KTS Trần Huy Ánh: Hi sinh văn hóa là hỏng ngay về kinh tế
Giữa bảo tồn văn hóa và phát triển luôn là vấn đề nan giải của các đô thị. KTS Trần Huy Ánh – Ủy viên thường vụ Hội Kiến trúc sư Hà Nội trao đổi với phóng viên về bảo tồn quỹ di sản kiến trúc đô thị. Trong đó phải đặc biệt tôn trọng sự đồng thuận của cộng đồng dân cư.
PV: Thưa ông, dưới góc nhìn của một kiến trúc sư thì điều gì khiến chúng ta luôn bị mâu thuẫn giữa bảo tồn và phát triển trong phát triển đô thị hiện nay?
KTS Trần Huy Ánh: Hiện tại vẫn có những tranh luận chưa đi đến ngã ngũ, đang phát triển kinh tế lại cứ nói về văn hóa và bảo tồn. Người ta cứ nói chúng ta phải hi sinh lịch sử đi, hi sinh để giao thông tốt hơn, hi sinh để mà phát triển kinh tế tốt hơn. Chúng ta không thể bảo tồn theo kiểu cứng nhắc vì có những thứ có giá trị gì đâu… Tức cái nhìn nhận rất hời hợt. Nhưng chúng ta biết rằng, thực tiễn cũng đã chứng minh, phố cổ có gì đâu mà tại sao lại thu ngân sách tốt? Đừng nói chuyện bảo tồn văn hóa tốn kém, mà bảo tồn văn hóa lịch sử làm cho kinh tế phát triển hơn. Có những quận mới ở Hà Nội phát triển, thu ngân sách cao, nhưng là do bán đất, chứ đất Hoàn Kiếm có đâu. Nhưng Hoàn Kiếm lại khai thác được những giá trị lịch sử. Cho nên nếu tính trên diện tích vật lý thì quận Hoàn Kiếm là số 1 về hiệu quả kinh tế/ m2 đất. Thế có phải là di sản không? Nếu quận Hoàn Kiếm trở thành một thành phố hiện đại thì có được cái lợi ích ấy không? Cho nên trong quận Hoàn Kiếm đã nhận ra được điều đó.
Nhưng chúng ta cũng không thể nào khiến cả khu vực Hoàn Kiếm ì trệ nhân danh bảo tồn?
– Quận Hoàn Kiếm đã đồng thời tính đến chuyện bảo tồn ở khu phố cổ và khu phố Pháp. Khu phố cổ chúng ta đang làm có biết bao khó khăn như thế, đã từng bước thành công. Chúng ta có thể đưa thực tiễn ấy sang khu phố Pháp. Ta sẽ phải mở rộng không gian trong khu phố Pháp để trở thành khu phố du lịch, để trở thành khu phố đi bộ, để trở thành khu phố có giá trị khai thác tốt hơn. Một điều hiển nhiên hai khu phố ấy giá trị bất động sản hơn hàng chục lần những khu phố mới. Những nhà đầu tư luôn coi đây là động lực, và những nhà quản trị luôn luôn phải đối mặt với giằng xé trong những lợi ích rằng có xây nhà cao tầng hay không. Chứ còn làn sóng muốn “đập” phố cổ, phố Pháp để xây nhà cao tầng lúc nào chả đang rình rập.
Như vậy, cụ thể, trong vấn đề của riêng quận Hoàn Kiếm, giải pháp hiện nay nên làm là gì?
– Chúng ta đang có một khu phố cổ và khu phố Pháp phát huy được giá trị văn hóa lịch sử và giá trị kinh tế của nó, cho nên ta phải nhìn nhận thật đúng và phân tích để ta khai thác đến một ngưỡng thông minh nào đó, để vừa đạt được lợi ích kinh tế nhưng vẫn được giá trị văn hóa lịch sử bảo tồn. Bởi vì đó là hai mặt vấn đề được tương tác với nhau. Hi sinh văn hóa là hỏng ngay về kinh tế. Đừng lấy lí lẽ vì phát triển kinh tế mà phải hi sinh cái gì. Là những nhà quy hoạch đô thị chúng tôi đã từng mắc sai lầm trong việc quy hoạch đô thị vụng dại. Những khu phố đô thị không có giá trị, thậm chí gây phức tạp cho đô thị. Càng những khu phố có giá trị văn hóa lịch sử như thế chúng ta càng phải bảo tồn tốt hơn. Bởi vì chúng ta không làm được lịch sử, mà chúng ta chỉ bảo vệ nó, và phát huy nó thôi.
