Đầu tháng 9, sự kiện thông xe tuyến cao tốc Hạ Long – Hải Phòng đã bổ sung một hạ tầng hiện đại, góp phần kết nối Hạ Long nói riêng và Quảng Ninh nói chung với các tỉnh, thành khác. Thông qua cao tốc này, việc di chuyển từ Hạ Long đi Hà Nội còn 130km và Hạ Long đi Hải Phòng chỉ còn 25km.
Dự kiến, cuối năm nay, cảng tàu khách Quốc tế Hòn Gai sẽ đi vào hoạt động đón mùa du lịch mới. Với vốn đầu tư hơn 1.000 tỷ đồng, cảng tàu này có thể đón nhận hàng nghìn tàu với cả trăm nghìn lượt khách đến Hạ Long mỗi năm. Đây sẽ là cảng tiếp nhận tàu khách du lịch Bắc – Nam, tàu khách quốc tế có trọng tải lớn.
Trong tháng 12 tới, cảng hàng không quốc tế Vân Đồn sẽ đi vào vận hành. Khởi công từ năm 2015, đây là một trong những dự án sân bay đầu tiên đầu tư theo hình thức BOT (xây dựng – kinh doanh – chuyển giao). Khi bắt đầu khai thác, cảng sẽ có 9 chuyến bay với khả năng đón tiếp khoảng 7.000 lượt khách mỗi ngày. Riêng ngày cao điểm có thể lên đến 1.250 hành khách.
Việc hoàn thành các công trình giao thông trọng điểm cùng với chính sách bán hàng nhiều ưu đãi từ các chủ đầu tư và đại lý phân phối đã giúp thị trường bất động sản Hạ Long diễn biến tích cực. Nhiều dự án có mức giá bán ban đầu là 5-10 triệu đồng mỗi m2, nhưng đang giao dịch trên sàn thứ cấp giữa các nhà đầu tư lên đến con số 15-22 triệu đồng.
Theo các công ty nghiên cứu thị trường, quá trình hoàn thiện hạ tầng giao thông kết nối chính là một trong những động lực quan trọng nhất kéo theo đà tăng của giá bất động sản. Chẳng hạn tại Thái Lan, thống kê của CBRE cho thấy, giá đất tại trung tâm Bangkok đã tăng 1.000% kể từ năm 1988. Nguyên nhân của đà tăng này theo hãng nghiên cứu đến từ sự phát triển nhanh chóng về hạ tầng giao thông Bangkok.
Tại Việt Nam, ở các đô thị trung tâm như TPHCM, Đà Nẵng, giá đất cũng chứng kiến đà tăng theo tiến độ hoàn thành các công trình giao thông lớn như cao tốc Long Thành – Dầu Giây – TPHCM, cao tốc Đà Nẵng – Quảng Ngãi…