Nhà hát 1.508 tỷ gây tranh cãi chuyện ‘vì dân’
Thông tin TPHCM chuẩn bị xây dựng nhà hát Giao hưởng trị giá 1.508 tỷ đồng đang gây tranh cãi kịch liệt trên mạng xã hội.
Hôm qua, HĐND TPHCM khoá IX khai mạc kỳ họp thứ 10 (bất thường) để thông qua nhiều vấn đề quan trọng, trong đó có chủ trương đầu tư dự án công nhóm A với công trình Nhà hát Giao hưởng Nhạc Vũ kịch.
Theo Chủ tịch HĐND TPHCM Nguyễn Thị Quyết Tâm, các đề án trong kỳ họp này, đặc biệt là dự án nhà hát, rất quan trọng cho sự phát triển, nâng cao đời sống người dân thành phố. Bà khẳng định đây là dự án có tầm vóc thế kỷ, được người dân thành phố chờ đợi từ lâu nên đề nghị các đại biểu cân nhắc.
Ông Lê Thanh Liêm, Phó chủ tịch UBND TPHCM cho biết, dự án với kinh phí dự kiến 1.508 tỷ đồng lấy từ nguồn thu bán đấu giá khu đất 23 Lê Duẩn (quận 1), triển khai tại Khu đô thị mới Thủ Thiêm (quận 2). Nhà hát có quy mô 1.700 chỗ, gồm hai khán phòng lớn và nhỏ. Thời gian thực hiện trong giai đoạn 2018-2022, chủ đầu tư là Ban Quản lý đầu tư xây dựng công trình thuộc Sở Văn hóa – Thể thao.
Thông tin về nhà hát 1.508 tỷ đồng này thực sự đã gây nên một “cơn bão” tranh luận trên mạng xã hội. Người phản đối, người ủng hộ, ai cũng có những lý lẽ riêng của mình.
Có lẽ một công trình dân sinh trị giá 1.508 tỷ đồng không phải là một điều gì quá to tát, so với dự án giao thông hay một công trình chống ngập nước trị giá 10.000 tỷ đồng của TP trong giai đoạn gần đây, dự án nhà hát này thì thuộc hàng “tôm tép”. Nhưng điều khiến nhiều dân tranh cãi có lẽ vì lý do xây nhà hát, liệu đây có phải là một nhà hát “được người dân thành phố chờ đợi từ lâu” nên buộc phải xây ngay để đáp ứng lòng mong chờ của họ?
Rất nhiều ý kiến cho biết, họ không mong chờ nhà hát này bằng việc có thêm trường học, bệnh viện. Nhiều trường công đã từ chối nhận trẻ đến trường vì quá tải. Bệnh viện Nhi đồng vào mùa dịch bệnh, các bệnh nhi phải nằm chồng lên nhau để chữa bệnh.
Người dân còn mong chờ TP giải quyết nạn tắc đường, ngập lụt mỗi khi mưa to hay triều cường, mong chờ một bầu không khí bớt ô nhiễm, đường sá không còn ổ voi, ổ trâu gây tai nạn…
Rõ ràng trong những yếu tố giải quyết nhu cầu dân sinh tối thiểu như trường học, bệnh viện, giao thông… thì cái nhà hát 1.508 tỷ đồng để nghe nhạc giao hưởng đang bị xếp xuống hàng thứ yếu. Người ta không thể thanh thản đi nghe nhạc giao hưởng nếu như trẻ em còn thất học, không có nơi chữa bệnh, khi còn phải quay quắt lo chuyện cơm áo hàng ngày.
Ai có thể súng sính quần là áo lượt đi nghe nhạc giao hưởng nếu phải lội trong những con đường ngập nước, hay phải chui dưới gầm giường để khám chữa bệnh? Nếu thực sự là đáp ứng điều mong chờ của người dân, hãy nghĩ đến những trường học, bệnh viện, hệ thống giao thông quá tải. Khi giải quyết được những điều đó, người dân mới có tâm trạng và cảm hứng đi nghe nhạc giao hưởng trong những nhà hát tráng lệ nguy nga.
“Nghệ thuật cần cho cuộc sống, nếu không xây nhà hát giao hưởng thì mãi mãi người dân thành phố sẽ không được thụ hưởng âm nhạc, chúng ta phải tính đến đời sống tinh thần bên cạnh nỗi lo cơm áo gạo tiền”- đó là những ý kiến thuộc phe “ủng hộ xây nhà hát nhạc giao hưởng”.
Tất nhiên, bên cạnh đời sống vật chất, chúng ta cũng phải lo đến đời sống tinh thần cho người dân. Nhưng vấn đề là ở thời điểm này, có thực sự người dân khao khát mong chờ Nhà hát nhạc Giao hưởng hay chưa hay dự án này về độ bức thiết, còn phải xếp sau nhiều dự án khác về dân sinh? Đó là điều mà UBND TPHCM cần cân nhắc kỹ.
Có rất nhiều nhà hát không sáng đèn, có rất nhiều công trình xây lên chỉ để giải quyết những toan tính kiếm lợi cá nhân, còn công năng của nó thế nào, tiện ích sử dụng ra sao thì không ai tính đến. Đó chính là điều khiến nhiều người dân nghi ngại mỗi khi có một dự án mới được khởi động.
TPHCM cần có một nhà hát nhạc giao hưởng cho xứng tầm với thành phố, nhưng chưa phải lúc này. Hãy thực sự lắng nghe người dân đang cần gì. Hãy nhìn vào các trường học, bệnh viện, đường sá giao thông là sẽ biết nhu cầu mà người dân đang “khao khát mong chờ” là gì.
Mi An/Báo Đất Việt