Thị trường bất động sản: Đất nền tỉnh lẻ đang “nóng” và sẽ còn… “sốt nóng”
Không chỉ tại các thị trường lớn như Hà Nội, TPHCM, Đà Nẵng, Hải Phòng, giá đất nền tại nhiều thị trường tỉnh lẻ cũng tăng khá mạnh thời gian qua.
Khu vực vị trí gần đồi A1 TP Điện Biên Phủ (tỉnh Điện Biên) có giá cao ngất ngưởng lên đến 7 tỷ đồng/lô khoảng 100 m2
Từ vùng ven đô thị lớn
Theo các môi giới địa ốc, từ cuối năm 2016 đến nay, đất nền nhiều tỉnh, thành phố đã tăng mạnh, đặc biệt là các khu vực vùng ven các đô thị lớn.
Thời kỳ đầu, chỉ vài người đi gom đất, sau đó lan rộng, tạo nên cơn sốt đất. Khu vực vùng ven lọt vào tầm ngắm của giới đầu tư bởi giá đất rẻ và giới đầu tư mua vào để đón đầu quy hoạch.
Tuy nhiên, khác với những đợt sốt trước đây, thị trường đã có những bước chuyển biến, các nhà đầu tư cũng thận trọng hơn, chỉ bỏ tiền vào những khu vực có nhiều tiềm năng, đã được đầu tư hạ tầng.
Anh Thành, một nhân viên môi giới bất động sản ở Hà Đông (Hà Nội) cho hay, nhiều tỉnh phía Bắc như Quảng Ninh, Thanh Hoá giá đất đã tăng mạnh so với những năm trước đó.
Nhiều tỉnh, thành phố khác, bất động sản cũng đang nhích lên như Hải Phòng, Thái Bình, Bắc Ninh, Hải Dương, Thái Nguyên, Vĩnh Phúc….
Theo các chuyên gia, bất động sản tại các tỉnh phía Bắc tăng thời gian qua là do mặt bằng giá tại đây còn thấp, trong khi hạ tầng giao thông kết nối với Hà Nội ngày một phát triển, giúp việc di chuyển không còn gặp trở ngại như trước.
Một lý do khác khiến thị trường bất động sản tại các tỉnh tăng trưởng đó là sự xuất hiện của nhiều đại gia bất động sản, kéo theo làn sóng các nhà đầu tư nhỏ đi theo.
Theo khảo sát của phóng viên Báo Đầu tư Bất động sản, giá đất tại các tỉnh có những khu vực đắt ngang Hà Nội. Đơn cử, nhà liền kề, biệt thự khu đô thị tại Bãi Cháy (Quảng Ninh) có giá từ 3 – 4 tỷ đồng/lô, các dự án bên trung tâm TP Hạ Long có giá tối thiểu 7 tỷ đồng/lô, những căn biệt thự lớn có thể có giá tới 15 – 20 tỷ đồng/lô. Thậm chí, ở Vân Đồn (Quảng Ninh), đầu năm 2018, giá đất nền lên tới 3 – 5 tỷ đồng/lô đất hơn 100 m2.
Ông Lê Quang Tuấn, nhà đầu tư mua 2 lô đất ở TP Hạ Long và Vân Đồn (Quảng Ninh) cho rằng, những vị trí đẹp ven biển và trung tâm TP Hạ Long vẫn rẻ hơn 2 – 6 lần so với vị trí tương tự ở Đà Nẵng và Nha Trang.
Còn tại Thanh Hoá, giá các sản phẩm biệt thự, liền kề tại nhiều vị trí đẹp cũng đang giao dịch khoảng 7 – 10 tỷ đồng/căn. Giá đất vùng ven tại Thanh Hoá đã nhích dần, đặc biệt tại Sầm Sơn, các sản phẩm bất động sản đang giao dịch trên 5 tỷ đồng.
Tương tự, ở Bắc Ninh, đất đẹp các khu đô thị bám các trung tâm công nghiệp lớn trước chỉ 15 triệu đồng/m2, nay có khi đã lên đến trên 40 triệu đồng/m2.
Đến vùng núi xa xôi
Không chỉ các địa phương gần Hà Nội, hay các đô thị lớn, mà giá bất động sản tại nhiều địa phương miền núi xa xôi cũng tăng mạnh trong thời gian qua. Chẳng hạn, tại Điện Biên, nếu cách đây 10 năm, giá đất bình quân chỉ trên dưới 10 triệu đồng/m2, nhưng nay có những khu đã có giá khoảng 80 triệu đồng/m2 .
