Bộ GTVT yêu cầu các đơn vị làm rõ phương án huy động vốn, đánh giá hiệu quả kinh tế – xã hội của dự án, tác động của dự án đến nợ công quốc gia…
Văn phòng Bộ GTVT vừa có thông báo kết luận của Thứ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Ngọc Đông tại cuộc họp nghe báo cáo giữa kỳ nghiên cứu tiền khả thi dự án đường sắt tốc độ cao Bắc – Nam.
Thứ trưởng yêu cầu Ban Quản lý dự án đường sắt chỉ đạo Liên danh tư vấn trong nước tiếp tục phối hợp với tư vấn hỗ trợ từ phía cơ quan hợp tác quốc tế Nhật Bản (JICA) trình bày tóm tắt các nghiên cứu trước đây. Trong đó, nêu rõ những vấn đề được cập nhật bổ sung trên cơ sở các nội dung quan tâm của các đại biểu Quốc hội, các chuyên gia, nhà nghiên cứu khi trình chủ trương đầu tư dự án năm 2010.
Dự kiến năm 2019 Quốc hội sẽ xem xét thông qua chủ trương đầu tư dự án đường sắt tốc độ cao Bắc – Nam. Ảnh: Internet
Bên cạnh đó, rà soát cập nhật số liệu về kinh tế – xã hội của cả nước và các dự án đầu kết cấu hạ tầng khác trên hành lang Bắc – Nam như đường bộ cao tốc, cảng hàng không… Đặc biệt là số liệu dự báo nhu cầu vận tải để làm rõ sự cần thiết đầu tư và đề xuất các kịch bản phát triển, dự án ưu tiên triển khai trên trục Bắc – Nam.
Đồng thời, phân tích để làm rõ đối tượng, khả năng đảm nhận giữa các phương thức vận tải (trong đó bao gồm cả tuyến đường săt mới) trên trục Bắc – Nam: “Kết quả phân tích phải được lượng hóa cụ thể, bao gồm các yếu tố về chi phí vận tải, lợi thế về thời gian…”, kết luận nêu rõ.
Về các kịch bản, phương án đầu tư, trên cơ sở rà soát các nghiên cứu trước đây và kết quả dự báo nhu cầu vận tải. Yêu cầu tư vấn nghiên cứu làm rõ, so sánh cụ thể để có lập luận khoa học về các kịch bản, phương án đầu tư như các ý kiến quan tâm của Đại biểu Quốc hội, các chuyên gia, nhà khoa học quan tâm thời gian vừa qua.
Đối với công nghệ, Thứ trưởng yêu cầu tư vấn tìm hiểu, bổ sung thông tin các loại hình đường sắt tốc độ cao trên thế giới làm cơ sở so sánh. Cần phân tích, đánh giá rủi ro và khả năng làm chủ công nghệ của mỗi loại hình để xem xét, đề xuất lựa chọn công nghệ phù hợp.
Về hình thức đầu tư, phương án huy động vốn, cần đánh giá hiệu quả kinh tế – xã hội của dự án, tác động của dự án đến nợ công quốc gia. Ngoài ra, phân tích rủi ro của dự án, mô hình tổ chức khai thác, đào tạo nguồn nhân lực, phát triển công nghiệp đường sắt…
Trước đó, liên danh tư vấn do Tổng Công ty Tư vấn thiết kế GTVT (TEDI) đứng đầu, báo cáo giữa kỳ nghiên cứu khả thi dự án đường sắt tốc độ cao trục Bắc-Nam. Theo đó, dự án đường sắt tốc độ cao Bắc-Nam sẽ được xây mới hoàn toàn với chiều dài 1.545 km, kéo dài từ Hà Nội đến TPHCM, gồm 23 nhà ga, đi qua 20 tỉnh, TP với tổng mức đầu tư khoảng 1,3 triệu tỉ đồng.
Viết Long/Pháp luật TPHCM