Trình bày tờ trình đồ án quy hoạch tại cuộc họp, Giám đốc Sở Quy hoạch và Kiến trúc Hà Nội Lê Vinh cho biết, với quy hoạch mạng lưới bến xe khách liên tỉnh, đồ án nêu: Các bến xe hiện có nằm sâu trong phạm vi đô thị trung tâm. Với bến Giáp Bát, Gia Lâm, Mỹ Đình, Nước Ngầm sau năm 2025, sẽ di dời ra ngoài khu vực vành đai 3 (nội thành). Sau khi di chuyển, các bến xe trên sẽ trở thành các trung tâm đâu mối, trung chuyển phục vụ vận tải hành khách công cộng.
Để tiếp nhận các lượt tuyến xe khách trong nội thành được di dời, đồ án đưa ra chỉ tiêu, thành phố Hà Nội sẽ xây dựng 7 bến xe ở ngoại thành, vị trí nằm tại các cửa ngõ thuộc đường vành đai 4, bao gồm: bến xe khách phía Bắc (Nội Bài); bến xe khách Đông Anh; bến xe khách Đông Bắc (Cổ Bi); bến xe khách phía Nam (Ngọc Hồi); bến xe khách Yên Nghĩa (Hà Đông); bến xe khách phía Tây (đại lộ Thăng Long – Vành đai 4); bến xe khách phía Tây Bắc (Phùng).
Ngoài ra, đồ án quy hoạch cũng xác định, Hà Nội sẽ xây thêm bến xe khách Yên Sở với vai trò là bến xe trung hạn làm nhiệm vụ tiếp nhận các lượt tuyến xe khách khi các bến xe khách trong nội thành “đóng cửa”.
Với mạng lưới bãi đỗ xe, ông Vinh cho biết, trên toàn thành phố thời gian tới đồ án thể hiện sẽ phát triển 1.480 vị trí bãi đỗ xe công cộng, trong đó có 74 vị trí sẽ xây dựng bãi đỗ xe ngầm; 450 vị trí sẽ xây dựng bãi xe cao tầng, còn lại là các bãi xe mặt đất. “Khi thực hiện được hệ thống các bãi đỗ xe đã được đưa vào đồ án này, giao thông tĩnh của thành phố sẽ đáp ứng được 60% nhu cầu đỗ xe của người dân” ông Vinh thông tin.
Trọng Đảng/Tiền Phong