự án cải tạo đô thị là bước nền tảng, đặc biệt trong bối cảnh hiên nay đang rất cần nguồn vốn lớn để đầu tư cơ sở hạ tầng. Việc tiếp theo là nghiên cứu đề xuất các cơ chế, lộ trình, kế hoạch và chương trình quản lý những giá trị hiện hữu, cơ hội, tiềm năng và tạo ra những giá trị đô thị mới và bền vững.
Cơ chế chia sẻ thông tin và khuyến khích sự tham gia thực hiện đa ngành giúp nâng cao tính khả thi và tính hiệu quả của dự án. Các công cụ hỗ trợ chia sẻ và quản lý thông tin đầy đủ, cập nhật và toàn diện (ví dụ GIS) cần được đầu tư dài hạn và có hệ thống.
Cuối cùng, sự tham gia hợp lý và đồng bộ của các nguồn lực là rất cần thiết. Để thực hiện được các yêu cầu trên đòi hỏi cơ chế, thể chế quản lý có đủ năng lực và trách nhiệm nhằm phối hợp các nguồn lực, các chương trình, dự án… một cách chủ động và thực hiện các dự án cải tạo đô thị có hiệu quả.
Vai trò của TKĐT là vừa nhận diện cơ hội và những điều kiện cho một hành lang tuyến tính phát triển, vừa chỉ ra vai trò, các cơ hội và góp phần tạo điều kiện phát triển cho từng khu vực đặc thù. Một phần của công tác TKĐT là nhu cầu xác định, khoanh vùng, đánh giá và kiểm kê toàn diện những giá trị di sản kiến trúc, cảnh quan và các khu vực đô thị. Đây là tiền đề cho những hướng dẫn thiết kế không gian đô thị và tích hợp trong công tác quản lý phát triển.
Công tác TKĐT và những quy định quản lý theo TKĐT có thể góp phần tích cực trong việc bảo tồn và khai thác hiệu quả kinh tế từ những giá trị của cảnh quan thiên nhiên và di sản văn hóa đô thị.
Quy định quản lý theo TKĐT đưa ra các quy định cho các dự án đầu tư phát triển bất động sản trong đó, các chỉ tiêu hoặc ưu đãi luôn đi kèm các điều kiện ràng buộc, để các dự án tham gia cải tạo, kết nối, đầu tư đồng bộ nhằm nâng cấp cơ sở hạ tầng kỹ thuật, văn hóa – xã hội và môi trường không gian đô thị.
TS.KTS Nguyễn Anh Tuấn – PGĐ Trung tâm Nghiên cứu Kiến trúc, Sở QHKT TP HCM/TCKTVN
Theo Báo Xây dựng