“Thị trường đất nền Điện Biên liên tục tăng trong 10 năm trở lại đây. Tùy từng vị trí, cộng hệ thống hạ tầng giao thông. Hiện tại, với những vị trí đẹp, ví dụ gần đồi A1, TP Điện Biên Phủ có giá 1,7 tỷ đồng/m mặt đường, chạy dài khoảng 20 m.
Còn ở những khu đô thị mới có đường rộng từ 13 – 20 m, thì có giá dao động từ 1,7 – 2 tỷ đồng/lô”, anh Quốc, một nhà đầu tư có thâm niên đầu tư vào thị trường bất động sản Điện Biên hơn chục năm nay cho biết.
Thực tế, theo khảo sát của phóng viên, hiện số lượng các dịch vụ tiện ích, các trung tâm thương mại ở Điện Biên không tăng, cơ sở hạ tầng cũng chỉ ở mức độ bình thường, nhưng giá đất ở đây lại cao một cách đột biến với mức trung bình từ 700 triệu đồng đến trên dưới 5 tỷ đồng/lô, ở các vị trí đắc địa có giá lên đến 1,7 tỷ đồng/m ngang mặt tiền.
Tỷ lệ người mua – bán cũng tăng cao, nhưng đa phần vẫn qua dân môi giới tự do, thiếu các sàn môi giới chuyên nghiệp. Nếu so sánh với 10 năm trở về trước, giá đất hiện tại Điện Biên cao gấp hàng chục lần.
Theo lý giải của anh Quốc, việc giá đất tại Điện Biên tăng mạnh là do địa phương này có ưu thế về du lịch. Hơn nữa, quỹ đất của thành phố không còn nhiều, nên khả năng mở rộng các khu đô thị, trung tâm thương mại rất hạn chế.
Điều này khiến các nhà có điều kiện đều muốn về thành phố sinh sống buộc phải trả mức giá cao.
Ở một góc độ khác, anh Thành cho rằng, đầu tư bất động sản tỉnh lẻ là một xu hướng phát triển tất yếu. Bởi trong khu vực nội đô như Hà Nội và các tỉnh, thành phố lớn đã bão hòa, trong khi đầu tư bất động sản tỉnh lẻ bao giờ cũng cần ít vốn hơn các trung tâm lớn.
Bên cạnh đó, các đại gia bán lẻ tìm về các tỉnh để xây trung tâm thương mại, khu dịch vụ, du lịch nghỉ dưỡng…, cộng với giao thông thuận lợi, nên thời gian gần đây, các nhà đầu tư, khách hàng tìm về các tỉnh lẻ nhiều, khiến giá đất tăng lên.
Chia sẻ với phóng viên, ông Lê Văn Sinh, chuyên gia định giá bất động sản Điện Biên cho biết, nếu xét về mặt bằng chung, thì giá đất nền ở Điện Biên không quá đắt so với các tỉnh, thành phố khác cùng khu vực như Lào Cai, Sơn La.
Trong khi đó, về mặt bằng chung, thì quỹ đất ở của Điện Biên bị hạn chế, chủ yếu là đất rừng, đất lúa chiếm ưu thế. Do đó, người dân ở các huyện, khi tích lũy đủ về kinh tế, họ có nhu cầu cuộc sống tốt hơn, nên tập trung về thành phố và sẵn sàng mua với giá cao.
“Giá đất ở TP Điện Biên Phủ tăng cao là do nhu cầu thực, chứ không phải do đầu cơ, đầu tư”, ông Sinh nhận định.
Ngoài ra, theo nhận định của giới chuyên gia, sở dĩ đất nền Điện Biên tăng cao còn do một số chính sách khuyến khích phát triển du lịch, tu sửa lại khuôn viên di tích lịch sử Điện Biên Phủ và các quy hoạch đô thị Điện Biên.
Đặc biệt, mới đây Văn phòng Chính phủ vừa có thông báo kết luận của Phó thủ tướng Trịnh Đình Dũng với phương án giao UBND tỉnh Điện Biên là cơ quan nhà nước có thẩm quyền trong công tác quản lý đầu tư và xây dựng mở rộng Cảng hàng không Điện Biên.
Cảng này được tập trung nghiên cứu, triển khai trong giai đoạn từ nay đến năm 2020. Điều này đã tạo cơ hội cho bất động sản Điện Biên tăng giá và đà tăng khả năng chưa dừng lại.