24/03/2015

‘Nhảy dù’ chiếm đất làm nhà

Nhiều hộ dân có đất ở hợp pháp tại thôn Trang Quan (xã An Đồng, huyện An Dương, Hải Phòng) chưa kịp xây dựng đã bị người khác “nhảy dù” cưỡng chiếm xây nhà. Các chủ đất chỉ còn biết làm đơn kêu cứu gửi đi khắp nơi, nhưng đến nay vẫn chỉ biết dài cổ chờ chính quyền vào cuộc.

Nhà cấp 4 “nhảy dù” trên đất của bà Sắn và anh Long. Giá đất giao dịch trên thị trường của khu vực này được nói là khoảng 12 triệu đồng/m2

Nhà cấp 4 “nhảy dù” trên đất của bà Sắn và anh Long. Giá đất giao dịch trên thị trường của khu vực này được nói là khoảng 12 triệu đồng/m2

Chiếm đất xây nhà cho thuê

Năm 2008, bà Mai Thị Sắn (58 tuổi, trú tại số 840 Nguyễn Văn Linh, Hải Phòng) có mua lại một lô đất 120m2 đã được cấp “sổ đỏ” trong dự án nhà ở tại thôn Trang Quan, xã An Đồng của ông Phạm Trung Huy. Ông Huy đã bàn giao đất cho bà Sắn tại thực địa, thủ tục mua bán đã được công chứng, bà Sắn đã làm thủ tục chờ sang tên xong sẽ xây nhà cho con gái ở.

Nhưng đến tháng 8/2009, bà Sắn phát hiện ông Nguyễn Đức T. và cháu gái là bà Phạm Thanh Tr. (cùng trú xã An Đồng) tổ chức xây dựng nhà trái phép trên lô đất của bà. Hai lô đất kế bên của gia đình anh Nguyễn Thành Long (trú phường Dư Hàng Kênh, quận Lê Chân) một lô 90m2, một lô 115m2 cũng bị nhóm bà Tr. cưỡng chiếm, xây dựng nhà cấp 4 lên trên. Tự giữ đất không được, bà Sắn, anh Long đã làm đơn kêu cứu đề nghị UBND xã An Đồng và cơ quan chức năng huyện An Dương can thiệp ngăn chặn hành vi cướp đất này.

Ngày 25/8/2009, UBND xã An Đồng đã cử cán bộ chuyên môn đến lập biên bản đình chỉ 2 căn nhà cấp 4 xây dựng trái phép này. Bà Tr. đứng ra nhận là người tổ chức xây dựng nhưng không ký biên bản. Tiếp đó, ngày 25/11/2009, xã An Đồng lại lập biên bản đối với bà Tr. do đã xây dựng công trình trên 3 lô đất của người khác một cách trái pháp luật. Xã yêu cầu ông T., bà Tr. phải tự tháo dỡ công trình lấn chiếm đất trả lại mặt bằng cho chủ đất nhưng vô ích. Hai căn nhà cấp 4 mà bà Tr., ông T. xây trên đất có “sổ đỏ” của người khác đã hoàn thành để cho thuê.

“Nhảy dù” xây nhà thờ họ

Cách khu đất nhà bà Sắn không xa, bốn lô đất có “sổ đỏ” khác của ba hộ dân cũng bị “nhảy dù” theo hình thức tương tự. Năm 2006 vợ chồng anh Đỗ Trung Kiên và chị Nguyễn Thị Thu Cúc (trú quận Ngô Quyền) mua 2 mảnh đất trong dự án nhà ở này đã được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất. Kế bên khu đất của vợ chồng anh Kiên là 2 lô đất của hộ ông Nguyễn Văn Hiền (trú thôn Trang Quan) và chị Nguyễn Thị Xuân Hoa (trú quận Lê Chân).

Đất của người dân bị lấn chiếm xây nhà thờ họ

Đất của người dân bị lấn chiếm xây nhà thờ họ

Các chủ đất hợp pháp chưa kịp xây nhà thì bất ngờ, cuối tháng 12/2009, một số người thuộc dòng họ Nguyễn Đức ở thôn Trang Quan ồ ạt chuyển nguyên vật liệu đến, cấp tập xây dựng căn nhà thờ họ trên 4 lô đất của họ. Vụ “nhảy dù” chiếm đất này cũng được cấp báo tới chính quyền. UBND xã An Đồng triển khai lực lượng tới hiện trường lập biên bản, yêu cầu đình chỉ, tháo dỡ công trình chiếm đất. Nhưng việc đình chỉ, tháo dỡ chỉ dừng ở trên giấy, công trình nhà thờ họ kiên cố vẫn được những người trong họ Nguyễn Đức triển khai xây dựng. Chỉ một thời gian sau đó, một căn nhà thờ họ hoành tráng cùng công trình phụ trợ, bên ngoài có cổng tường bao gạch đã sừng sững mọc lên trên khu đất hơn 300m2 chiếm của 3 hộ dân.

Cả 3 gia đình mất đất cũng chỉ biết liên tục làm đơn kêu cứu tới chính quyền nhưng sự việc cũng bị bỏ lửng. Làm ăn khó khăn, 2 lô đất mua bằng số tiền vay mượn bị chiếm mất, quá cùng quẫn, cuối năm 2012, chị Nguyễn Thị Thu Cúc đã tìm đến cái chết bằng liều thuốc diệt cỏ. Khi anh Kiên biết tin tới nơi thì vợ anh đã ngã gục bên bức thư tuyệt mệnh là tờ đơn kêu cứu với nội dung do không còn chỗ để dung thân nên chị tìm đến cái chết mong chính quyền có biện pháp giải quyết 2 lô đất đã bị chiếm cho chồng con mình. Nhưng đã mấy năm trôi qua, sự việc không được giải quyết.

Khi nào cưỡng chế?

Theo UBND xã An Đồng, những trường hợp lấn chiếm đất này xã đã xác lập các biên bản, mời người vi phạm về xã để giải quyết nhưng họ không chấp hành. Dòng họ Nguyễn Đức thừa nhận chiếm đất vì lý do… chưa có đất làm nhà thờ họ. Còn ông T. và bà Tr. thì đưa ra lý do có đất được cấp nhưng chưa được giao nên ra khu đất trước đây là ruộng của gia đình họ lấy đất xây nhà, trong khi thực tế ông T. đã được cấp đất mặt đường. Năm 2012, xã tiếp tục lập biên bản vi phạm hành chính về hành vi lấn chiếm đất nhưng những người vi phạm không chịu ký biên bản.

Ông Trần Văn Đại, Chủ tịch UBND xã An Đồng, thừa nhận trước đây xã đã không quyết liệt ra tay ngăn chặn nên mới để xảy ra tình trạng 7 lô đất hợp pháp của người dân bị chiếm đoạt. Những trường hợp chiếm đất này rất phức tạp, kéo dài vượt quá khả năng giải quyết của xã nên từ năm 2012, xã báo cáo lên huyện nhưng chưa nhận được hướng giải quyết. Theo ông Đại, tháng 2/2015, UBND TP Hải Phòng đã ra văn bản chỉ đạo huyện An Dương xem xét giải quyết quyền lợi cho người dân bị mất đất. UBND xã mới có báo cáo xin huyện chỉ đạo giải quyết. “Chúng tôi đề xuất huyện cho thực hiện phương án cưỡng chế để giải quyết dứt điểm vụ việc trả lại đất hợp pháp cho người dân” – ông Đại nói.

Theo Tiền Phong