Luật Quản lý phát triển đô thị phải giải quyết được tình trạng lợi ích nhóm gây phá vỡ quy hoạch
“Luật Quy hoạch đô thị rất gần với Luật Quản lý phát triển đô thị. Do đó, muốn ban hành Luật Quản lý phát triển đô thị đương nhiên phải bác bỏ và điều chỉnh lại một số điều trong Luật Quy hoạch đô thị”, Tiến sỹ Phạm Gia Yên – nguyên Chánh Thanh tra Bộ Xây dựng nhấn mạnh.
Ngày 12/4/2018, Chính phủ đã trình Uỷ ban Thường vụ Quốc hội dự án Luật Quản lý phát triển đô thị. Với 7 chương, 66 điều, dự thảo luật thể chế hoá 6 nhóm chính sách về phát triển đô thị, trong đó có việc đa dạng hóa và sử dụng hiệu quả nguồn lực cho phát triển đô thị. Tuy nhiên, góp ý vào dự thảo Luật, nhiều ý kiến cho rằng, dự luật chưa làm rõ nội hàm và có nhiều khái niệm mới chưa đảm bảo tính thống nhất trong hệ thống luật nên đề nghị Tổ Biên tập nghiên cứu, tiếp thu các ý kiến góp ý, tổng hợp, báo cáo Ban soạn thảo để tiếp tục hoàn thiện đề cương dự luật.
Từ đó đến nay, Bộ Xây dựng mà nòng cốt là Cục Phát triển đô thị đã huy động tối đa mọi nguồn lực để tiếp tục nghiên cứu, hoàn thiện dự thảo Luật, trọng tâm là các cơ chế chính sách về quản lý phát triển đô thị.
Trong quá trình soạn thảo luật, Bộ Xây dựng đã nghiêm túc tiếp thu ý kiến của các Bộ, ngành, địa phương, các hiệp hội, chuyên gia, nhà khoa học… nhằm xác định phạm vi điều chỉnh và các nội dung cơ bản, làm tiền đề để xây dựng dự luật theo hướng phù hợp với thực tiễn và bảo đảm đi vào cuộc sống.
Trên tinh thần đồng tình và trách nhiệm, nhiều đại biểu, chuyên gia đã tập trung bàn thảo, đóng góp những ý kiến có giá trị, có hàm lượng khoa học cao về căn cứ pháp lý, phạm vi điều chỉnh, các kinh nghiệm quốc tế về quản trị đô thị, vai trò của cộng đồng, đặc biệt là các lưu ý để Dự luật tránh chồng chéo với các Luật liên quan như Luật Xây dựng, Luật Quy hoạch đô thị… khi ban hành.
Từng có 38 năm làm việc liên tục trong ngành Xây dựng, Tiến sỹ Phạm Gia Yên – nguyên Chánh Thanh tra Bộ Xây dựng chia sẻ một số ý kiến, góp ý của mình về dự thảo Luật Quản lý phát triển đô thị: Trong hệ thống pháp luật của nước ta đã có 4 bộ luật lớn: Luật Xây dựng, Luật Quy hoạch đô thị, Luật Nhà ở và Luật kinh doanh Bất động sản. 4 bộ luật này đã bao trùm tất cả mọi vấn đề thuộc lĩnh vực hoạt động xây dựng. Đặc biệt, Luật Quy hoạch đô thị rất gần với Luật Quản lý phát triển đô thị. Do đó, muốn ban hành Luật Quản lý phát triển đô thị đương nhiên phải bãi bỏ và điều chỉnh lại một số điều trong Luật Quy hoạch đô thị, nhằm giải quyết những vấn đề như sau:
Thứ nhất, tình hình phát triển nhà ở hiện nay là tự phát, đi kèm với đó là việc sử dụng đất xây dựng nhà ở không có kế hoạch. Theo tính toán, lượng nhà ở và các dự án xây nhà ở đô thị hiện nay có thể đủ cho 50 năm sau, khi dân số còn đang phát triển. Luật Quản lý phát triển đô thị phải cụ thể hóa vấn đề kế hoạch phát triển đô thị, quy định rõ trách nhiệm của chính quyền địa phương trong việc thống kê nhà ở hiện có, dự báo mức dân số trong tương lai, kể cả dân số tự nhiên và dân số cơ học để có kế hoạch sử dụng đất phát triển đô thị một cách hợp lý nhất, tránh tình trạng lãng phí tài nguyên đất như hiện nay. Rất nhiều dự án đất đai bỏ trống, xây dựng dở dang, xây dựng rồi không có người mua, người ở… tạo ra một đô thị nham nhở, lộn xộn, gây lãng phí tiền của của đất nước.
