Thách thức bảo tồn, phát triển phố cổ Hà Nội trong vòng xoáy hiện đại hóa đô thị
Ở Việt Nam, đặc biệt là Hà Nội, việc bảo tồn cảnh quan đô thị trong bối cảnh hiện đại không phải lần đầu được đề cập. Tuy nhiên, sau nhiều năm, các dự án, sáng kiến về phát triển, bảo tồn cảnh quan di sản, đô thị vẫn giậm chân tại chỗ.
Phân loại chi tiết để có phương thức bảo tồn thích hợp
Năm 2017, Tiến sĩ Saori Kashihara của trường Đại học Tokyo Nhật Bản chủ trì cùng nhóm nghiên cứu gồm có Tiến sĩ Lê Quỳnh Chi (Đại học Xây dựng); nghiên cứu sinh Phạm Tuấn Long; Giáo sư Aya Kubota (Đại học Tokyo); Giáo sư Zhang Song (Đại học Đồng Tế, Bắc Kinh, Trung Quốc; Phó Chủ tịch Hội Lịch sử quy hoạch thuộc Hội Quy hoạch đô thị Trung Quốc) thực hiện một cuộc khảo sát, nghiên cứu tại 3 tuyến phố Hàng Buồm, Hàng Đào và Lương Văn Can.
Phương pháp nghiên cứu là lập bản đồ khảo sát, tiến hành phỏng vấn thực địa với 350 phiếu khảo sát (với sự hỗ trợ của chính quyền địa phương, các tình nguyện viên và sinh viên trường Đại học Xây dựng). Kết quả khảo sát được phân tích bằng phần mềm máy tính và đối chiếu so sánh với tài liệu do Nhật Bản đã thực hiện năm 2005 và tư liệu của kho lưu trữ tư liệu Đông Dương (lưu trữ tại Pháp).
Nghiên cứu này đã chỉ ra các vấn đề như: Phát triển thương mại toàn cầu, thương mại điện tử đang dần thay đổi giao tiếp giữa người với người dịch vụ, hàng hóa sang con người với thông tin/hàng hóa… biến đổi phương thức giao dịch lẫn kiến trúc cảnh quan khu phố. Trong tiến trình hiện đại hóa, các khu phố lịch sử đang chịu sức ép từ các phương tiện giao thông, hạ tầng đô thị… Mỗi thành phố phải tìm ra những giá trị cảnh quan đặc trưng để có biện pháp phù hợp.
Cùng với đó, quá trình đô thị hóa diễn ra mạnh mẽ tại các thành phố châu Á, tạo nên một khung cảnh khác hẳn với không gian kiến trúc cảnh quan truyền thống và không có một nền kinh tế nào có thể đảm bảo tài chính cho sự bảo tồn toàn vẹn… Do vậy cần phân loại chi tiết hơn các đối tượng bảo tồn để có phương thức ứng xử thích hợp.
Tháng 11/2011, lần đầu tiên sau 35 năm, UNESCO đưa ra khuyến nghị mới về nhìn nhận môi trường lịch sử, cụ thể là khái niệm mới “Cảnh quan đô thị lịch sử”. Khái niệm cung cấp công cụ bổ sung để ứng xử với môi trường xây dựng trong bối cảnh phát triển đô thị, nhưng vẫn tôn trọng các giá trị kế thừa được tạo dựng trong bối cảnh khác biệt về văn hóa.
Di sản Hà Nội trong vòng xoáy đô thị
Kiến trúc sư Trần Huy Ánh phân tích, có một điều tạm gọi may mắn là Hà Nội – một thành phố có tốc độ đô thị hóa chậm hơn nhiều so với một số nước châu Á. Chính vì thế, các giá trị về cảnh quan, văn hóa, lịch sử vẫn còn giữ được khá nhiều. Tuy nhiên, không nên và không thể “bảo tàng hóa” cả thành phố. Không gian phố phường cho dù có nhiều di tích, di sản thì vẫn có các sinh hoạt đô thị diễn ra hàng ngày, hàng giờ. Và ngay cả trong các công trình di sản, vẫn có các hoạt động của cư dân sinh sống trong đó. Trong một thực thể sinh động như vậy, người quản lý phải thống kê, phân loại từng loại đối tượng để bảo tồn và khai thác phù hợp.
Năm 1993, Viện Quy hoạch Đô thị – Nông thôn Bộ Xây dựng lập “Quy hoạch bảo tồn, tôn tạo và phát triển”, TP Hà Nội ban hành “Quy định quản lý xây dựng và bảo tồn khu Phố cổ Hà Nội. Đây được xem như những văn bản pháp lý đầu tiên về bảo tồn khu phố cổ. Từ đó cho tới nay, đã có rất nhiều dự án được triển khai tại đây. Giai đoạn 1998 đến 2007 là thời kỳ có nhiều nghiên cứu khoa học, đề xuất các giải pháp quan trọng, là tiền đề cho bảo tồn khu phố cổ Hà Nội trong các giai đoạn tiếp theo như: Dự án do Liên minh châu Âu hỗ trợ nghiên cứu và tổ chức Hội thảo Quốc tế “Tôn tạo Phố cổ ở châu Á- châu Âu: Trao đổi kinh nghiệm về lĩnh vực bảo tồn và nâng cao giá trị di sản” đã ra Tuyên bố chung Hà Nội về bảo tồn phố cổ 2005. Dự án thí điểm “Bảo tồn và phát triển bền vững khu phố cổ Hà Nội” do Nhật Bản tài trợ, chỉnh trang mái hiên, mái che, mái vẩy gắn sự tham gia của cộng đồng phố Hàng Buồm.
