14/01/2019

Nỗ lực xử lý các vấn đề liên quan đến bãi rác Nam Sơn

UBND TP Hà Nội đã yêu cầu các đơn vị liên quan, phối hợp với UBND huyện Sóc Sơn đẩy nhanh tiến độ GPMB, bồi thường, hỗ trợ tái định cư cho người dân trong vùng chịu ảnh hưởng môi trường quanh Khu liên hợp xử lý chất thải Nam Sơn.

Không chuyển đi được, rác tràn ngập nhiều tuyến đường phố tại các quận Thanh Xuân, Hà Đông, Nam Từ Liêm. Ảnh: Ngọc Hải

Không chuyển đi được, rác tràn ngập nhiều tuyến đường phố tại các quận Thanh Xuân, Hà Đông, Nam Từ Liêm. Ảnh: Ngọc Hải

Chiều tối ngày thứ Năm, 10/1, một số người dân thuộc 3 xã: Nam Sơn, Bắc Sơn, Hồng Kỳ lại tiếp tục chặn xe vận chuyển rác về Khu liên hợp xử lý chất thải Nam Sơn (Sóc Sơn).
Tổng Giám đốc Công ty TNHH MTV Môi trường đô thị Hà Nội (Urenco) Nguyễn Hữu Tiến cho biết, rác tại 4 quận do đơn vị thu gom: Hoàn Kiếm, Đống Đa, Ba Đình, Hai Bà Trưng đã được đưa về trạm xử lý Cầu Diễn và Khu liên hợp xử lý chất thải Xuân Sơn (Sơn Tây), đảm bảo giữ vệ sinh môi trường. Tuy nhiên, một số quận không do Urenco thực hiện thu gom như: Thanh Xuân, Hà Đông, Nam Từ Liêm… lại lâm vào tình trạng rác chất đống trên đường phố, gây mất vệ sinh môi trường nặng nề. Nguyên do là một số đơn vị đảm nhận thu gom rác tại các quận này chỉ ký hợp đồng xử lý rác tại Khu xử lý Nam Sơn. Hiện nay xe chuyên chở không vào được bãi, nên rác tại các quận này… không biết đưa đi đâu.
Ghi nhận trên nhiều tuyến đường thuộc Thanh Xuân, Hà Đông, Nam Từ Liêm… cho thấy, rác chất thành đống lớn, được phủ bạt tạm thời nhưng mùi hôi thối vẫn bốc lên nồng nặc. Nhiều khu vực, xe thu gom thủ công nối đuôi kéo dài vài chục mét, rác cao có ngọn. Một số vị trí trên đường: Nguyễn Trãi, Nguyễn Xiển… rác thậm chí còn không được che phủ, tràn ra vỉa hè, lề đường.
Một số người dân đang sinh sống trên địa bàn 3 xã: Nam Sơn, Bắc Sơn, Hồng Kỳ tụ tập, chặn xe chuyên chở rác về Khu xử lý Nam Sơn với lý do chưa được bồi thường, hỗ trợ theo quyết định của UBND TP Hà Nội về việc di dân ra ngoài vùng ảnh hưởng môi trường (bán kính 500m) tính từ hàng rào Khu xử lý rác Nam Sơn.
Liên quan đến vấn đề này, UBND TP Hà Nội đã giao Viện Quy hoạch xây dựng, Sở QH&KT xác định ranh giới, chỉ giới đường đỏ vùng ảnh hưởng. Trên cơ sở đó, Sở TN&MT triển khai ngay việc cắm mốc giới giải phóng mặt bằng theo quy định. Giao Sở TN&MT, phối hợp với UBND huyện Sóc Sơn, hoàn thiện hồ sơ, cập nhật danh mục dự án thu hồi đất trong Kế hoạch sử dụng đất năm 2019 của huyện Sóc Sơn. Giao Chủ tịch UBND huyện Sóc Sơn chủ trì, thành lập Hội đồng bồi thường, hỗ trợ tái định cư thực hiện dự án. Đồng thời giao Trung tâm phát triển quỹ đất