Bất động sản TPHCM: “Khát” nhà ở xã hội
TPHCM vừa công bố triển khai 41 dự án nhà ở xã hội để đáp ứng nhu cầu của người dân, nhưng số lượng dự án này dường như còn quá thấp so với nhu cầu.
Nhu cầu lớn
Ông Nguyễn Văn Danh, Phó giám đốc Sở Xây dựng TPHCM cho biết, theo khảo sát của Sở Xây dựng, nhu cầu mua, thuê, thuê mua nhà ở xã hội trên địa bàn Thành phố giai đoạn 2016 – 2018 là 80.000 hộ. Đến nay, Thành phố đang triển khai đầu tư 39 dự án với tổng diện tích 137,3 ha, quy mô gần 44.900 căn hộ; phấn đấu đến cuối năm nay hoàn thành khoảng 20.000 căn nhà ở xã hội. Như vậy, nhu cầu về nhà ở xã hội là rất lớn so với khả năng đáp ứng.
Rất nhiều người lao động mong mỏi có một căn nhà ở xã hội mà bao năm chưa thực hiện được. Anh Trần Văn Sơn (quận Thủ Đức) cho biết, anh lấy vợ đã 14 năm, hiện có 2 con. Lương 2 vợ chồng mỗi tháng khoảng 20 triệu đồng, trừ tiền thuê nhà, tiền cho con đi học, sinh hoạt trong gia đình, nên cố gắng lắm mới tiết kiệm được khoảng 6-7 triệu đồng/tháng.
“Chúng tôi dự tính mua nhà để ở, nhưng mấy tháng trời vẫn chưa tìm được dự án nào phù hợp túi tiền, bởi dự án chung cư có giá thấp nhất cũng ở mức 1,5 tỷ đồng/căn hộ khoảng 60 m2. Số tiền tiết kiệm của vợ chồng tôi chỉ có thể mua nhà ở xã hội. Từ đầu năm tới nay, cứ nghe đâu có dự án nhà xã hội là chúng tôi đi hỏi mua, nhưng mãi chả thấy”, anh Sơn nói.
Mới đây, Sở Xây dựng TPHCM đã công bố 41 dự án nhà ở xã hội (trong đó có 40 dự án có vốn ngoài ngân sách và 1 dự án thuộc ngân sách nhà nước) trên trang thông tin điện tử của Sở với đầy đủ thông tin liên quan đến chủ đầu tư, địa điểm, quy mô, pháp lý, tiến độ thực hiện.
“Từ thông tin công bố cụ thể này, các đối tượng được hưởng chính sách nhà ở xã hội có thể liên hệ trực tiếp với các chủ đầu tư để đăng ký mua, thuê, thuê mua nhà ở xã hội theo quy định”, ông Danh nói.
Vướng mắc
Mặc dù chủ trương về phát triển nhà ở xã hội thời gian qua của các ban, ngành khá quyết liệt, tuy nhiên, việc triển khai đang bị ách tắc do còn nhiều vướng mắc.
Vướng mắc căn bản, đó là giá nhà ở xã hội vẫn ngoài tầm với của nhiều người. Những dự án nhà cho người thu nhập thấp có giá phổ biến khoảng 13-15 triệu đồng/m2, như vậy, một căn hộ 50 m2 có giá cỡ 700 triệu đồng. Với rất nhiều người dân, số tiền này không nhỏ chút nào, nhất là khi gói vay ưu đãi 30.000 tỷ đồng chấm dứt, việc tiếp cận nhà thu nhập thấp trở nên xa vời hơn.
Đứng ở góc độ chủ đầu tư, ông Phạm Thanh Điền, Giám đốc kinh doanh Công ty Thanh Điền Land cho rằng, để phát triển các dự án căn hộ giá rẻ, nhà ở xã hội, chủ đầu tư phải tối ưu hóa mọi chi phí đầu vào, từ quỹ đất, chi phí lãi vay, xây dựng… Đối với việc phát triển dòng căn hộ bình dân, chi phí phần đất hiện chiếm tỷ trọng khá lớn, nếu vượt quá 20% thì khó có thể thu lời.
Bên cạnh đó, các vấn đề quỹ đất, chi phí đầu tư, chỉ tiêu diện tích tối thiểu, mật độ dân số khiến chi phí phát triển dự án ngày càng gia tăng. “Không giải quyết các vấn đề trên, sự khan hiếm nhà giá rẻ và nhà ở xã hội sẽ tiếp diễn”, ông Điền nhấn mạnh.
Theo ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản TPHCM (HoREA), phân khúc nhà ở xã hội đang có nhu cầu rất cao, nhưng do quỹ đất ngày càng hạn hẹp, giá đất tăng cao, tiền sử dụng đất, chi phí lãi vay đều tăng, thủ tục xây dựng lại kéo dài khiến các chủ đầu tư ngại làm nhà ở xã hội.
“Biên lợi nhuận của phân khúc này hiện rất thấp, dao động từ 8 – 12%, trong khi phân khúc cao cấp có thể từ 30 – 40%”, ông Châu nói.
Ông Châu cũng cho biết, HoREA vừa gửi đề xuất cơ chế, chính sách phát triển nhà ở xã hội, nhà ở thương mại giá thấp phù hợp với điều kiện thực tiễn của TPHCM tới Thủ tướng Chính phủ và Thành ủy TPHCM.
Để khuyến khích làm nhà ở giá rẻ, nhà ở xã hội tại TPHCM, HoREA đề xuất Bộ Xây dựng sớm ban hành quy chuẩn xây dựng căn hộ thương mại có diện tích dưới 45 m2 với tỷ lệ khoảng 25-30%. Cần có cơ chế quản lý, kiểm soát chặt chẽ để đảm bảo chất lượng và các tiện ích dự án.
Ngoài các cơ chế, chính sách khuyến khích bằng vốn vay, HoREA đề xuất cần phải tạo quỹ đất để phát triển nhà ở xã hội, trước hết là sử dụng hợp lý và hiệu quả quỹ đất công của Thành phố.n
Theo Ngân hàng Thế giới, hơn 40% hộ gia đình tại Việt Nam có thu nhập dưới 10 triệu đồng/tháng. Với mức thu nhập này, họ không đủ khả năng để mua nhà thương mại. Chính vì vậy, nhà giá rẻ cho người thu nhập thấp luôn là phân khúc được quan tâm.