Tiếp đến, trong giai đoạn 2008-2015 có hàng chục di tích đã được giải phóng mặt bằng, được trùng tu như đền Bạch Mã; đình Nam Hương; đình Yên Thái; chùa Lý Quốc Sư; chùa Bà Đá; đền Quan Đế; đình Kim Ngân…; hàng trăm ngôi nhà được chỉnh trang trên tuyến phố Tạ Hiện, Lãn Ông… Nhiều không gian kiến trúc cảnh quan của khu phố cổ cũng được đẩy mạnh hoạt động văn hóa, dịch vụ, thương mại du lịch. Năm 2004, mở phố đi bộ Hàng Đào – Đồng Xuân, năm 2014 mở rộng sang Hàng Buồm, Mã Mây, Tạ Hiện, Hàng Giầy, Lương Ngọc Quyến, Đào Duy Từ. Năm 2016 mở phố đi bộ quanh Hồ Gươm và phụ cận …
Bên cạnh những dự án đầu tư tôn tạo cơ sở vật chất, Ban Quản lý phố cổ cũng đã hợp tác với cộng đồng dân cư và các đối tác để củng cố, phát triển văn hóa đô thị trong khu phố đặc trưng của Hà Nội với hàng loạt đề án “Nghiên cứu, tổ chức lễ hội truyền thống trong khu phố cổ và khu vực hồ Hoàn Kiếm”, trong đó bảo tồn 14 lễ hội.
Trao đổi cùng phóng viên, ông Phạm Tuấn Long, Phó Chủ tịch UBND quận Hoàn Kiếm (Hà Nội) cho biết, trong nhiều năm qua, có rất nhiều cá nhân, tổ chức trong và ngoài nước chọn phố cổ Hà Nội làm đối tượng nghiên cứu về bảo tồn cũng như cảnh quan đô thị lịch sử. Điều này cũng là tất yếu, bởi lẽ đây là một trong số ít thành phố ở châu Á còn lưu giữ khá nguyên vẹn cả hai loại hình di sản vật thể và phi vật thể. Và thời gian qua, Hà Nội cũng đã tận dụng tối đa các công trình nghiên cứu, các ý tưởng khả thi… để áp dụng vào thực tế.
Ngoài việc đầu tư xây dựng những dự án mang lợi ích cho cộng đồng thì UBND quận Hoàn Kiếm đặc biệt chú trọng đầu tư xây dựng các giá trị văn hóa. Ví dụ như không gian bích họa phố Phùng Hưng năm 2017 là dự án rất thành công và gây được dư luận xã hội tốt thời gian qua. Có thể nói, giá trị đầu tư không lớn, nhưng đã khiến cho góc phố Phùng Hưng nhếch nhác thuở nào trở thành một góc phố văn hóa, nghệ thuật. Ông Phạm Tuấn Long cho biết thêm, từ nay đến cuối năm 2018. UBND TP Hà Nội, UBND quận Hoàn Kiếm sẽ tiếp tục tiến hành thử nghiệm việc đục thông vòm cầu cạn Phùng Hưng. Với không gian tạo ra từ các vòm cầu được đục thông, kết hợp cùng các đoạn phố xung quanh, thành phố hi vọng sẽ có thêm diện tích được sử dụng làm không gian công cộng cho các hoạt động như phố đi bộ, tổ chức sự kiện văn hóa …
Đối với khu phố cổ, trong thời gian tới, bảo tồn vẫn là nhiệm vụ trước tiên trong các hoạt động quản lý đô thị, bên cạnh đó chú trọng đến các vấn đề như vệ sinh môi trường, an ninh trật tự, chỉnh trang, thêm diện tích cây xanh.
Bài học và kinh nghiệm
“Đã có một thời kỳ, Trung Quốc thiết lập chính sách cải cách mở cửa, tập trung vào xây dựng kinh tế (khoảng năm 1978), dẫn tới làn sóng phá hoại mang diện mạo kiến tạo. Hàng loạt công trình kiến trúc cổ, di sản văn hóa, cũng như môi trường cảnh quan đã bị ảnh hưởng nặng. May mắn là không lâu sau đó, khoảng những năm 1980, vấn đề này đã được các bậc tiền bối ngành Lịch sử – Địa lý – Quy hoạch đô thị – Bảo tồn di tích văn hóa nhìn nhận lại. Thế nhưng, thực trạng mất kiểm soát tập trung chủ yếu ở các thành phố trực thuộc tỉnh. Cơn lốc phá hủy đã thay đổi khi Hội đồng Nhà nước công bố danh sách “Thành phố lịch sử”.
Giáo sư Zhang Song (Trường ĐH Đồng Tế, Bắc Kinh; Phó Chủ tịch Hội Lịch sử quy hoạch thuộc Hội Quy hoạch đô thị Trung Quốc)
“Giai đoạn đầu thế kỷ XX cũng là thời điểm công nghiệp hóa bắt đầu tại Tokyo nói riêng và Nhật Bản nói chung. Diện mạo Tokyo nhanh chóng thay đổi với những kế hoạch khổng lồ nhằm hiện đại hóa đô thị. Một trong số đó là hệ thống đường sắt đầy tham vọng, khiến người dân đổ tới đây sinh sống ngày càng nhiều. Hậu quả của sự gia tăng đột biến về dân số đã dẫn tới đô thị phát triển không kiểm soát… Để giải quyết các vấn đề tồn tại đầy thách thức trong quá trình phát triển đô thị, Nhật Bản đã đi từ quy hoạch để khôi phục cảnh quan Tokyo dựa trên yếu tố mặt nước và các hành lang xanh”.
Giáo sư Aya Kubota (Trường Đại học Tokyo, Nhật Bản)
Vân Quế/An ninh Thủ đô