17/11/2018

Kiến trúc và phê bình phản biện

Kiến trúc là loại hình nghệ thuật xuất hiện từ rất sớm trong lịch sử phát triển của loài người, từ các công trình xây dựng ban đầu nhỏ lẻ đến các đền đài, cung điện, dinh thự ở từng địa phương, quốc gia, theo quá trình biến thiên của lịch sử. Lịch sử phát triển của Kiến trúc thế giới hình thành bởi sự tác động giữa các nền văn minh, văn hóa để xây đắp lên các công trình mang tính lịch sử có giá trị về văn hóa, nghệ thuật trường tồn cho đến ngày hôm nay.

TS.KTS Nguyễn Đình Toàn- Thứ trưởng Bộ Xây dựng

TS.KTS Nguyễn Đình Toàn – Thứ trưởng Bộ Xây dựng

Các công trình kiến trúc từ thời Hy Lạp – La Mã cổ đại có sức lan tỏa rộng lớn đến việc hình thành các phong cách – xu hướng kiến trúc ở khắp châu Âu và thế giới.

Quy luật kiến trúc là liên tục sản sinh đổi mới và đào thải. Cái đẹp, cái hợp lý luôn được bồi đắp, cập nhật phù hợp điều kiện cuộc sống phát triển của kỹ thuật để tồn tại. Những cái cũ, không còn phù hợp đã được thay thế; những công trình có giá trị về lịch sử kiến trúc được bảo tồn. Kiến trúc cũng các ngành nghệ thuật khác ở cùng một điểm là luôn cần đến sự đổi mới sáng tạo. Muốn được như vậy thì sáng tạo phải gắn với phê bình, phê bình nuôi dưỡng sự sáng tạo.

Mỗi công trình kiến trúc được xây lên đều nhận được bình luận, khen chê trong xã hội. Phê bình kiến trúc không chỉ ở trên các diễn đàn của các học giả, không chỉ trên các mặt báo hay các ấn phẩm mà bất kỳ ai trong cộng đồng đã tiếp cận với kiến trúc có thể tham gia ý kiến.

Kiến trúc Việt Nam những năm đầu của thế kỷ XX khi người Pháp vào Việt Nam, họ đã bắt tay vào xây dựng nhiều công trình kiến trúc. Ban đầu là đồn bốt, trại lính với mô hình kiến trúc kiểu quân sự sau đến là bệnh viện, trường học, công trình văn hóa, thể thao và họ chú trọng vị trí đặt công trình trụ sở cơ quan công quyền (Tòa toàn quyền, Phủ thống sứ..).

Các công trình trước năm 1954 ở Hà Nội – Sài Gòn và nhiều đô thị khác mà còn tồn tại hiện nay luôn nhận được các ý kiến phê bình gay gắt từ báo chí Pháp, Đông Dương và Việt Nam thời bấy giờ. Ít ai bây giờ đã tìm hiểu bản vẽ được duyệt trước khi xây dựng tòa nhà phủ Toàn quyền Đông Dương hay các Dinh Thống sứ, các nhà thờ, các trường học, bệnh viện đã khác rất xa với thiết kế ban đầu.

Họ đã tranh đấu rất nhiều về kiến trúc, dẫn đến sự thay đổi về tỷ lệ, chi tiết, hình khối kiến trúc sau khi nhận được các ý kiến phê bình của giới chuyên môn, các học giả, các nhà báo và cộng đồng qua các ấn phẩm và tạp chí, báo chí.

Thời kỳ năm 1900 – 1954 là giai đoạn phát triển về kiến trúc và song hành với nó là hiệu quả của phê bình kiến trúc đối với các công trình xây dựng ở Việt Nam từ: Kiến trúc thuộc địa – Kiến trúc địa phương (của Pháp) – kiến trúc hiện đại (du nhập từ quốc tế) – Kiến trúc Đông Dương (kết hợp Á – Âu). Đây là một quá trình biến đổi liên tục, có tính hệ thống dưới sự quản lý của người Pháp đối với kiến trúc xây dựng ở các đô thị Việt Nam trong làn sóng phê bình kiến trúc đương thời.

