09/11/2018

Bảo tồn chợ truyền thống trong nội đô

Dù vẫn đang trong giai đoạn đô thị hóa mạnh, nhưng nhiều chuyên gia cho rằng, TP vẫn phải bảo tồn và duy trì các chợ truyền thống trong nội đô như một nét văn hóa ngàn năm của Hà Nội cổ kính.

Mô hình chợ – trung tâm thương mại không hiệu quả
Năm 2009, TP Hà Nội chủ trương thí điểm chuyển đổi một số mô hình từ chợ truyền thống thành các trung tâm thương mại (TTTM) kết hợp với chợ. Trong khoảng 8 năm đã hình thành các TTTM thay thế các khu vực chợ cũ như: TTTM Chợ Mơ, TTTM Chợ Hàng Da, TTTM Chợ 19/12… các TTTM được thiết kế chia thành 2 phần: Phần nổi là không gian cho TTTM và phần ngầm (tầng hầm) dùng để các tiểu thương kinh doanh các mặt hàng theo mô hình chợ.
Chợ Đồng Xuân với hơn 200 năm tồn tại đã trở thành nét văn hóa đặc trưng của Hà Nội. Ảnh: Doãn Thành

Chợ Đồng Xuân với hơn 200 năm tồn tại đã trở thành nét văn hóa đặc trưng của Hà Nội. Ảnh: Doãn Thành

Tuy nhiên, sau một thời gian hoạt động, đánh giá kết quả thực hiện, đến năm 2017 TP đã quyết định dừng các dự án TTTM kết hợp chợ, do mô hình không mang lại hiệu quả cho các tiểu thương và người dân buôn bán tại chợ.
Lý giải về lý do này, Phó Tổng Giám đốc Công ty CP Đồng Xuân Vũ Hà Thanh cho biết, trên 75% người dân Việt Nam có thói quen đi chợ truyền thống, chợ truyền thống của người Việt phần lớn đều giáp với mặt đường lớn, thậm chí các chợ cóc, chợ củi còn nằm ngay bên lề đường, người dân chỉ cần tạt xe vào là có thể mua bán được. Nên khi các TTTM được xây dựng kết hợp với mô hình chợ dưới tầng hầm, người dân có xu thế ngại gửi xe để đi bộ xuống hầm, chưa kể vấn đề việc gửi xe ở các TTTM cũng phức tạp, đôi khi phải đi lòng vòng, lạc đường… Vì thế khi các chợ được mở dưới tầng hầm của TTTM, người dân không còn mặn mà nữa, dẫn đến tình trạng hoạt động kinh doanh theo mô hình này không hiệu quả.
Đánh giá về việc thay đổi mô hình kinh doanh từ chợ truyền thống sang TTTM kết hợp chợ, ông Vũ Hà Thanh cho rằng, nếu tính về giá trị sử dụng, các TTTM có thể khai thác được nhiều hơn các chợ truyền thống, khi vừa có thể cho thuê văn phòng, buôn bán, một số TTTM còn khai thác thêm cả căn hộ chung cư. Ngoài ra, việc buôn bán tại các TTTM thì có thể dễ dàng quản lý được nguồn gốc hàng hóa.
“Nhưng trên thực tế, đối với Hà Nội việc bảo tồn và duy trì một số chợ truyền thống không chỉ có ý nghĩa về kinh tế mà còn có ý nghĩa to lớn về giá trị văn hóa, lịch sử. Nhiều đô thị lớn trên thế giới họ vẫn giữ các chợ truyền thống trong khu vực nội đô” – ông Vũ Hà Thanh nói.
Cùng quan điểm, KTS Trần Huy Ánh – Ủy viên Thường vụ Hội KTS Hà Nội cho biết, trong lịch sử phát triển của Thủ đô Hà Nội, chợ chính là nền tảng cho quá trình đô thị hóa, chợ truyền thống đóng một vai trò hết sức quan trọng trong lưu thông, trao đổi hàng hóa, phù hợp với nhu cầu phát triển qua các thời kỳ của người dân Thủ đô. Bởi vậy, có những tên chợ khi nhắc đến là người ta có thể nhận diện ngay ra đó là sản phẩm của Hà Nội.
“Du khách đến phố cổ muốn mua sắm, họ mặc định đi lên phố Đồng Xuân, thì bắt buộc chợ Đồng Xuân phải nằm ở đó và nó phải đúng là một cái “chợ”. Chính nét đặc trưng riêng của từng chợ đã thu hút sự tò mò, thích khám phá, tìm hiểu của du khách, nếu đến đó mà thấy một tòa nhà TTTM thì họ sẽ thất vọng và không có nhu cầu tìm hiểu, khám phá nữa, vì TTTM nào cũng na ná như nhau” – KTS Trần Huy Ánh nói.
Đa dạng loại hình kinh doanh
Sau gần 10 năm kinh doanh buôn bán tại chợ Đồng Xuân, chị Phạm Lệ Quyên chia sẻ, thời gian gần đây các kiot bán hàng phía mặt tiền phố Đồng Xuân đã được bố trí, sắp xếp lại, chủ yếu buôn bán các loại mặt hàng phục vụ khách du lịch. Thu nhập từ bán lẻ cũng tương đối ổn định, vì lượng khách du lịch đến chợ rất đông. Hiện nay, nhiều tiểu thương trong chợ đã quen với mô hình kinh doanh kết hợp khai thác thương mại từ khách du lịch.
Khảo sát thực tế tại chợ Đồng Xuân và một số chợ truyền thống tại khu vực nội của Hà Nội, đa phần các tiểu thương và người buôn bán nhỏ đã thay đổi mô hình kinh doanh để đáp ứng với nhu cầu thực tế. Ví như ở chợ Đồng Xuân, doanh thu bán hàng đạt trên 100 tỷ đồng/tháng, lượng hàng hóa thực phẩm các loại luân chuyển qua chợ từ 10 – 20 tấn/ngày, nhưng chợ đã được bố trí thành những khu vực riêng để có thể vừa kinh doanh, vừa khai thác hoạt động du lịch, khách du lịch có thăm quan kết hợp mua sắm, ăn uống tại chợ.
Đại diện Công ty CP Đồng Xuân (đơn vị quản lý chợ Đồng Xuân) cho biết, sự thay đổi rõ rệt nhất của chợ Đồng Xuân chính là cách thức tiếp cận khách hàng. Nếu trước đây, tiểu thương chợ Đồng Xuân không bán lẻ thì hiện nay, các quầy hàng bán lẻ đã được hình thành, phục vụ người dân và du khách từ sáng đến tối.
Các chợ truyền thống là nơi tập trung đại bộ phận người dân với mức giá cả hàng hóa hợp lý, phù hợp với nhiều đối tượng khách hàng từ bình dân đến những người có thu nhập khá.
Theo KTS Trần Huy Ánh, để có thể tồn tại được, các chợ truyền thống cần phải đa dạng hóa loại hình kinh doanh, dịch vụ. Trong khu vực nội đô, mô hình kinh doanh chợ truyền thống có lợi thế để duy trì nếu như kết hợp song song với hoạt động khai thác du lịch. Hiện nay, các chợ truyền thống vẫn được cải tạo, nâng cấp để đáp ứng với nhu cầu và đảm bảo an toàn cho người dân khi kinh doanh, mua sắm. “Việc cải tạo nâng cấp không làm mất đi “tính chợ” mà nó làm cho cơ sở vật chất được tốt hơn, phù hợp hơn để khai thác kinh doanh” – KTS Trần Huy Ánh nói.
Doãn Thành/Kinh tế Đô thị