30/08/2018

Cần đạo luật riêng cho BT

Đầu tháng 8, Bộ Tài chính đã có công văn yêu cầu kể từ ngày 1-1-2018 tạm dừng việc xem xét, quyết định sử dụng tài sản công (đất đai) để thanh toán cho nhà đầu tư khi thực hiện dự án đầu tư theo hình thức xây dựng – chuyển giao (BT), cho đến khi Nghị định của Chính phủ quy định về nội dung này có hiệu lực thi hành. Báo Đầu tư Tài chính đã có cuộc trao đổi với TS. Trần Du Lịch, nguyên Phó trưởng Đoàn đại biểu Quốc hội TPHCM, về vấn đề này.

Chồng chéo pháp lý trách nhiệm
Thưa ông, ông nhận định như thế nào về công văn này của Bộ Tài chính?
Công văn của Bộ Tài chính căn cứ trên trách nhiệm, quyền hạn của bộ khi thực hiện Luật Quản lý sử dụng tài sản công. Cụ thể, tại Điều 5, Khoản 1, Luật Quản lý sử dụng tài sản công có hiệu lực từ ngày 1-1-2018, quy định Bộ Tài chính là đầu mối giúp Chính phủ thống nhất quản lý và sử dụng tài sản công.
Về dự án BT, đây là hình thức được quy định trong Luật Đầu tư có hiệu lực từ 1/7/2015. Sau đó, Nghị định 15/2015 về đầu tư theo hình thức đối tác công tư (PPP) của Chính phủ quy định đó là 1 trong những hình thức của PPP. Và đến tháng 3 năm nay, Nghị định 63/2018 về đầu tư theo hình thức PPP quy định về hình thức này.
Tuy nhiên, tại Điều 34 Nghị định 63/2018 (thay Nghị định 15/2015) lại quy định, việc thanh toán cho nhà đầu tư trong hợp đồng BT bằng giá trị quyền sử dụng đất, trụ sở làm việc, tài sản kết cấu hạ tầng phải tuân thủ quy định của pháp luật về quản lý, sử dụng tài sản công. Trong khi đó, Luật Quản lý, sử dụng tài sản công được giao cho Chính phủ ban hành Nghị định chi tiết, nhưng đến nay vẫn chưa có.
Do đó, Bộ Tài chính với trách nhiệm của cơ quan chịu trách nhiệm quản lý vấn đề này phải yêu cầu “thắng” lại. Đây có thể coi là điển hình của sự thiếu đồng bộ và bất cập của luật pháp. Bởi BT là một hình thức của PPP, là chủ trương lớn và trên thực tế đã thực hiện được nhiều năm. Nhưng khi muốn chấn chỉnh, quản lý chặt chẽ hình thức này, chúng ta lại để luật này chồng chéo luật kia và chậm hướng dẫn nên phải dừng lại. Đó là điều đáng tiếc.
Nghị định 63/2018 có hiệu lực từ ngày 14-6-2018 của Chính phủ về đối tác công tư đã quy định cụ thể về hợp đồng BT. Vậy Bộ Tài chính cần thêm nghị định riêng có quá cứng nhắc, thưa ông?
Vấn đề không phải là trình thời điểm nào mà nằm ở chỗ từ ngày 1/1/2018 khi Luật Quản lý sử dụng tài sản công có hiệu lực, việc thực thi luật này liên quan đến các luật khác phải áp dụng theo.
Trường hợp này, Luật Quản lý, sử dụng tài sản công đã có nhưng lại quy định rất chung chung và giao Chính phủ quy định chi tiết. Trong trường hợp này, khi Chính phủ chưa quy định chi tiết có thể áp dụng như quy định hiện hành, còn cho dừng một việc đang vận động, đang diễn ra sẽ gây ngưng trệ các dự án đang triển khai. Việc này cần phải xem xét lại.
Ở đây tôi cũng nói rõ hơn về những bất cập của luật pháp Việt Nam. Hiện tài sản công, tài sản Nhà nước không có phân biệt Trung ương, địa phương. Đáng ra chúng ta nên có cơ chế tách biệt loại nào là của Trung ương, loại nào của địa phương để phân quyền cho địa phương làm.
Do đó, vấn đề này cũng tồn tại cơ chế tương tự như trong quản lý ngân sách là lồng ghép Trung ương địa phương. Chính sự lồng ghép này dẫn đến tình trạng tắc từ Trung ương, địa phương cũng tắc theo.
Tài sản, ngân sách nhà nước và sự lồng ghép này dẫn đến địa phương muốn làm phải đi xin, tồn tại cơ chế xin cho rất nặng nề. Giả sử phân loại tài sản nào Trung ương quản lý, tài sản nào địa phương quản lý, khi đó địa phương quy định nguyên tắc cụ thể, khi tắc nghẽn chỉ vướng những vấn đề chung, vấn đề lớn, không tắc những vấn đề nhỏ. Còn như bây giờ cứ tắc từ Trung ương là tắc hết các địa phương.
dsc_2566_kbrm

Nếu không có BT đổi đất lấy hạ tầng, TPHCM khó thực hiện kế hoạch di dời nhà ven kênh. Ảnh: L.THANH