Sóc Sơn bồi thường, hỗ trợ, giải phóng mặt bằng theo ranh giới, mốc giới đã được xác định. Giao Quỹ đầu tư phát triển TP ứng vốn giải phóng mặt bằng cho UBND huyện Sóc Sơn để tổ chức triển khai thực hiện theo quy định. Như vậy, công tác di dân, bồi thường, hỗ trợ tái định cư đối với các hộ dân nằm trong vùng chịu ảnh hưởng môi trường quanh Khu xử lý rác Nam Sơn đang được tích cực chuẩn bị.
Dịp cận Tết Nguyên đán, lượng rác thải sinh hoạt, đặc biệt trong khu vực nội thành tăng cao từng ngày. Việc chặn xe chuyên chở vào Khu xử lý rác Nam Sơn sẽ gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến vệ sinh môi trường trên diện rộng. UBND và các đoàn thể huyện Sóc Sơn cần tích cực tuyên truyền, vận động người dân, tạo điều kiện để việc vận chuyển, xử lý rác tại Khu xử lý được vận hành bình thường, hiệu quả, đảm bảo vệ sinh môi trường, vì lợi ích chung của Nhân dân Thủ đô.
Liên quan tới việc một số người dân có hành vi chặn xe chở rác ra vào Khu liên hợp xử lý chất thải Nam Sơn, huyện Sóc Sơn, Phó Chủ tịch UBND huyện Sóc Sơn Đỗ Minh Tuấn cho biết: Qua nắm bắt, nguyên nhân của hành động trên là do một số người dân đề nghị đẩy nhanh tiến độ dự án di dời các hộ trong vùng ảnh hưởng môi trường bán kính 500m thuộc các xã Bắc Sơn, Nam Sơn và Hồng Kỳ. Theo ông Tuấn, hiện địa phương vẫn đang tích cực triển khai các bước theo trình tự; phấn đấu đến quý II/2019 sẽ hoàn thành phương án tái định cư cho các hộ dân 3 xã nêu trên. Về địa điểm tái định cư, ông Tuấn thông tin thêm, sẽ thực hiện ngay trên địa bàn các xã có người dân thuộc diện phải di dời, nhằm bảo đảm cuộc sống của các hộ dân tái định cư không bị xáo trộn nhiều.
Sáng 13/1, Phó Chủ tịch UBND TP Nguyễn Thế Hùng đã về địa phương làm việc, trực tiếp đối thoại, lắng nghe ý kiến người dân các xã Bắc Sơn, Hồng Kỳ tại trụ sở UBND huyện.
Chiều cùng ngày, một buổi đối thoại tương tự với người dân xã Nam Sơn cũng diễn ra tại Nhà văn hóa thôn Đông Hạ. Chủ trì và tham gia đối thoại có các lãnh đạo huyện Sóc Sơn gồm: Bí thư, Phó Bí thư Thường trực Huyện ủy, Phó Chủ tịch UBND huyện, cùng lãnh đạo các ban, ngành của huyện, xã Nam Sơn. Tại các buổi đối thoại, lãnh đạo UBND TP Hà Nội, các sở, ban, ngành chức năng và lãnh đạo Huyện ủy, UBND huyện Sóc Sơn lắng nghe và giải đáp nhiều ý kiến, kiến nghị của người dân…
Ghi nhận ý kiến của người dân cho thấy, thời gian qua, TP Hà Nội đã quan tâm đến đời sống người dân, cũng như có chính sách hỗ trợ người dân khu vực bị ảnh hưởng môi trường từ khu xử lý chất thải rắn, song chưa đáp ứng so với mong muốn của một số người; công tác hỗ trợ, đền bù còn chậm…
Ngọc Hải – Trọng Tùng/Kinh tế Đô thị