Nhìn ra các nước có nền kiến trúc phát triển mạnh mẽ trong thế kỷ XX đã xuất hiện các gương mặt nổi tiếng trên diễn đàn phê bình kiến trúc thế giới. Đó là các nhà văn, nhà báo, các kiến trúc, nhà nghiên cứu nổi tiếng có ảnh hưởng mạnh mẽ đến quan điểm về quy hoạch kiến trúc trong thời kỳ cận – hiện đại: Jane Jacobs – nhà báo Mỹ gốc Canada; Robert Campbell là nhà văn, nhà báo, kiến trúc sư (giải thưởng Pulizer); Bruno Zevi là kiến trúc sư đồng thời là nhà sử học, giáo sư phê bình về kiến trúc hiện đại, hậu hiện đại nổi tiếng thế giới…

Một ví dụ gần đây nhất là công trình sân vận động Olympic Tokyo 2020 với phương án kiến trúc ban đầu đã nhận được nhiều ý kiến phê bình về kiến trúc bên ngoài nhà và quy mô đã phải thay đổi phương án kiến trúc, theo đó kinh phí xây dựng được cắt giảm khoảng 40%.

Ở một số nước Đông Nam Á như Nhật Bản, Hàn Quốc, sau một thời kỳ phát triển kinh tế đất nước, Chính phủ đã chú trọng việc xây dựng các công trình có yêu cầu cao về kiến trúc để định hướng về thẩm mỹ. Có 2 hướng chính: phát triển kiến trúc theo xu hướng hiện đại, ứng dụng KHCN sử dụng vật liệu mới và hướng thứ 2 là khai thác yếu tố truyền thống để xây dựng công trình mới nhưng không sao chép, nệ cổ. Về số lượng: các công trình theo hướng thứ nhất vẫn chiếm ưu thế áp đảo.

Đất nước Việt Nam trải qua các vùng miền có các đặc điểm khí hậu, địa hình và thổ nhưỡng, văn hóa khác nhau. Do vậy việc hình thành một nền kiến trúc với sự đa dạng, phong phú là điều cần thiết. Để làm được như vậy, không chỉ tạo lập nên công trình với các nhà kiến trúc mà cần có sự đóng góp ý kiến của các nhà nghiên cứu văn hóa, lịch sử, kỹ thuật.

Kiến trúc là lĩnh vực mang tính xã hội cao, vì vậy phê bình kiến trúc cần nhiều đối tượng tham gia

Kiến trúc là lĩnh vực mang tính xã hội cao, vì vậy phê bình kiến trúc cần nhiều đối tượng tham gia

Tại mỗi địa phương, tại mỗi đô thị còn thiếu vắng những công trình xây dựng mới mang bản sắc vùng miền, một trong những nguyên nhân chính là thiếu vắng phản biện kiến trúc Việt Nam.

Việt Nam đang định hướng vào thế kỷ hội nhập với thế giới kinh tế, kỹ thuật công nghệ số; Kiến trúc không thể đứng ngoài xu hướng đó.

Công tác lý luận phê bình kiến trúc rất cần thiết trong bối cảnh hiện nay mà đối tượng của nó là các nhà quản lý, các chủ đầu tư và các kiến trúc sư đang làm công việc tư vấn, thiết kế.

Phê bình kiến trúc cần phải được duy trì thường xuyên và bà đỡ là các cơ quan quản lý về xây dựng, Hội KTS Việt Nam, hệ thống thông tin truyền thông. Đối với các công trình sử dụng vốn ngân sách phải là đối tượng đầu tiên cần nhận sự phê bình mạnh mẽ hơn về kiến trúc. Các loại hình công trình trụ sở, trường học, cơ sở y tế… vẫn còn dùng vốn ngân sách chiếm đa số. Do vậy, cần kiểm soát được kiến trúc, và kinh phí đầu tư xây dựng, tránh sự thay đổi tùy tiện của chủ đầu tư hoặc sự yếu của người thiết kế.

Có thể tham khảo kinh nghiệm các phát triển trong việc quản lý kiến trúc đối với các công trình công; ở các nước châu Âu, trong thời kỳ kéo dài cả trăm năm họ coi các công trình trụ sở cơ quan công quyền chiếm vị trí cần đầu tư nghiên cứu nhiều hơn cả về kiến trúc, vì nó ảnh hưởng lớn về mặt xã hội, văn hóa đối với người hưởng thụ và sử dụng.

Đối tượng các công trình nhà ở được xây dựng với quy mô lớn nhất hiện nay ở các đô thị đang phát triển rất mạnh, ở nông thôn thiếu sự kiểm soát cả về quy hoạch kiến trúc. Các chế tài xử lý đi kèm với quản lý yếu kém dẫn đến việc khắc phục hậu quả có thể kéo dài đến hàng chục năm.

Việc thực hiện phê bình kiến trúc đối với nhà ở chiếm khối lượng lớn hiện nay phải có hướng dẫn, có tính thuyết phục về nhà mẫu, mô hình và bản vẽ. Đối với các dự án ở các khu đô thị, việc kiểm soát nâng cao về chất lượng kiến trúc còn thiếu vắng công tác lý luận phê bình kiến trúc. Hiện nay, có một số tập đoàn, công ty lớn đã sử dụng một vài kiến trúc kém chất lượng như: nhà ở, trung tâm thương mại, câu lạc bộ gofl nhân bản từ thành phố đến địa hình vùng núi, ven sông, ven biển.

