“Siêu” dự án 88 tầng tại Vân Đồn: Chuyên gia bày tỏ lo ngại
“Với cương vị là một người yêu thiên nhiên, quý trọng di sản thiên nhiên, cá nhân tôi thấy rất quan ngại với những dự án bóc hết tài sản trên mặt đất ở hiện tại…”.
Những ngày qua, thông tin về việc UBND tỉnh Quảng Ninh vừa chính thức phê duyệt quy hoạch chi tiết 1/500 phân khu B8 tại Vân Đồn, điểm nhấn của dự án chính là tòa tháp hỗn hợp biểu tượng cao 88 tầng, quy mô 3.061 phòng thuộc tổ hợp dự án Con đường di sản Vân Đồn.
Ngay sau đó, dư luận không chỉ riêng Quảng Ninh và giới chuyên gia về bất động sản; về các vấn đề xã hội; môi trường đồng loạt liên tiếng lo ngại những tác động không nhỏ tới môi trường xung quanh…
Phối cảnh dự án Con đường di sản tại Vân Đồn. Ảnh internet |
Xung quanh những lo ngại trên, PV Môi trường và Đô thị Việt Nam đã có những cuộc trao đổi với các chuyên gia về kiến trúc, về môi trường…
Trao đổi với phóng viên Môi trường và Đô thị Việt Nam điện tử, ông Trần Huy Ánh – hội viên Hội kiến trúc sư Việt Nam, Ủy viên thường trực Hội kiến trúc sư Hà Nội cho biết: Cá nhân ông có nhiều điều băn khoăn về dự án này.
PV đặt câu hỏi, Vì sao ông lại băn khoăn về dự án này? Trả lời PV, ông Ánh nhận định: Đây là một dự án bất động sản rất lớn, được xây dựng trên một diện tích quy mô tại Vân Đồn – nơi được coi là một vùng đất tiềm năng để phát triển du lịch. Nhưng ông lo ngại liệu có hay không trong quá trình xây dựng phát sinh tình trạng san lấp bờ biển, việc can thiệp vào môi trường sinh thái sẽ là như thế nào?
Trong khi nhiều năm nay, quy trình tàn phá di sản thiên nhiên tại Quảng Ninh diễn ra rất dữ dội, tệ nhất là việc san lấp bờ biển tràn lan hàng trăm km suốt dọc bờ biển của Quảng Ninh để phát triển đô thị, bất động sản, tàn phá các vùng cây ngập mặn, vùng sinh thái.
“Với cương vị là một người yêu thiên nhiên, quý trọng di sản thiên nhiên, cá nhân tôi thấy rất quan ngại với những dự án bóc hết tài sản trên mặt đất ở hiện tại.
Trong quá khứ và có phần như là tiêu dùng hết những tích lũy của tương lai. Liệu đây có phải là định hướng phát triển bền vững theo như dự kiến mà Quảng Ninh đã công bố hay chỉ đem lại cái lợi trước mắt?”, ông Ánh nói.
Cần phải chứng minh được tác động của dự án này đến môi trường, con người như thế nào |
Bên cạnh đó, ông Ánh cũng nhấn mạnh, cần phải chứng minh được tác động của dự án này đến môi trường, con người như thế nào? Đưa ra được các phương án khắc phục nếu có tác hại xấu.
“Đặc biệt cần trả lời được dự án này đem lại lợi ích gì cho địa phương, cho nhân dân, xã hội và đất nước? Nếu chỉ một nhóm người hưởng lợi thì nên dẹp bỏ, tránh việc đầu tư dang dở, phá vỡ quy hoạch”. Ông Ánh bày tỏ thêm quan điểm với PV.
Đồng tình quan điểm của ông Trần Huy Ánh, bà Bùi Thị An – Nguyên Đại biểu Quốc hội khóa XIII cũng nhấn mạnh đến vai trò của việc đánh giá tác động toàn diện của dự án, bao gồm, tác động đến xã hội, tác động đến môi trường tự nhiên…
“Với mật độ xây dựng như vậy, mật độ dân cư lớn vậy thì các hạ tầng khác bao gồm, giao thông, trường học, khu vui chơi, nhà trẻ… có cân đối, đồng bộ với dự án hay không? Việc xây dựng sẽ để lại dấu ấn rất tốt nhưng phải nghiên cứu, tính toán rất kỹ nếu không rất dễ rơi vào tình trạng “lợi bất cập hại”, bà An chia sẻ.
Xung quanh siêu dự án nói trên, Môi trường và Đô thị Việt Nam còn tìm hiểu nhiều điều liên quan đến chủ đầu tư thực sự là ai? Chủ đầu tư có thực sự là một đơn vị “an toàn” cho tỉnh Quảng Ninh hay không? Và người dân xung quanh khu vực bày tỏ quan điểm của mình như thế nào về dự án?
Chúng tôi sẽ tiếp tục thông tin tới bạn đọc trong các bài viết tiếp theo.
Theo thông tin trên báo Thanh Niên, năm 2005 đại gia Nguyễn Đức Chi (Chủ tịch HĐQT Công ty đầu tư và phát triển du lịch Rus-Invest-Tur) thực hiện dự án xây dựng khu nghỉ mát Rusalka tại TP Nha Trang) từng bị tuyên án tù 5 năm 6 tháng tù giam vì tội “làm giả tài liệu của cơ quan, tổ chức”.
Sau khi mãn hạn tù năm 2010, ông Chi thành lập Công ty Cổ phần Khu du lịch Champarama, tiến hành “tái sinh” cho “Nàng tiên cá”, sau khi “đắp chiếu” hơn 10 năm, dự án được đổi tên thành Champarama Resort & Spa.
Tháng 10/2017, theo tờ Việt Nam Mới đưa tin UBND tỉnh Khánh Hòa quyết định xử phạt công ty Cổ phần Khu du lịch Champarama 105 triệu đồng về các hành vi lấn chiếm đất hoặc sử dụng đất trái phép di tích lịch sử, văn hoá, danh lam thắng cảnh, công trình văn hoá nghệ thuật và không thực hiện chương trình giám sát môi trường.
Được biết, đây không phải là lần đầu tiên công ty do ông Nguyễn Đức Chi làm chủ đã có hành vi san lấp biển trái phép. Đặc biệt là hành vi lấp biển quy mô lớn tại dự án Công viên Bến du thuyền tại Nha Trang. Hầu hết các vi phạm lấp biển do công ty ông Chi làm chủ chỉ bị xử phạt hành chính.
Cẩm Anh/Môi trường và Đô thị