24/10/2018

Cần có công cụ quản lý các công trình kiến trúc phù hợp với thuần phong, mỹ tục

Nhiều ý kiến đại biểu Quốc hội đề nghị dự thảo Luật Kiến trúc cần quy định về chính sách cơ bản của Kiến trúc, là công cụ quản lý cần thiết, nhằm khắc phục tình trạng nhiều công trình có kiến trúc phản cảm, chưa phù hợp với thuần phong, mỹ tục Việt Nam.

Sáng 24/10, tiếp tục Chương trình kỳ họp thứ 6, Quốc hội nghe Bộ trưởng Bộ Xây dựng Phạm Hồng Hà, thừa ủy quyền của Thủ tướng Chính phủ trình bày Tờ trình về dự án Luật Kiến trúc. Theo đó, Dự thảo Luật Kiến trúc được bố cục thành 4 Chương, tổng cộng 37 Điều, quy định về Phạm vi điều chỉnh; Đối tượng áp dụng; Giải thích từ ngữ; Nguyên tắc hoạt động kiến trúc; Những hành vi bị cấm.

Bộ trưởng Bộ Xây dựng Phạm Hồng Hà, thừa ủy quyền của Thủ tướng Chính phủ trình bày Tờ trình về dự án Luật Kiến trúc. (Ảnh: TTXVN)

Bộ trưởng Bộ Xây dựng Phạm Hồng Hà, thừa ủy quyền của Thủ tướng Chính phủ
trình bày Tờ trình về dự án Luật Kiến trúc. (Ảnh: TTXVN)

Thẩm tra dự án Luật Kiến trúc, Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường (KH,CN&MT) của Quốc hội Phan Xuân Dũng cho biết, nhiều ý kiến thống nhất với dự thảo Luật là cần có quy định về chính sách cơ bản của Kiến trúc, là công cụ quản lý cần thiết, nhằm khắc phục tình trạng không ít công trình có kiến trúc phản cảm, chưa phù hợp với thuần phong, mỹ tục Việt Nam.

Đồng thời, ngoài các quy định như trong dự thảo Luật thì cần bổ sung thêm các quy định mang nội hàm phát triển như chính sách, định hướng phát triển đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ kiến trúc sư; tuyên truyền, phổ biến, nâng cao nhận thức về kiến trúc… Các quy định về phát triển kiến trúc sẽ là cơ sở pháp lý để khuyến khích, thúc đẩy hoạt động đổi mới sáng tạo của các kiến trúc sư, tạo tiền đề phát triển nền kiến trúc nước nhà. Các quy định này có thể bố cục, sắp xếp theo hướng tách riêng hoặc lồng ghép trong dự thảo Luật sao cho phù hợp.

Bên cạnh đó, đa số ý kiến cơ bản nhất trí với các quy định yêu cầu chung quản lý kiến trúc và yêu cầu kiến trúc đối với đô thị, nông thôn, khu phố cổ. Có ý kiến đề nghị, nếu phân loại theo đặc điểm kinh tế – văn hóa – xã hội thì ngoài các đối tượng là đô thị và nông thôn thì trên thực tế còn có các đối tượng khác cũng cần được rà soát, quản lý kiến trúc.

Về thi tuyển, tuyển chọn phương án thiết kế kiến trúc, Chủ nhiệm Phan Xuân Dũng cho hay, nhiều ý kiến tán thành sự cần thiết quy định về thi tuyển, tuyển chọn phương án thiết kế kiến trúc như trong dự thảo Luật nhằm chọn được phương án thiết kế tối ưu, đáp ứng yêu cầu đặt ra đối với kiến trúc công trình xây dựng. Hoạt động thi tuyển, tuyển chọn phương án thiết kế kiến trúc góp phần phát huy tài năng sáng tạo của giới chuyên môn, đồng thời phải hạn chế hiện tượng tiêu cực, tạo dựng môi trường hành nghề lành mạnh, công bằng, bình đẳng, phù hợp thông lệ quốc tế.

Do đó, Ủy ban KH,CN&MT đề nghị Ban soạn thảo nghiên cứu quy định về thi tuyển, tuyển chọn phương án thiết kế kiến trúc cần đáp ứng một số yêu cầu cơ bản như: Công khai, minh bạch, khách quan; linh hoạt, mềm dẻo, tạo thuận lợi cho môi trường đầu tư, kinh doanh, sáng tạo nghệ thuật; đồng bộ, thống nhất, khả thi, phù hợp thông lệ quốc tế.

Về Hội đồng Kiến trúc Quốc gia, đa số ý kiến đồng ý với sự cần thiết quy định về Hội đồng Kiến trúc Quốc gia vì cho rằng đây là một trong những công cụ cần thiết cho quản lý, phát triển kiến trúc nhằm phát huy khả năng chuyên môn của các chuyên gia đối với hoạt động có tính đặc thù cao và tác động xã hội lớn; đồng thời còn đóng vai trò phản biện về chuyên môn đối với các ý kiến của cơ quan quản lý hoặc chủ đầu tư. Thực tế ở nhiều địa phương hiện nay Hội đồng Quy hoạch – Kiến trúc vẫn đang hoạt động hiệu quả. Vì thế, đề nghị Ban soạn thảo nghiên cứu, quy định cụ thể hơn trách nhiệm của Hội đồng; quy định linh hoạt hơn về thành viên và mở rộng hơn nhiệm vụ của Hội đồng./.

Mỹ Anh/Báo điện tử Đảng Cộng Sản Việt Nam