Phê bình kiến trúc cần nhiều đối tượng tham gia: kiến trúc là lĩnh vực mang tính xã hội cao, việc cảm thụ, cảm nhận đối với kiến trúc nhiều đối tượng. Chúng ta đã có bài học đối với các công trình: Hàm cá mập, Hà Nội vàng, sơn lại Nhà hát lớn… đã nhận được rất nhiều ý kiến, chủ đầu tư đã tiếp thu và mang lại nhiều hiệu quả nhất định.

Vừa qua, một số tỉnh thành có tổ chức thi phương án kiến trúc đối với công trình kiến trúc cầu, nhà ga sân bay, phê bình kiến trúc còn yếu ớt nên chưa đạt hiệu quả. Phương án kiến trúc chưa tốt sẽ gây hậu quả trước mắt lãng phí về tiền bạc từ vốn ngân sách và các nguồn lực đầu tư trong xã hội và lâu dài để lại những sản phẩm kiến trúc kém chất lượng.

Một số công trình như nhà ga, bảo tàng, nhà hát… thi tuyển trong thời gian vừa qua tại Việt Nam là những ví dụ cụ thể với việc cách điệu tự nhiên (từ hình hoa sen, bông lúa…) sẽ là phức tạp cho các giải pháp kỹ thuật và tăng kinh phí đầu tư không hợp lý. Nhìn sang các sân bay quốc tế lớn như Hồng Kong, Singapore… kiến trúc sân bay ở đó đơn giản, mạch lạc, phục vụ tối đa cho nhu cầu công năng sử dụng. Tính dân tộc có ở một số không gian chính như khu vực sảnh và xử lý ở các chi tiết.

Hàng năm, cả nước xây dựng hàng vạn ngôi nhà, từ công trình nhà ở nhỏ đến các công trình công cộng. Các phương tiện thông tin đại chúng cần giới thiệu nhiều hơn các công trình đẹp, những xu hướng kiến trúc đang phát triển trên thế giới để có thể khai thác phát triển phù hợp điều kiện Việt Nam. Kiến trúc cần có tính dẫn hướng về thẩm mỹ và song hành với nó cần đến tiếng nói phản biện bằng các hình thức khai thác thế mạnh của truyền thông trong cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4 hiện nay.

Để duy trì và phát triển lý luận phê bình kiến trúc cần có sự tham gia cộng tác từ các cơ quan quản lý đến các Hội nghề nghiệp, các nhà hoạt động xã hội, nhà văn hóa lịch sử, các KTS và những công dân có quan tâm.

Các cơ quan quản lý nhà nước về xây dựng, truyền thông, văn hóa tạo điều kiện, hành lang pháp lý để có môi trường cho kiến trúc phát triển. Hành lang pháp lý phải được quy định thành văn bản pháp luật. Phản biện kiến trúc cần có các giải thưởng riêng thích hợp để khuyến khích và vinh danh các nhà nghiên cứu lý luận phê bình.

Hội KTS Việt Nam là tổ chức chính trị xã hội nghề nghiệp có Tạp chí Kiến trúc, các ấn phẩm, hệ thống truyền thông… cần phát hiện động viên, chăm lo bồi dưỡng nhân tài trong lĩnh vực phê bình kiến trúc. Diễn đàn phê bình thường xuyên hơn, đổi mới cách làm và thu hút được giới trẻ.

Các cơ quan thông tấn báo chí có vai trò quan trọng thu hút các nhà báo có tâm huyết, có năng lực phối hợp tham gia nhiều hơn với giới KTS để có những bài viết có chất lượng đóng góp xây dựng nền kiến trúc Việt Nam thông qua các ấn phẩm và bài viết về phản biện kiến trúc.

Những năm sau thập kỷ 90, chúng ta đã xây dựng nhanh hơn, nhiều hơn với số lượng các công trình từ đô thị đến nông thôn, nhưng phê bình kiến trúc chưa đủ sức lan tỏa nên ảnh hưởng đến chất lượng kiến trúc trong thời gian qua.

Cùng với sự phát triển của công nghệ thông tin hiện nay thì việc phản biện kiến trúc càng có nhiều thuận lợi hơn. Các ý kiến sẽ tác động đến môi trường hành nghề, các nhà quản lý, các chủ đầu tư… thúc đẩy sự phát triển về kỹ thuật, vật liệu và chất lượng kiến trúc cho xã hội.

TS.KTS Nguyễn Đình Toàn – Thứ trưởng Bộ Xây dựng/BXD