Làn sóng lấn sân, đầu tư bất động sản nghỉ dưỡng
Thời gian gần đây, nhiều công ty địa ốc có tham vọng tiến ra các tỉnh để thực hiện các dự án bất động sản nghỉ dưỡng, sau khi đã quen thuộc với thị trường TPHCM.
Một trong những doanh nghiệp lớn tiên phong trong làn sóng này là Novaland. Kế hoạch mở rộng phạm vi kinh doanh, lấn sân sang phát triển bất động sản nghỉ dưỡng đã được thông qua tại đại hội cổ đông năm 2018 của doanh nghiệp này, và một lần nữa được nhắc lại trong buổi tổng kết hoạt động kinh doanh 9 tháng đầu năm 2018. Địa bàn công ty này nhắm tới là các thành phố du lịch như Cần Thơ, Bà Rịa – Vũng Tàu, Phan Thiết – Bình Thuận, Cam Ranh – Khánh Hòa…
Mở màn cho kế hoạch này, Novaland vừa giới thiệu ra thị trường dự án NovaHills Mũi Né Resort & Villas tại Mũi Né – Phan Thiết. Dự án có khoảng 600 biệt thự trên đồi hướng biển do thương hiệu quốc tế quản lý vận hành.
Cũng với kế hoạch tham gia lĩnh vực bất động sản nghỉ dưỡng, Tập đoàn Hưng Thịnh cũng đang nhắm đến thị trường Bà Rịa – Vũng Tàu. Được biết, doanh nghiệp này đã mua lại 4 dự án có quy mô khá lớn ngay trung tâm thành phố, hầu hết các dự án đều gần biển với mục đích phát triển thành các dự án nghỉ dưỡng.
Cũng ấp ủ kế hoạch lấn sân sang thị trường bất động sản nghỉ dưỡng, Công ty Phát Đạt thực hiện kế hoạch này bằng cách mua lại 99% vốn góp của các cổ đông đang sở hữu tại Công ty cổ phần ĐK Phú Quốc. Việc mua lại ĐK Phú Quốc nhằm mục đích thực hiện kế hoạch đầu tư phát triển và kinh doanh dự án bất động sản tại Phú Quốc – Kiên Giang.
Giới chuyên gia cho rằng, có nhiều lý do khiến các doanh nghiệp chuyển hướng sang mảng bất động sản nghỉ dưỡng. Quỹ đất tại TPHCM hiện khá khan hiếm, khiến việc tìm kiếm những khu đất lớn để thực hiện dự án quy mô trở nên khó khăn. Bên cạnh đó, cơ chế ưu đãi, thu hút đầu tư của các tỉnh cũng là lý do khiến doanh nghiệp chuyển hướng. Sự dịch chuyển này còn cho thấy các doanh nghiệp đang muốn mở rộng dòng sản phẩm để phù hợp hơn với nhu cầu ngày càng phong phú của thị trường.
Nghiên cứu mới đây của CBRE cũng cho rằng, nhiều chủ đầu tư cũng có cái nhìn lạc quan về tiềm năng của thị trường bất động sản nghỉ dưỡng. Cùng với sự tăng trưởng nhanh chóng của ngành du lịch, bất động sản nghỉ dưỡng là một kênh đầu tư hấp dẫn và là một sản phẩm thể hiện phong cách sống của tầng lớp khá giả trong những năm gần đây.
Bà Dương Thùy Dung, Giám đốc cấp cao của CBRE Việt Nam, cho biết tốc độ tăng trưởng thu nhập bình quân của Việt Nam đang đứng thứ 2 ở Đông Nam Á. Bên cạnh đó là sự thay đổi về sở thích và khả năng chi tiêu, năm 2015 thay vì tìm khách sạn 2-3 sao người ta có nhu cầu tìm đến các khách sạn cao cấp hơn và sau đó tiến gần hơn đến việc mua bất động sản để khai thác cho thuê lại vì nhìn thấy nhu cầu lớn cho phân khúc này. Đây là cơ hội lớn cho các nhà phát triển bất động sản nghỉ dưỡng.
Thêm một yếu tố nữa là dù nguồn cung có mạnh tại các phân khúc khác nhau trên cả nước, các dự án bất động sản nghỉ dưỡng vẫn ghi nhận tỷ lệ hấp thụ tốt. So sánh những điểm đến khác trong khu vực Đông Nam Á (như Phuket), tổng số sản phẩm của bất động sản nghỉ dưỡng vẫn còn thấp và tiềm năng tăng trưởng vẫn còn rất lớn.
Cũng đồng tình thị trường bất động sản nghỉ dưỡng Việt Nam còn nhiều tiềm năng để phát triển, nhưng ông Mauro Gasparotti, Giám đốc bộ phận Savills Hotels, châu Á Thái Bình Dương, cho rằng phân khúc này cũng có rủi ro kèm theo.
“Rủi ro dễ nhận ra của ngành nghỉ dưỡng là tính biến động và phụ thuộc nhiều vào tình hình du lịch cũng như lượt khách du lịch trong nước và quốc tế. Nền kinh tế của các quốc gia cung cấp nguồn khách du lịch thay đổi cũng sẽ ảnh hưởng đến ngành du lịch nghỉ dưỡng trong nước. Đây cũng là yếu tố khiến cho phân khúc này trở nên khác biệt hơn so với các phân khúc bất động sản khác mà các chủ đầu tư cần lưu ý khi phát triển các sản phẩm bất động sản nghỉ dưỡng”, ông Mauro nói.