14/09/2018

Tổng kiểm toán đường sắt Cát Linh-Hà Đông: Kỳ vọng

Kiểm toán dự án đường sắt Cát Linh-Hà Đông là tiền đề, mở đường cho các cuộc kiểm toán, thanh tra ở những dự án bất thường khác

Làm rõ những bất thường

Ngày 12/9, Tổng kiểm toán Nhà nước đã chính thức thực hiện kiểm toán toàn diện dự án đường sắt trên cao Cát Linh – Hà Đông. Các nội dung kiểm toán bao gồm từ nguồn vốn đầu tư, chi phí đầu tư; việc tuân thủ pháp luật, chế độ quản lý đầu tư xây dựng, tài chính, kế toán và các chính sách pháp luật có liên quan kể từ khi triển khai dự án đến ngày 30/6/2018.

Dự án Cát Linh - Hà Đông nhiều lần đội vốn. Ảnh: 24h

Dự án Cát Linh – Hà Đông nhiều lần đội vốn. Ảnh: 24h

Bình luận về sự kiện trên, GS.TS Đặng Đình Đào, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu Kinh tế và Phát triển, ĐH KTQD Hà Nội đánh giá cao quyết tâm của Kiểm toán nhà nước.

Vị GS cho biết, nếu việc kiểm toán thực hiện theo đúng các mục tiêu kế hoạch đề ra như: đánh giá tính kinh tế trong quản lý và sử dụng vốn đầu tư, phát hiện những tồn tại, bất cập trong cơ chế, chính sách để kiến nghị các cơ quan có thẩm quyền sửa đổi, bổ sung.

Ngoài ra, phát hiện kịp thời các hành vi tham nhũng, lãng phí, sai phạm trong quá trình thực hiện và xác định trách nhiệm cá nhân, tập thể liên quan tới dự án để kiến nghị xử lý… là động thái rất tích cực, được dư luận trông chờ.

Vị GS cho hay, dự án ngay từ đầu đã gây bức xúc bởi hàng loạt những điều chỉnh dự toán, tăng đơn giá dự án lên gấp nhiều lần. Cụ thể, tổng mức đầu tư ban đầu của dự án được phê duyệt năm 2008 là gần 8.800 tỷ đồng tương đương 553 triệu USD, nhưng qua nhiều lần điều chỉnh, hiện dự án phải tăng vốn gấp 1,6 lần, lên gần 870 triệu USD.

Tiếp đến, dự án lại liên tục chậm, giãn tiến độ, xin lùi thời gian hoàn thành… Đây rõ ràng là những điều không bình thường đối với một dự án lớn, dự án trọng điểm quốc gia khiến ai cũng đặt ra một dấu hỏi về sự bất thường tại dự án này.

Vì thế, kiểm toán sẽ giúp xác định được nguyên nhân, cũng như trách nhiệm của từng cá nhân, tập thể có liên quan là cần thiết, đáp ứng được mong mỏi, nguyện vọng của người dân”, GS Đặng Đình Đào chia sẻ.

Theo vị GS, quan trọng nhất là việc kiểm toán dự án đường sắt Cát Linh – Hà Đông còn là tiền đề, mở đường cho các cuộc kiểm toán, thanh tra ở những dự án có tình trạng đội vốn, chậm tiến độ tương tự xảy ra trong thời gian qua.

“Vấn đề bây giờ là làm sao kiểm toán phải bảo đảm được tính công bằng, minh bạch, khách quan để đưa ra kết luận sát với thực tế. Đã đến lúc phải chấm dứt tình trạng dự án nào cũng đội vốn, cũng chậm tiến độ, gây thiệt hại lớn cho cả ngành kinh tế và xã hội.

Với dư luận và mong mỏi của người dân, tôi tin Kiểm toán sẽ làm nghiêm minh, khách quan, bảo đảm tính công bằng, ổn định cho nền kinh tế và xã hội”, GS Đặng Đình Đào đặt kỳ vọng.

Ngăn chặn tham nhũng

Ngoài ra, vị chuyên gia còn cho rằng, mục tiêu kiểm toán nhằm phát hiện kịp thời các hành vi tham nhũng, lãng phí, sai phạm trong dự án là rất đáng hoan nghênh. Ông nhấn mạnh, các dự án đầu tư công thời gian qua có quá nhiều vấn đề khiến dư luận và xã hội phải phiền lòng.

Từ những đại công trình bị đội vốn không biết nguyên nhân từ đâu, cho tới những dự án nghìn tỷ đầu tư xong rồi chùm mền, đắp chiếu… là dấu hỏi lớn về năng lực, trình độ điều hành quản lý nhà nước nhưng cũng đồng thời làm dấy lên nghi ngại về tình trạng tham nhũng, móc nối trục lợi từ tài sản của Nhà nước và nhân dân.

Vì thế, mục tiêu xác định yếu tố tham nhũng, thất thoát tại dự án này chính là yếu tố quan trọng trả lời cho câu hỏi “vì sao đường cao tốc tại Việt Nam lại có giá đắt nhất thế giới?”.

“Mục tiêu quan trọng nhất của kế hoạch kiểm toán lần này là phải chỉ ra cho được nguyên nhân sai phạm, trách nhiệm thuộc về ai?

Dù đây là dự án có yếu tố nước ngoài cùng tham gia, cụ thể là Ban quản lý dự án đường sắt (RPMU) làm chủ đầu tư và Tập đoàn cục 6 đường sắt Trung Quốc tuy nhiên, như đã khẳng định, mọi doanh nghiệp, đối tượng đầu tư, kinh doanh trên đất nước Việt Nam đều phải tuân thủ pháp luật của Việt Nam.

Trong trường hợp này, chủ đầu tư sẽ là đơn vị phải chịu trách nhiệm trực tiếp với Chính phủ Việt Nam về tiến độ và chất lượng của dự án này. Trong đó có trách nhiệm về việc nhiều lần xin điều chỉnh, đội vốn của dự án lên gấp nhiều lần. Tôi tin kiểm toán sẽ làm rõ được việc này.

Về phía các doanh nghiệp trong nước, cũng phải xác định rất rõ sai phạm thế nào? Trách nhiệm tới đâu? qua đấy, sẽ xác định rõ trách nhiệm cụ thể của chủ đầu tư hay trách nhiệm do phía nhà thầu?

Nếu xác định sai phạm ở mức độ phải xử lý hành chính thì phải xử lý hành chính. Nếu sai phạm liên quan tới kinh tế, hình sự sẽ phải xử lý về mặt kinh tế, kể cả truy cứu trách nhiệm hình sự để có câu trả lời cho dư luận”, GS Đặng Đình Đào kỳ vọng.

Hoài An/Báo Đất Việt