20/03/2019

TPHCM xây lại đài phun nước trên phố đi bộ Nguyễn Huệ

Công trình đài phun nước nghệ thuật xây mới tại giao lộ phố đi bộ Nguyễn Huệ – Lê Lợi (TPHCM) được xem là tái hiện đài phun nước bùng binh Cây Liễu trước đây.

Mô hình thiết kế đài phun nước trên phố đi bộ Nguyễn Huệ. Khi thi công xong phần rào chắn sẽ được tháo dỡ

Mô hình thiết kế đài phun nước trên phố đi bộ Nguyễn Huệ. Khi thi công xong phần rào chắn sẽ được tháo dỡ

Ngày 19.3, UBND TPHCM cho hay không gian phố đi bộ Nguyễn Huệ và đường Lê Lợi đang được tiến hành chỉnh trang, trong đó có hạng mục xây đài phun nước tại giao lộ phố đi bộ Nguyễn Huệ – Lê Lợi (P.Bến Nghé, Q.1). Công trình dự kiến hoàn thành trong quý 2/2019 nhằm phục vụ tốt hơn nhu cầu tham quan, vui chơi, giải trí, sinh hoạt cộng đồng của người dân.
Đường Nguyễn Huệ dài 670 m, rộng 64 m, bắt đầu từ công viên Bạch Đằng (đường Tôn Đức Thắng) đến trước trụ sở UBND TPHCM (đường Lê Thánh Tôn), được xây dựng thành phố đi bộ đầu tiên của TPHCM. Mặt đường lót toàn bộ bằng đá granit với tổng mức đầu tư khoảng hơn 430 tỉ đồng. Giao lộ phố đi bộ Nguyễn Huệ – Lê Lợi có vị trí đặc biệt quan trọng trong không gian cảnh quan, kiến trúc khu vực vùng lõi trung tâm TPHCM. Vị trí này ở thời điểm chưa được tiến hành cải tạo, hình thành phố đi bộ Nguyễn Huệ thường được gọi là bùng binh Cây Liễu, gồm 1 hồ phun nước nổi và có trồng liễu.
Tuy nhiên, khi xây dựng, cải tạo và đưa phố đi bộ Nguyễn Huệ vào sử dụng (từ tháng 4.2015 đến nay), bùng binh Cây Liễu được tháo dỡ hoàn toàn, thay vào đó là mặt bằng quảng trường phố đi bộ lót đá granit, ngay phía dưới thiết kế hồ nước ngầm, có vòi phun lên bề mặt phố đi bộ Nguyễn Huệ kết hợp nhạc, ánh sáng…
Công trình đài phun nước nghệ thuật xây mới tại giao lộ phố đi bộ Nguyễn Huệ – Lê Lợi, được xem là tái hiện đài phun nước bùng binh Cây Liễu trước đây.
Theo báo cáo của Sở QH-KT, phố đi bộ Nguyễn Huệ phát sinh một số hạn chế trong quá trình sử dụng do chịu ảnh hưởng lớn của bức xạ nhiệt từ mặt đường, cũng như chưa đáp ứng đủ nhu cầu về không gian mở, mảng xanh, các tiện ích công cộng, chi tiết trang trí thu hút khách tham quan trên trục đường có vị trí đặc biệt quan trọng này…
Cũng theo Sở QH-KT, qua rà soát định hướng không gian và hiện trạng sử dụng, vị trí giao giữa 2 tuyến đường Lê Lợi và phố đi bộ Nguyễn Huệ là khu vực hết sức đặc thù về không gian.
Sau khi công trình đài phun nước nghệ thuật hoàn thành, cùng với kiến trúc phố đi bộ Nguyễn Huệ, công viên trước Nhà hát Thành phố và một số kiến trúc khác nằm dọc tuyến đường Lê Lợi, phố đi bộ Nguyễn Huệ… sẽ hình thành các không gian công cộng và điểm đến hấp dẫn cho người dân thành phố và du khách.
Đình Phú/Thanh Niên