Hội nghị thẩm định Điều chỉnh quy hoạch chung TP Đà Nẵng
Ngày 6/12, Thứ trưởng Phan Thị Mỹ Linh đã chủ trì Hội nghị thẩm định “Điều chỉnh quy hoạch chung thành phố Đà Nẵng đến 2030, tầm nhìn đến năm 2045”.
Vì sao TP Đà Nẵng cần điều chỉnh Quy hoạch chung?
TP Đà Nẵng có diện tích tự nhiên 128.543ha, phía Bắc giáp tỉnh Thừa Thiên -Huế, phía Nam và phía Tây giáp tỉnh Quảng Nam, phía Đông giáp Biển Đông. Đà Nẵng tọa lạc ở trung tâm miền Trung đất nước, nằm trên đường giao thông Bắc Nam về đường bộ, đường sắt, đường biển và đường hàng không; Quốc lộ 14A nối hệ thống cảng biển Tiên Sa, Liên Chiểu đến khu vực Tây Nguyên và tương lai sẽ nối cả hệ thống đường xuyên Á qua Lào, Đông Bắc Thái Lan, Thái Lan và Myanmar. Ngoài ra, Đà Nẵng cũng là một trong những cửa ngõ ra biển quan trọng của khu vực Tây Nguyên và các nước bạn nói trên.
Điều chỉnh quy hoạch chung TP Đà Nẵng đến 2030, tầm nhìn đến năm 2045 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 2357/QĐ-TTg ngày 04/12/2013. Sau một thời gian phát triển, TP Đà Nẵng đã nảy sinh một số vấn đề mới mang tính tổng thể, tác động lớn đến sự phát triển của đô thị, ảnh hưởng đến định hướng Quy hoạch chung đã được phê duyệt, điển hình là các vấn đề phát triển kinh tế biển tại vịnh Đà Nẵng và khu vực đô thị lân cận; quản lý, khai thác và tôn tạo cảnh quan dọc 2 bên sông Hàn; mở rộng đô thị về phía Tây; phương tiện giao thông cá nhân, vận tải du lịch phát triển quá nhanh dẫn đến tình trạng quá tải vào một số thời điểm; ngành du lịch của thành phố phát triển với tốc độ nhanh; các khu, cụm công nghiệp ở Đà Nẵng cơ bản được lấp đầy…
Ngoài ra, TP Đà Nẵng cũng có những nhu cầu mới trong định hướng phát triển kinh tế – xã hội của địa phương như yêu cầu về phát triển không gian đô thị, xây dựng thành phố thông minh, hay quy hoạch khai thác tài nguyên theo hướng bảo vệ cảnh quan môi trường. Trên cơ sở đó, TP Đà Nẵng đã xây dựng Đề án “Quy hoạch chung TP Đà Nẵng đến 2030, tầm nhìn đến năm 2045” gửi Bộ Xây dựng thẩm định, trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.
Ý kiến đóng góp của Hội đồng thẩm định
Về cơ bản, các thành viên Hội đồng thẩm định đều đồng ý với sự điều chỉnh Đề án của TP Đà Nẵng. Tuy nhiên, các Bộ, Ngành và chuyên gia cũng đóng góp một số ý kiến để TP Đà Nẵng tiếp tục hoàn thiện Đề án trình Thủ tướng Chính phủ.
Trong đó, Vụ Quy hoạch Kiến trúc – Bộ Xây dựng đề nghị, TP Đà Nẵng cần làm rõ nội dung đánh giá các chỉ tiêu quy hoạch và định hướng phát triển không gian theo Quyết định 2357 của Thủ tướng Chính phủ năm 2013 cần được lồng ghép trong Thuyết minh của Hồ sơ nhiệm vụ; điều chỉnh chỉ tiêu sử dụng đất, hạ tầng kỹ thuật với cách tiếp cận mô hình phát triển đô thị xanh, thông minh; kiểm soát không gian của các khu vực ven biển, khai thác cảng biển; điều chỉnh ứng dụng công nghệ với phát triển thành phố xanh, thông minh; điều chỉnh hạ tầng kỹ thuật khung đáp ứng nhu cầu phát triển; bổ sung các yêu cầu về không gian ngầm và khi đánh giá về hiện trạng, các chỉ tiêu cần có sự so sánh và lượng hóa sau khi điều chỉnh quy hoạch.
