Không để quy hoạch bị tùy tiện điều chỉnh
Tại phiên thảo luận về Dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung các luật có quy định liên quan đến quy hoạch của Quốc hội cuối tuần qua, các đại biểu Quốc hội vẫn còn nhiều ý kiến khác nhau về quy hoạch xây dựng tỉnh, quy hoạch đô thị và quy hoạch nông thôn…
Tuy nhiên, các đại biểu đều thống nhất nguyên tắc lấy Luật Quy hoạch làm luật gốc, tất cả các quy định về quy hoạch tại các luật khác phải sửa đổi, bổ sung cho phù hợp, tương thích với Luật Quy hoạch.
Nhiều ý kiến khác nhau
Theo đại biểu Phùng Văn Hùng (đoàn Cao Bằng), quy định tại Luật Quy hoạch thì quy hoạch đô thị, quy hoạch nông thôn thuộc hệ thống quy hoạch quốc gia. Theo phụ lục của Luật Quy hoạch thì quy hoạch xây dựng là quy hoạch kỹ thuật chuyên ngành.
Như vậy, việc vẫn giữ quy hoạch đô thị, quy hoạch nông thôn trong quy hoạch xây dựng như quy định tại Luật Xây dựng là trái với quy tắc thứ bậc mà Luật Quy hoạch đã quy định. Mặt khác, quy hoạch đô thị và nông thôn là 2 quy hoạch tích hợp đa ngành, đa lĩnh vực, nếu tiếp tục để trong quy hoạch chuyên ngành xây dựng là không phù hợp.
Ngoài ra, nhiều đại biểu vẫn còn có những ý kiến khác nhau về việc có nên giữ quy hoạch xây dựng tỉnh hay không?
Đại biểu Đỗ Ngọc Thịnh (Khánh Hòa) lại quan tâm đến việc công bố công khai quy hoạch. Điều 38 Luật Quy hoạch quy định, chậm nhất là 15 ngày kể từ ngày quy hoạch được cơ quan có thẩm quyền ra quyết định hoặc phê duyệt, toàn bộ hồ sơ quy hoạch phải được công bố công khai, trừ những nội dung có liên quan đến bí mật nhà nước. “Tuy nhiên, trên thực tế, người dân và các nhà đầu tư vì nhiều lý do thường gặp khó khăn trong việc tiếp cận quy hoạch”, đại biểu Thịnh nêu thực trạng.
Do đó, đại biểu này đề nghị, dự án luật lần này cần quy định chi tiết hơn về hình thức công bố quy hoạch, đặc biệt là quy hoạch cấp dưới như quy hoạch đô thị, nông thôn. Ngoài ra, cần trực tiếp quy định trường hợp nào không cần công bố quy hoạch để tránh việc cơ quan có thẩm quyền lấy lý do bí mật nhà nước từ chối công bố quy hoạch.
Liên quan đến vấn đề điều chỉnh cục bộ quy hoạch, có ý kiến cho rằng, nếu Dự thảo Luật chỉ quy định chung chung là “việc điều chỉnh là không ảnh hưởng lớn” sẽ dẫn đến sự tùy tiện, phá vỡ sự đồng bộ, tính ổn định của các quy hoạch vùng, tỉnh và quy hoạch cấp quốc gia.
Mặc dù còn nhiều ý kiến khác nhau về các nội dung cụ thể của Luật sửa đổi, bổ sung các luật có quy định liên quan đến quy hoạch nhưng các đại biểu Quốc hội và cơ quan soạn thảo, cơ quan thẩm tra đều thống nhất quan điểm chung là lấy quy định của Luật Quy hoạch làm gốc.
Đã bỏ 18 quy hoạch chuyên ngành
Giải trình thêm về một số nội dung của đại biểu Quốc hội nêu, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng cho biết, đối với quy hoạch có tính chất kỹ thuật và chuyên ngành, theo Phụ lục 2 của Luật Quy hoạch, chúng ta có danh mục sửa 38 quy hoạch có tính chất kỹ thuật và chuyên ngành được cụ thể hóa thành 63 quy hoạch chuyên ngành. Tuy nhiên, theo Dự thảo lần này, chúng ta chỉ còn 45 quy hoạch chuyên ngành (đã loại bỏ được 18 quy hoạch chuyên ngành).
Thẩm quyền phê duyệt các quy hoạch có tính chất chuyên ngành hiện vẫn không có sự thống nhất khi một số trường hợp vừa lập, vừa thẩm định, vừa phê duyệt quy hoạch…
Cơ quan soạn thảo sẽ phối hợp với cơ quan thẩm tra tiếp tục tiếp thu và hoàn thiện nội dung này tại Dự thảo Luật theo hướng, đối với các quy hoạch có tính chất kỹ thuật chuyên ngành liên quan các dự án quan trọng quốc gia thì sẽ do Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, các loại khác tùy quy hoạch cụ thể sẽ có quy định cho phù hợp nhưng phải bảo đảm nguyên tắc độc lập trong lập, thẩm định và phê duyệt quy hoạch.
Hiện cũng có sự chồng chéo và trùng lặp giữa các quy hoạch khu chức năng được lập theo quy định của các luật chuyên ngành và Luật Xây dựng. Thậm chí, có khu chức năng vừa lập theo luật chuyên ngành vừa theo Luật Xây dựng. Với vấn đề này, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng khẳng định nguyên tắc của cơ quan soạn thảo là sẽ rà soát để phân định rõ loại khu chức năng nào thì theo Luật Xây dựng, khu chức năng nào thì theo luật chuyên ngành để mạch lạc theo tinh thần của Luật Quy hoạch.
Về vấn đề điều chỉnh cục bộ quy hoạch, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng nhấn mạnh: “Việc điều chỉnh quy hoạch cục bộ là cần thiết nhưng phải quy định cụ thể, rõ ràng và chặt chẽ để đảm bảo không có sự tùy tiện điều chỉnh. Đây là vấn đề mấu chốt đối với việc lập mỗi quy hoạch. Việc để tùy tiện điều chỉnh cục bộ quy hoạch sẽ làm phá vỡ cả quy hoạch”.
Theo kế hoạch, cơ quan soạn thảo sẽ tiếp thu, thực hiện rà soát và hoàn thiện Dự thảo Luật để gửi các đại biểu Quốc hội tiếp tục cho ý kiến. Phiên thảo luận lần 2 của Dự thảo Luật dự kiến diễn ra vào ngày 9/11.
Trần Kiên/Báo Đấu thầu