Ông có nói về mô hình thành công trong việc bảo tồn khu phố cổ, cụ thể là thế nào, và nó đem lại kinh nghiệm gì trong vấn đề quản lý đô thị hiện nay?
– Chúng ta nên bày bài toán khó khăn, hạn chế, bế tắc giữa bảo tồn và phát triển cho xã hội. Xã hội sẽ giải quyết. Như khu phố cổ là sáng tạo của Ban Quản lý phố cổ, sáng tạo của rất nhiều nhà khoa học, sáng tạo của người dân cộng đồng ở đấy. Nó hỗ trợ cho thành phố làm nên những điều tốt đẹp. Tại sao không tận dụng điều đấy để đưa vào trong khu phố Pháp? Lấy cái mô hình đúng của khu phố đi bộ, lấy mô hình đúng của bảo tồn phố cổ một cách có trọng tâm trọng điểm, bảo tồn đi cùng với phát triển đem ra khu phố Pháp.
Và tôi nghĩ rằng với một hệ thống quản trị đã thành công trong thời gian gần đây thì trong tương lai cũng sẽ có những thành công. Bởi vì trong bản thân bộ máy cũng có nhiều người chuyên môn rất cao, các vị lãnh đạo, các kiến trúc sư, các tiến sĩ. Bộ máy quản lý xã phường, và người dân cũng có sự đồng thuận, cùng chung chia sẻ lợi ích trong phát triển.
Có thể hiểu như thế nào về xã hội hóa trong công tác bảo tồn di sản trong đô thị?
– Chúng ta phải làm rõ cái xã hội hóa. Xã hội hóa hiện đang có sự biến tướng. Đôi khi bị tư nhân hóa, bị tập đoàn hóa. Xã hội hóa đầu tiên là xã hội hóa về trí tuệ đã, về giải pháp đã. Khi giải pháp tạo nên sự đồng thuận thì không cần tập đoàn nào cả mà cả xã hội tham gia. Đấy mới là bản chất của xã hội hóa. Xã hội hóa không phải bán rẻ tài sản ấy rồi gọi đấy là xã hội hóa. Đấy là tư nhân hóa trá hình mang tên xã hội hóa. Xã hội hóa là một giải pháp được cộng đồng dân cư đồng thuận, lựa chọn, và mỗi người đều có một phần trong đó.
Vậy theo ông, khó khăn nhất trong bảo tồn các công trình kiến trúc có giá trị của Hà Nội hiện nay là gì?
– Chính là nhận thức. Anh không coi đó là giá trị. Anh không biết nó có giá trị thế nào. Không biết khai thác giá trị thế nào, cho nên anh thấy đầy rẫy những khó khăn. Anh càng khó khăn, thì khi anh đưa ra giải pháp lại còn tồi tệ hơn. Thế tại sao anh không đem bế tắc của anh đi hỏi cộng đồng khoa học, hỏi cộng đồng dân cư, hỏi cộng đồng những nhà liên quan, bằng cách cầu thị? Và anh học hỏi từ các nghiên cứu rất công phu của các nhà khoa học, các trường đại học, các viện nghiên cứu. Thậm chí làm theo những bài học thực tiễn. Như thế anh sẽ có lợi lâu dài. Cải tiến bao lâu đi chăng nữa, đèn dầu không thể thành đèn điện được. Thay đổi cách nghĩ, thay đổi cách đối thoại, thay đổi cách tiếp cận đi thì sẽ có kết quả tốt.
Trân trọng cảm ơn ông!
Huyền Trang