Sai phạm tu bổ di tích tại Hà Nội: Trách nhiệm thuộc về ai?
Tự hào với hàng nghìn di sản, di tích thế nhưng công tác quản lý, bảo tồn và phát huy giá trị di tích trên địa bàn Hà Nội vẫn còn nhiều “điểm nóng” gây bức xúc trong dư luận. Báo Đại Đoàn Kết ghi nhận ý kiến PGS.TS Phạm Mai Hùng – Phó Chủ tịch Hội Khoa học lịch sử Việt Nam về câu chuyện “trách nhiệm” sau hàng loạt sai phạm đã xảy ra.
“Buồn vui” cùng di sản
Có một thực tế vừa “vừa mừng, vừa lo” là hiện nay có nhiều mạnh thường quân, doanh nghiệp sẵn sàng bỏ kinh phí để trùng tu, tu bổ di tích. Thế nhưng việc này khiến nhà đầu tư lấn át trong thiết kế xây dựng trung tu di tích. Từ đó dẫn tới các cơ quan quản lý hiện nay chỉ có thể hỗ trợ các di tích về phần thiết kế. Với các di tích tại Thủ đô hiện nay một thực tế là có nhiều di tích bị làm mới, vì xu hướng thích hoành tráng của một số cá nhân, đặc biệt các cá nhân có nguồn tiền xã hội hóa hỗ trợ công tác tu bổ. Các cấp chính quyền đã biết nhưng chưa khắc phục được, bởi vướng hai vấn đề.
Thứ nhất là phương hướng phát huy giá trị các di tích vẫn chưa có sự giám sát chặt chẽ từ phía cấp chính quyền.
Thứ hai, hiện nay xuất hiện nhiều hiện tượng các kiến trúc sư thực hiện việc thiết kế bảo tồn lại các di tích theo yêu cầu của phía nhà đầu tư. Thế nhưng “nghịch lý” đặt ra là những nhà thiết kế khi thực hiện việc bảo tồn cần phải chấp hành một cách nghiêm chỉnh Luật Di sản Văn hóa, đồng thời phải là người có tâm với di sản, chứ nếu chỉ làm theo nhu cầu của nhà đầu tư thì không nên. Tuy nhiên, điều này hiện nay đang vô cùng bất cập.
Hiện nay cũng có nhiều di tích được phục dựng lại hoàn toàn, song vẫn đảm bảo được những nét thiết kế theo kiến trúc truyền thống. Điển hình như chính điện của khu di tích Lam Kinh. Cả công trình được phục hồi hoàn toàn bằng kiến trúc gỗ lớn một cách nghiêm chỉnh sử dụng hàng nghìn mét khối gỗ lim từ Lào, theo đúng kích thước, chu vi của các hàng cột, chiều cao công trình, chính điện đã được phục hồi một cách hoàn hảo theo mô thức kiến trúc thời Lê.
Còn đối với vụ việc bê tông hóa đình Lương Xá, huyện Ứng Hòa vừa qua là câu chuyện “vừa đáng trách, vừa đáng buồn”. Thực tế vụ việc trên là dân và doanh nghiệp đóng tiền, tìm một nhà thiết kế, theo khuynh hướng nghe theo ý của nhà đầu tư.
Tuy nhiên, việc nhà đầu tư chưa có tâm có thể là một ví dụ điển hình cho thấy giữa nhiệm vụ quản lý hồ sơ của cấp chính quyền và thực hiện bảo tồn vẫn còn một khoảng cách. Hiện nay, tại Hà Nội có tới 1.500 di tích đã và đang bị xuống cấp, tuy nhiên với khối lượng lớn như vậy, rất khó để phụ thuộc hoàn toàn vào nguồn ngân sách của thành phố. Do đó, có thể khẳng định nguồn ngân sách của thành phố chưa thể đầu tư hoàn toàn cho tất cả các di tích đang xuống cấp, mà chỉ tập trung cho một số di tích bị xuống cấp một cách trầm trọng. Từ lý do này dẫn tới việc bảo tồn các di tích cần có sự huy động từ nguồn lực xã hội. Tuy nhiên, các cấp chính quyền cần vận dụng và quản lý một cách chặt chẽ đối với việc bảo tồn các di tích văn hóa được huy động nguồn vốn xã hội hóa.
Bảo tồn phải có “tâm”
2 năm trở lại đây, trên các phương tiện thông tin đại chúng đã đưa nhiều thông tin liên quan tới những sai phạm ở chùa Trăm Gian hay chùa Hương. Nhưng Hà Nội đã có những cố gắng trong vấn đề bảo tồn di sản, điển hình như việc TP đã ban hành nhiều văn bản có tính pháp lý, cụ thể và tương thích với việc phát triển và bảo tồn di tích. Từ năm 2010 – 2012, ngân sách cũng như từ nguồn huy động xã hội hóa cho bảo tồn di sản đã đạt 2.950 tỷ đồng. Trong năm 2013, ngân sách thành phố và nguồn vốn huy động xã hội hóa cho bảo tồn di sản đạt 830 tỷ đồng. Trong thời gian qua, Thủ đô đã thực hiện việc bảo tồn cho 1.475 di tích.
Trường hợp vi phạm di tích như chùa Hương, chùa Trăm Gian, chùa Khúc Thủy, đình Lương Xá… chỉ là một trong những điểm nhỏ trong tổng thể các di sản của Thủ đô, điều đó chưa thể làm mất đi giá trị của di sản Thủ đô. Tuy nhiên, đối với việc bảo tồn di sản văn hóa, TP Hà Nội cũng cần có sự quan tâm đặc biệt. Nhất là trong việc lựa chọn phương thức bảo tồn.
Trở lại câu chuyện bê tông hóa đình Lương Xá, huyện Ứng Hòa, việc bảo tồn theo hướng xây mới di tích bằng kết cấu bê tông thực sự đã vi phạm Luật Di sản văn hóa liên quan đến công tác bảo vệ và phát huy giá trị của di tích, di sản. Do đó việc bảo tồn những di tích, di sản lâu năm đã xuống cấp là rất cần thiết. Song chính quyền các cấp cần lựa chọn những phương thức phù hợp và tương thích với di tích, di sản văn hóa đó để trùng tu, tu bổ, chứ không nên đơn giản hóa bằng việc bê tông hóa những di tích văn hóa. Chính quyền địa phương cần sự tham gia ý kiến của người dân sở tại, đặc biệt là tham khảo ý kiến các chuyên gia để có giải pháp khi tu bổ di tích, di sản đảm bảo các điều kiện cần thiết để còn nguyên gốc. Ngoài ra, quá trình tu bổ di tích, di sản phải được triển khai dưới sự giám sát thường xuyên và nghiêm ngặt của tư vấn giám sát và cộng đồng cư dân nơi có di tích cũng như chính quyền địa phương.
Minh Sơn/Đại Đoàn Kết