Không phải dân đầu cơ, đây mới là thế lực nắm 70% nhà ở cao cấp
Khảo sát của Savills Việt Nam cho thấy, 5 năm qua (2013-2017), hầu hết nhà ở cao cấp tại TPHCM và Hà Nội được giới đầu tư thu mua, người mua để ở và nhà đầu cơ chiếm thị phần thấp.
Nội dung này được đưa ra tại báo cáo thị trường nhà ở Việt Nam chủ đề Tầm nhìn và triển vọng do Savills Việt Nam vừa công bố. Báo cáo đã phác hoạ về chân dung người mua nhà trong giai đoạn 2013-2017.
Theo khảo sát của đơn vị này, thị trường nhà ở Việt Nam bị chi phối bởi 3 nhóm đối tượng: người đầu tư, người mua nhà để ở và giới đầu cơ.
Trong khi khoảng gần 90% nhà hạng C tại cả TPHCM và Hà Nội được mua để ở thì hai phân khúc trung và cao cấp (hạng A) lại chịu sự chi phối mạnh của giới đầu tư. Cụ thể, các nhà đầu tư chiếm 45 và 40% tổng giao dịch nhà hạng B tại TPHCM và Hà Nội. Các con số trên với nhà hạng A chiếm thế thượng phong lần lượt lên tới 65 và hơn 70%.
Cũng theo Savills Việt Nam, mặc dù giới đầu tư chiếm lĩnh thị phần nhà ở cao cấp và trung cấp nhưng dự báo thời gian tới (2020), nhà ở bình dân (giá rẻ) sẽ trở thành tâm điểm TPHCM và nhà ở trung cấp sẽ dẫn dắt thị trường Hà Nội. Vào năm 2020, tại TPHCM, dự kiến có đến 61% nguồn cung là nhà ở bình dân, còn tại Hà Nội dự kiến nhà ở trung cấp chiếm tới 52% nguồn cung.
Báo cáo thị trường nhà ở Việt Nam của công ty tư vấn bất động sản Savills còn tiết lộ giá nhà ở trung bình tại TPHCM năm 2017 là hơn 1.400 USD/m2. Trong khi đó, giá nhà trung bình tại Hà Nội là gần 1.300 USD/m2.
Tuy nhiên, báo cáo lại cho thấy xu hướng biến động trái ngược về giá nhà tại hai thành phố lớn nhất cả nước trong 5 năm qua. Cụ thể, giá nhà tại TPHCM đạt mức 1.200 USD/m2 năm 2013 và tăng trưởng liên tục trong 3 năm, chạm đỉnh gần 1.500 USD/m2 trước khi sụt giảm vào năm 2017.
Ngược lại, tại thị trường Hà Nội, giá nhà bình quân năm 2013 đạt gần 1.400 USD/m2 nhưng sụt giảm trong 2 năm liền và xuống dưới mức 1.200 USD/m2 năm 2015 rồi khôi phục trở lại gần 1.300 USD/m2 trong 12 tháng tiếp theo và hầu như không tăng trong năm 2017.
Trong khi đó, đánh giá về giá cả hàng hóa bất động sản trong báo cáo gửi Quốc hội về các vấn đề của ngành, Bộ Xây dựng cho rằng, giá nhà ở chưa ổn định, không phản ánh đúng giá trị thực của bất động sản, cũng như không phù hợp với khả năng chi trả của số đông người dân. Cơ cấu hàng hóa bất động sản đang có sự lệch pha nhất là nhà ở tại Hà Nội và TPHCM lại đang thừa nhà ở cao cấp, diện tích lớn, giá bán cao, thiếu nhà ở bình dân phù hợp với nhu cầu của đại bộ phận dân cư đô thị.
Bộ này cũng cho biết, thời gian tới, sẽ kiểm soát chặt chẽ việc cho phép đầu tư mới các dự án bất động sản, đặc biệt là các dự án bất động sản cao cấp, các dự án khu du lịch nghỉ dưỡng, biệt thự, căn hộ cao cấp nhằm đảm bảo cân đối cung – cầu tránh để tình trạng dư thừa tồn kho, gây bất ổn cho thị trường bất động sản, bảo đảm tuân thủ pháp luật, hiệu quả đầu tư…
Hồng Khanh/Vietnamnet