19/10/2018

Hà Nội: Sẽ tiếp tục triển khai nhiều dự án nhà ở xã hội

Chương trình phát triển nhà ở xã hội dành cho công nhân khu công nghiệp: đã hoàn thành 100 dự án, quy mô khoảng 41.000 căn hộ, tổng diện tích sàn xây dựng khoảng 2.050.000m2. Tuy nhiên, các dự án đã hoàn thành chỉ đáp ứng một phần nào đó cho những người có nhu cầu nhà ở xã hội.

Thiếu nguồn cung nhà ở xã hội

Theo mục tiêu Chiến lược phát triển nhà ở Quốc gia năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030 của Chính phủ; kế hoạch phát triển nhà ở thành phố Hà Nội giai đoạn 2016-2020, cả nước cần chỗ ở cho 3 triệu công nhân, người có thu nhập thấp và người có công với cách mạng. Riêng Hà Nội cần chỗ ở cho khoảng gần 1 triệu người.

images2240623_Khu_do_thi_Dang_Xa

Kể từ khi gói 30.000 tỷ đồng kết thúc, cũng là thời điểm cả nước nói chung và Hà Nội nói riêng triển khai rất chậm các dự án nhà ở xã hội, thậm chí có một số dự án đang triển khai đã phải dừng lại vì thiếu vốn.

Trên địa bàn Hà Nội có 9 dự án đang thực hiện bán nhà, cho thuê nhà ở, 25 dự án đang và sắp triển khai, dự kiến hoàn thành trong giai đoạn 2018-2020. Các dự án này nằm trên địa bàn các quận, huyện: Thanh Xuân, Hoàng Mai, Hà Đông, Nam Từ Liêm, Long Biên, Gia Lâm, Thanh Trì, Đông Anh, Mê Linh, Hoài Đức…

Tuy nhiên, 9 dự án bán nhà, cho thuê nhà ở xã hội như thế vẫn không đáp ứng đủ cho nhu cầu của người thu nhập thấp ở Thủ đô.

Chị Nguyễn Thị Tâm, một viên chức của một Sở ở Hà Nội, công tác đã gần 10 năm, thu nhập 6 triệu đồng/tháng nhưng vẫn chưa được mua nhà ở xã hội. Theo chị, lý do là hầu như các dự án mở bán đều đã hết sạch, không đủ nguồn cung.

Nhiều công nhân tại các khu công nghiệp hàng ngày vẫn phải thuê nhà trọ cho gia đình ở với điều kiện chật chội, không an toàn.

Ông Nguyễn Văn Đính, Phó Chủ tịch Hội môi giới Bất động sản Việt Nam, cho rằng việc đầu tư nhà ở nhà ở xã hội không phải lựa chọn của nhiều doanh nghiệp, bởi lợi nhuận không bằng việc đầu tư thực hiện nhà ở thương mại.

“Hiện nay, nhà ở xã hội được ưu đãi thuế đất, nhưng bị khống chế về giá, khống chế lợi nhuận, nhưng giá vật liệu xây dựng, nhân công… không giảm nên nhiều doanh nghiệp không mặn mà”, ông Nguyễn Văn Đính chia sẻ.

Bổ sung nguồn cung nhà ở xã hội

Một trong những dự án được người dân quan tâm là dự án nhà ở xã hội Kiến Hưng – Hà Đông, xây dựng trên lô đất CT01 – khu đất đấu giá tái định cư. Dự án là tòa chung cư cao 19 tầng và 1 tầng hầm với 432 căn hộ. Các tiện ích đi kèm gồm khu vui chơi trẻ em ngoài trời, sân tập thể dục, sân bóng rổ, đường dạo bộ, khu thư giãn ngoài trời, cây xanh, ghế đá…

Tổ hợp nhà ở xã hội và dịch vụ thương mại AZ Thăng Long nằm tại thôn Lai Xá, xã Kim Chung, huyện Hoài Đức, được thiết kế với quy mô dân số khoảng 3.000 người với gần 1.500 căn hộ. Các căn hộ có diện tích 44m2; 50m2; 56,8m2; 65m2 đến 70m2. Giá bán hơn 14 triệu đồng/m2. Giá cho thuê 1m2 sàn căn hộ dự kiến là 61.081 đồng/m2/tháng (chưa bao gồm VAT).

Một dự án mới vừa được khởi công do liên danh Chủ đầu tư là Tổng công ty Handico và Tổng công ty Viglacera đã hợp tác, triển khai đầu tư xây dựng nhà ở xã hội tại ô đất CT3, CT4 thuộc khu đô thị mới Kim Chung, xã Kim Chung, huyện Đông Anh, nhằm sớm tạo lập thêm quỹ nhà ở cho các đối tượng chính sách xã hội, người có thu nhập thấp và người nghèo gặp khó khăn về nhà ở trên địa bàn thành phố.

Dự án có diện tích gần 3,7ha, bao gồm 04 đơn nguyên trên ô đất CT3, CT4, cao 9-12 tầng, dự kiến hoàn thành năm 2020 với 1.588 căn hộ, sẽ đáp ứng chỗ ở cho trên 5.330 người. Tổng mức đầu tư của dự án khoảng 1.300 tỷ đồng.

Mức giá dự kiến mà chủ đầu tư đưa ra khoảng 13 triệu đồng/m2 và giá cho thuê khoảng 50.000 đồng/m2/tháng (chưa bao gồm thuế giá trị gia tăng). Như vậy, nhà 40 m2 sẽ có giá thuê khoảng 2 triệu đồng/tháng.

Theo lãnh đạo Tp. Hà Nội, Tổng công ty Đầu tư và Phát triển nhà Hà Nội (Handico) và Tổng công ty Viglacera là một trong những đơn vị tiên phong, chủ lực của thành phố trong việc phát triển quỹ nhà ở xã hội, nhà thu nhập thấp, nhà tái định cư như: nhà ở cho người thu nhập thấp tại Cầu Diễn, quận Bắc Từ Liêm và quỹ đất 20% khu đô thị Sài Đồng, quận Long Biên; dự án nhà ở xã hội tại khu đô thị Đặng Xá (Gia Lâm, Hà Nội); dự án khu nhà ở thu nhập thấp ở Tây Mỗ, Đại Mỗ (Từ Liêm, Hà Nội)…

Điều đáng hoan nghênh là trong khi nguồn vốn hỗ trợ cho các doanh nghiệp xây dựng nhà ở xã hội chưa được phân bổ, các doanh nghiệp này đã chủ động thực hiện từ nguồn vốn tự có của doanh nghiệp.

Trong khoảng hai năm tới, quỹ nhà ở xã hội của thành phố cơ bản sẽ giải quyết được một phần lớn nhu cầu nhà ở cho người có thu nhập thấp và đáp ứng phần nào về an sinh xã hội.

Khánh An/VnMedia