‘Đồng phục’ trụ sở cấp xã sẽ gây lãng phí, mất bản sắc vùng miền
Nhiều kiến trúc sư cho rằng trụ sở chính quyền xã cần gần gũi với người dân, mang bản sắc văn hóa và phù hợp với cảnh quan xung quanh.
Trước đề xuất khoác “đồng phục” cho gần 500 trụ sở xã, phường, thị trấn của Sở Xây dựng TP Hà Nội, một số kiến trúc sư, nhà văn hóa đã lên tiếng.
Nên làm nhiều mẫu phù hợp từng vùng
KTS Nguyễn Thanh Tùng, Hội kiến trúc sư Việt Nam, cho rằng việc “đồng phục” trụ sở cấp xã phường ở Hà Nội có ưu điểm là thuận lợi trong nhận diện, người dân nhìn vào kiến trúc, màu sắc sẽ biết đó là trụ sở hành chính. Bên cạnh đó, chỉ cần vẽ một bản thiết kế sau đó nhân bản ra thực hiện với nhiều công trình sẽ giúp tiết kiệm được chi phí thiết kế.
Tuy nhiên, việc “đồng phục” sẽ làm mất đi bản sắc vùng miền. Thủ đô có những xã ở miền núi, xã có nhiều di tích, di sản thì kiến trúc phải có yếu tố bản địa ở đó. Tương tự, với các phường ở nội thành, kiến trúc lại cần phù hợp với cảnh quan của đô thị hiện đại.
“Không nên chỉ vẽ một mẫu rồi đặt vào tất cả xã phường. Kiến trúc phải gắn với địa hình, văn hóa và mang tính bản địa”, KTS Tùng nói.
Ông đề xuất, với đặc thù thủ đô có nhiều khu vực, địa hình nên làm nhiều mẫu thiết kế đại diện cho mỗi khu vực. Các mẫu vẫn thể hiện được sự nghiêm minh của luật pháp, nhưng cũng phải thân thiện với người dân.
“Đồng phục” trụ sở có thể gây lãng phí
KTS Trần Huy Ánh, Hội kiến trúc sư Hà Nội, cho hay sáng 25/9 Hội Liên hiệp văn học nghệ thuật Hà Nội có cuộc họp về 10 năm văn hóa nghệ thuật xứ Đoài, xứ Đông và các đại biểu đều nói đến bản sắc văn hóa vùng miền. 500 xã phường ở 500 vị trí và mỗi nơi đều gắn với văn hóa bản địa ở đó.
“Không thể lấy nhà văn hóa rộng rãi có đồi, có núi, có cảnh quan thiên nhiên, tập tục văn hóa của Ba Vì nhét vào giữa phố Hàng Bài và ngược lại”, KTS Ánh nói và cho rằng thế giới đang phát triển theo hướng thống nhất trong đa dạng chứ không phải đồng nhất văn hóa. Việc đề xuất “đồng phục” trụ sở xã phường là cách nghĩ “rất cũ và lãng phí”, không đem lại lợi ích văn hóa, kinh tế.
Cũng theo KTS Trần Huy Ánh, Hà Nội còn nghèo, còn nhiều công trình cần đầu tư xây dựng nên cần cân nhắc kỹ trong việc xây dựng, cải tạo trụ sở cơ quan công quyền. “Đây không phải tiền của cá nhân mà là ngân sách nên tất cả sáng kiến như trên phải giải trình rõ ràng với xã hội về mặt lợi ích, văn hóa, kinh tế và mục đích cuối cùng để làm gì”, KTS Ánh nói.
Một mẫu thiết kế gây sự đơn điệu, nhàm chán
Am hiểu văn hóa Hà Nội, nhà văn Nguyễn Ngọc Tiến cho rằng “việc mặc đồng phục cho các công sở hành chính cấp phường xã là không cần thiết”. Phần lớn công sở trước năm 1954 có kiến trúc đa dạng, tùy theo điều kiện đất đai, địa lý có thiết kế kiến trúc phù hợp. Nếu chính quyền nhất thể hóa một mẫu thiết kế, áp cho tất cả trụ sở hành chính cấp xã sẽ làm mất đi sự đa dạng, uyển chuyển của đô thị, mất cơ hội cho kiến trúc sư thể hiện khả năng sáng tạo.
Ông nêu ví dụ, có những phường xã do điều kiện đất đai không có nhưng lại phải theo một mẫu vậy có nên không? Cũng có nơi điều kiện cho phép xây dựng trụ sở hành chính làm điểm nhấn văn hóa, kiến trúc khu vực đó thì sẽ ứng xử ra sao?
Nói về việc Hà Nội từng “đồng phục” trụ sở công an phường, nhà văn cho rằng công an có đặc thù riêng, là đơn vị quản lý an ninh trật tự nên việc nhất thể hóa một kiến trúc, màu sắc là phù hợp. “Người dân nhìn vào trụ sở công an thấy được sự uy nghi, tôn nghiêm của cơ quan thực thi pháp luật”, ông Tiến nói.
Đề cập việc thành phố từng có chủ trương đồng nhất màu sơn khu vực Hồ Gươm và một số tuyến phố phụ cận, ông Tiến cho rằng dù nhà sở hữu của cá nhân hay công trình công cộng nhà nước, để phục vụ một ý đồ kiến trúc cảnh quan khu vực đó thì chính quyền có thể can thiệp.
“Nhưng trụ sở hành chính cấp xã nên là nơi thân thiện, gần gũi với người dân, kiến trúc cần mềm mại và không nên đồng nhất”, nhà văn nêu quan điểm.
Ngày 24/9, Sở Xây dựng Hà Nội cho hay cơ quan chuyên môn đang tổng hợp ý kiến các quận, huyện về phương án thiết kế mẫu trụ sở Đảng ủy, HĐND, UBND xã, phường, thị trấn trên địa bàn.
Theo phương án đơn vị tư vấn đề xuất, các trụ sở cần thống nhất hình ảnh nhận diện; hình khối ngôn ngữ kiến trúc; bố cục; vật liệu xây dựng hoàn thiện và màu sắc.
Thống kê của thành phố, khoảng 500 trụ sở phường, xã có thể áp dụng thống nhất thiết kế mẫu.
Võ Hải/VnExpress