Bộ Kế hoạch Đầu tư đề nghị TP Đà Nẵng xem xét điều chỉnh quy hoạch kinh tế – xã hội phù hợp với điều chỉnh quy hoạch chung của thành phố. Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn kiến nghị thành phố nghiên cứu tổ chức không gian hợp lý, đảm bảo tiết kiệm đất đai và phát triển bền vững; củng cố, tu bổ các công trình tiêu úng, thoát nước đô thị thích ứng với biển đổi khí hậu, nước biển dâng
Bộ Khoa học Công nghệ đề nghị bổ sung đánh giá thực trạng công nghệ trong “Đánh giá hiện trạng các hệ thống hạ tầng đô thị”; bổ sung định hướng phát triển hệ thống vành đai cây xanh kết hợp với các kiến trúc, cảnh quan lịch sử của thành phố trong “Định hướng phát triển cho khu vực đô thị” với mục tiêu đưa Đà Nẵng trở thành một thành phố xanh.
Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch mong muốn TP Đà Nẵng chú ý đến mật độ xây dựng điều chỉnh quy hoạch nhằm đảm bảo sức chứa phát triển du lịch của địa phương, nhưng không gây sức ép với môi trường trong hoàn cảnh tốc độ phát triển du lịch của thành phố là rất nhanh.
Bộ Công thương đề nghị TP Đà Nẵng xem xét lại việc di dời cảng xăng dầu Mỹ Khê sang phía vịnh Đà Nẵng, cân nhắc quy hoạch cảng phù hợp với quy hoạch cảng biển nhóm 4 của Bộ Giao thông Vận tải, và xây dựng kế hoạch, lộ trình di dời phù hợp để tránh lãng phí. Trong khi đó, Bộ Tài chính đề nghị Bộ Xây dựng rà soát lại căn cứ pháp lý của Đề án.
Về phía Hội quy hoạch phát triển đô thị Việt Nam, tổ chức này kiến nghị TP Đà Nẵng phải vạch ra được những vấn đề nổi cộm trong quá trình phát triển; lồng ghép nội dung Nghị quyết 36 – NQ/TW về Chiến lược phát triển bền vững kinh tế biển Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 vào tầm nhìn phát triển của TP Đà Nẵng; xem xét cấu trúc đô thị cần điều chỉnh những gì; đánh giá tổ chức hệ thống giao thông, loại hình giao thông để hoàn thành mục tiêu giao thông công cộng đạt 60% – 65%…
Cục Hạ tầng kỹ thuật – Bộ Xây dựng đề nghị, TP Đà Nẵng làm rõ các nội dung điều chỉnh về phát triển không gian, hạ tầng kỹ thuật – xã hội, giao thông công cộng. Ngoài ra, Cục Hạ tầng kỹ thuật kiến nghị Đà Nẵng xem xét lại nội dung phòng chống biến đổi khí hậu; điều chỉnh thời hạn thực hiện quy hoạch chung ngắn hạn đến năm 2035, tầm nhìn đến năm 2045 hoặc 2050.
Cục Phát triển đô thị – Bộ Xây dựng lại mong muốn TP Đà Nẵng xem xét kết hợp cụm cảng Liên Chiểu, Tiên Sa để phát triển kinh tế, du lịch và đảm bảo an ninh quốc phòng.
Tiếp thu các ý kiến đóng góp Hội đồng thẩm định, ông Hồ Kỳ Minh – Phó Chủ tịch UBND TP Đà Nẵng khẳng định: “Thành phố sẽ xem xét điều chỉnh, bổ sung và hoàn thiện Đề án để trình Bộ Xây dựng thẩm định, gửi Thủ tướng Chính phủ phê duyệt”.
Kết luận Hội nghị thẩm định, Thứ trưởng Phan Thị Mỹ Linh khẳng định, thành phố đã tiếp thu và giải trình rõ các ý kiến đóng góp của các Bộ, ngành. Tuy nhiên, Thứ trưởng cũng đề nghị, thành phố rà soát lại Thuyết minh của nhiệm vụ và Dự thảo quy hoạch nhằm đảm bảo sự thống nhất; rà soát lại các văn bản pháp lý mang tính định hướng lớn trong thời gian sắp tới như Nghị quyết 36 – NQ/TW, Đề án đô thị thông minh… ; Đánh giá lại vấn đề phát triển giao thông, phát triển hệ thống công nghiệp; làm rõ nội dung phát triển hạ tầng tập trung.
Sau Hội nghị, Hội đồng thẩm định sẽ có thông báo để TP Đà Nẵng có cơ sở chỉnh sửa Đề án trình Thủ tướng phê duyệt cho địa phương tiến hành triển khai thực hiện.
Hữu Mạnh/BXD