Thứ hai, việc quy hoạch đô thị là phải quy định cụ thể về trình tự lập, thẩm định, phê duyệt quy hoạch cũng như trình tự lập, thẩm định, phê duyệt điều chỉnh quy hoạch. Trên thực tế hiện nay, người lập đang có quyền điều chỉnh, người có thẩm quyền phê duyệt quy hoạch lại đồng thời có quyền phê duyệt điều chỉnh quy hoạch. Một vấn đề rất tiêu cực nữa là khi lập đồ án quy hoạch thì rất nhiều hội đồng, tham gia nhiều ngày nhưng khi điều chỉnh thì chỉ có 1 nhóm. Điều này dễ phát sinh tình trạng lợi ích nhóm gây phá vỡ quy hoạch ban đầu, quy hoạch trở nên lộn xộn.
Thứ ba, Luật Quản lý phát triển đô thị phải giải quyết được tình trạng ngập úng, tình trạng ách tắc giao thông như hiện nay. Nó liên quan đến bài toán về dân số của từng khu vực, từng khu đô thị đã được tính toán từ ban đầu. Thế nhưng trong quá trình điều chỉnh, lượng dân số tăng lên gấp nhiều lần ban đầu, dẫn đến các hạ tầng bị tắc nghẽn: Từ giao thông, đường điện, hệ thống cấp thoát nước… Mặt khác, tại hầu hết các TP lớn, khi lập quy hoạch không xác định được cốt chuẩn xây dựng và hướng thoát nước tự nhiên của đô thị. Khi mưa lớn kéo dài, đô thị này đổ nước vào đô thị kia, không có lối thoát, gây ngập úng.
Thứ tư, cần phải được lưu ý là ảnh hưởng của tình trạng biến đổi khí hậu. Theo tính toán, đến năm 2050, các đô thị ven biển Việt Nam hầu như chìm trong nước. Các tài liệu về nước dâng từng vùng đã được các nhà khoa học về môi trường đánh giá. Tình trạng lún sụt cũng được quan trắc và cảnh báo. Vì vậy, cần phải quy định cụ thể cốt nền xây dựng của từng khu đô thị. Đối với miền núi, tình hình khí hậu ngày càng khắc nghiệt. Tình trạng mưa lớn, lũ ống, lũ quét dẫn đến lún sụt diễn ra thường xuyên. Luật Quản lý phát triển đô thị cần phải có quy định cụ thể khi xây công trình xây dựng ở từng vùng để tránh tình trạng này.
Thứ năm, việc Quản lý phát triển đô thị hiện nay mặc dù đã cho phép chính quyền địa phương phê quyệt và điều chỉnh quy hoạch, nhưng các dự án phát triển đô thị lớn, theo phân cấp chính quyền địa phương đã ký duyệt, thì khi điều chỉnh dứt khoát phải có cơ quan trung gian, cơ quan cấp trên thẩm định. Nếu là đồ án thuộc UBND tỉnh phải là cấp bộ thẩm định, nếu đồ án thuộc cấp huyện thì phải do cấp tỉnh thẩm định, cho ý kiến trước khi điều chỉnh quy hoạch. Những Dự án do Thủ tướng Chính phủ phê duyệt thì cấp Bộ thẩm định, tránh tình trạng phê duyệt điều chỉnh quy hoạch lộn xộn như hiện nay.
“Tóm lại, dù đã muộn, nhưng Luật Quản lý phát triển đô thị phải giải quyết được những vấn đề này nhằm khắc phục hạn chế, bất cập của đô thị hoá nước ta hiện nay. Đồng thời, kiến tạo môi trường sống đô thị có chất lượng, sử dụng hiệu quả tài nguyên, khả năng cạnh tranh của các đô thị, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế vùng trong cả nước”, Tiến sỹ Phạm Gia Yên nhấn mạnh.
Mai Thu