Quy định rõ bằng luật
Thời gian vừa qua có nhiều khuất tất trong các hợp đồng BT, BOT. Tuy nhiên có nên vì thế đóng tất cả cửa, thưa ông?
Quan điểm của tôi từ trước đến nay, hình thức BT đổi đất lấy hạ tầng là kiểu làm của giai đoạn những năm vừa qua khi ngân sách còn khó khăn, cơ chế chưa tạo niềm tin cho nhà đầu tư…
Còn thật sự, chúng ta tách biệt thực hiện theo phương án công trình xây dựng sẽ đấu thầu, công trình đất đai nhà cửa sẽ đấu giá bán lấy tiền để trả, không nên đổi kiểu “con gà với mấy ký muối” như vậy. Bởi không ai định giá các dự án này bằng thị trường. Đây gọi là điểm tồn tại.
Cụ thể, một dự án ghi vào ngân sách đầu tư công để đấu thầu, đấu giá, nhưng với cơ chế ngân sách hiện nay, công trình này nếu không theo hình thức BT phải ghi vào danh mục Luật Đầu tư công và được cấp thẩm quyền phê duyệt danh mục đó. Như vậy khi phân bổ ngân sách, Trung ương mới phân bổ cho công trình. Thành ra địa phương muốn đầu tư cũng không có gì để làm.
Do đó, để sửa tồn tại này phải gắn cả vấn đề sửa Luật Đầu tư công, vì tất cả dự án đầu tư phải nằm trong danh mục đầu tư công. Riêng hình thức BT hiện nay được tách ra, không nằm trong ngân sách Quốc hội phân bổ nên thoát được đấu thầu, đấu giá nhưng bây giờ lại vướng phải dừng.
Từ thực tế trên, tôi cho rằng bây giờ nên sửa lại Luật Đầu tư công theo nguyên tắc: những dự án dự kiến lấy đất hay công trình nhà cửa, cơ sở nào đó để bán trả dự án đó và đã được chính quyền địa phương quyết, phải tách ra phần nào đấu giá phần nào đấu thầu để lấy tiền trả. Khi sửa theo hướng đó, chúng ta vừa đảm bảo địa phương năng động trong đổi đất lấy hạ tầng, vừa bảo đảm được nguyên tắc đấu thầu đấu giá theo thị trường.
Ông có hiến kế liên quan đến các dự án BT?
Trên thực tế có những dự án BOT rất lớn, nhưng khi thực hiện phát sinh nhiều phức tạp, vì không minh bạch trách nhiệm. Nhìn rộng hơn, trong các dự án PPP quan hệ giữa 2 chủ thể là Nhà nước và nhà đầu tư bình đẳng về quyền và nghĩa vụ.
Thông thường các công trình về hạ tầng khó thu hồi vốn và sinh lời nếu thiếu sự đóng góp của Nhà nước. Chính vì vậy mới gọi là “công – tư đối tác”. Luật về PPP sẽ chế định các hình thức Nhà nước thực hiện với tư cách đối tác.
Thí dụ trong hợp đồng BOT cần phải ghi chủ đầu tư xây cầu, cơ quan nhà nước sẽ hoàn thành đường dẫn, nếu chủ đầu tư hoàn thành cầu, cơ quan nhà nước không làm xong đường dẫn sẽ bị phạt thế nào. Do không quy định rõ trách nhiệm, cầu xây xong nhưng đường dẫn chưa có, dẫn đến nhiều rủi ro nhà đầu tư phải gánh chịu. Vì thế cần minh bạch việc này. Theo đó, những công trình liên quan đến hình thức PPP cần quy định rõ ràng trách nhiệm chủ đầu tư và Nhà nước làm công trình nào.
Mặt khác các hình thức PPP khi vận hành sẽ liên quan đến nhiều luật chuyên ngành khác, nếu có Luật PPP sẽ áp dụng nguyên tắc ưu tiên áp dụng luật chính khi có mâu thuẫn. Vì vậy, tôi tiếp tục kiến nghị phải đưa đạo luật riêng về đầu tư PPP tạo an toàn pháp lý từng loại, để xử lý những quan hệ đất đai nhà cửa công trình hạ tầng khi giao cho chủ đầu tư. Đó cũng là lý do Bộ Tài chính phải yêu cầu tạm dừng việc xem xét dùng tài sản công (đất đai) để thanh toán cho nhà đầu tư thực hiện dự án BT.
Xin cảm ơn ông.
 BT là một hình thức của PPP và Luật Đầu tư công thừa nhận hình thức này. Song điều kiện pháp lý để làm PPP trong đó có BT ở dạng nghị định như hiện nay là không ổn. Để thực hiện chủ trương xã hội hóa đầu tư cần tách hoàn toàn hình thức PPP, quy định bằng đạo luật. Ở đầu nhiệm kỳ Quốc hội khóa 13, tôi đã đề nghị một đạo luật như vậy để minh bạch các vấn đề, để nhà đầu tư yên tâm khi họ tham gia dự án, minh bạch trách nhiệm của Nhà nước và nhà đầu tư.
Yên Lam/Đầu tư Tài chính