Bảo tồn & phát huy di sản kiến trúc – đô thị, những vấn đề đặt ra
(Tạp chí KTVN) – Trong thời gian gần đây, đã có rất nhiều các ví dụ cụ thể được báo chí và dư luận phản ánh như các trường hợp cải tạo cơi nới tại khu phố cổ Hà Nội, hay sự việc liên quan đến biệt thự gần 130 năm sử dụng – 160 năm tuổi được biết đến với tên gọi Dinh Thượng Thư Nội Vụ Sài Gòn hiện là trụ sở của Sở Thông tin- Truyền thông (59-61 Lý Tự Trọng) có thể bị đập bỏ để thực hiện dự án nâng cấp trụ sở HĐND- UBND TPHCM dịp cuối tháng 04/2018, hay dự án cải tạo, hay công trình 40 năm tuổi Cung thiếu nhi Hà Nội đại diện cho phong cách kiến trúc hiện đại, bứt phá khỏi các công trình kiến trúc thuộc địa, Á Đông, mang dáng dấp kiến trúc mô phỏng các công trình thời Xô Viết – Trung Quốc cận đại được cải tạo thay đổi khác hẳn với các hình ảnh vốn có, hay như trường hợp cải tạo trước đây với Thương Xá Tắc (TPHCM), Bách hóa Tổng hợp, khách sạn Phú Gia và dãy nhà thương mại trên phố Lý Thái Tổ (TP Hà Nội) đang dóng lên những hồi chuông về công tác bảo tồn di sản tại các đô thị trong quá trình phát triển đô thị.
THỐNG NHẤT VỀ MẶT KHÁI NIỆM.
Theo các đánh giá chuyên gia trong ngành, tuy Luật Bảo tồn di sản đã được thông qua từ những năm 2001 đã có đề cập đến các vấn đề liên quan đến di sản nhưng cho đến nay, vẫn còn nhiều tranh cãi giữa các cơ quan quản lý, chuyên gia trong ngành về khái niệm Di sản đô thị và đô thị di sản. Do có nhiều cách hiểu khác nhau nên hiện nay, cách tổ chức phối hợp thực hiện giữa các đơn vị quản lý – khai thác sử dụng di sản đô thị còn thiếu đồng bộ.
Theo Ths Kts Đỗ Hà Thanh – Ban quản lý dự án Quận Ba Đình, khái niệm Di sản đô thị (DSĐT) – “Urban Heritage” lần đầu tiên được đề cập bởi KTS người Ý Gustato Giovannoni (1930s) cho thấy sự chuyển hướng chú ý từ công trình kiến trúc lịch sử có giá trị riêng biệt sang xem xét nó trong mối quan hệ với khung cảnh, các cấu trúc và không gian cấu thành của đô thị (Không gian cảnh quan, cấu trúc đô thị, không gian văn hóa – kinh tế – xã hội) nhằm mục đích tránh kết quả bảo tồn trở thành “bảo tàng hóa”. Khái niệm DSĐT trong nhiều trường hợp được thay thế để nói đến di sản kiến trúc đô thị (DSKTĐT). Cùng với đó, khái niệm bảo tồn và phát huy các giá trị DSKTĐT thể hiện xu hướng không chỉ quan tâm đến một công trình hay một nhóm công trình riêng lẻ (yếu tố vật thể kiến trúc) mà luôn cố gắng bảo tồn cả yếu tố gắn kết như khung cảnh kiến trúc, môi trường đô thị – yếu tố hỗ trợ, bảo tồn và tôn vinh giá trị toàn vẹn của di sản. Từ đó di sản không chỉ tồn tại mà còn “sống” được trong bối cảnh đô thị hiện đại, góp phần xây dựng một đô thị có bản sắc, giàu văn hoá, hấp dẫn, phát triển thời gian qua.
Theo ông Nguyễn Đăng Sơn – Phó Viện trưởng, Viện Nghiên cứu Đô thị & Phát triển Hạ tầng, bản sắc đô thị ở đây có thể hiểu là bản sắc văn hóa đô thị, chính là những giá trị vật chất và tinh thần mà một cộng đồng dân cư trên một địa bàn nhất định sáng tạo ra trong cả một quá trình lịch sử. Di sản đô thị được xem là một thành tố quan trọng để tạo nên bản sắc, tính nhận diện cho đô thị.
Cùng với đó, về mặt ngữ nghĩa khái niệm ‘đô thị di sản’ cần được hiểu là điểm, phạm vi đô thị hiện hữu hàm chứa, tập trung các nhóm, khuôn viên công trình (bản thân công trình) lịch sử, cổ và di tích, vết tích mang giá trị Di sản (về mặt vật thể) của cộng đồng, dân tộc, khu vực và vùng, quốc gia và nhân loại. Theo TS.KTS Ngô Minh Hùng, Trường Đại học Văn Lang TPHCM, trong tuyên ngôn UNESCO về di sản, nguồn lực cho phát triển đô thị bao gồm các yếu tố: Tài nguyên, con người, văn hóa lối sống, công nghệ. Trong đó yếu tố di sản tuy không được nhắc đến trực tiếp nhưng lại là yếu tố xen cài trong cả 4 yếu tố trên, trở thành muộn động lực tiềm năng cho phát triển bền vững đô thị. Nhiều ví dụ đã cho thấy một cách ứng xử tốt với di sản đô thị tại nhiều thành phố lớn trên thế giới đã góp phần tạo dựng tính bền vững – bản sắc – và thương hiệu đô thị, trở thành một trong 5 nguồn lực chính cho phát triển đô thị thời kỳ hiện đại.
BẢO TỒN DI SẢN ĐÔ THỊ CÒN “THIẾU VÀ YẾU”
Theo các đánh giá của chuyên gia trong lĩnh vực quy hoạch phát triển đô thị và bảo tồn di sản, trên phạm vị các đô thị cả nước đều tồn tại nhiều công trình di sản đô thị thị là tài sản quý giá với tư cách là các dấu mốc cho quá trình hình thành và phát triển đô thị. Tuy nhiên, do một số nguyên nhân khách quan và chủ quan mà công tác bảo tồn và phát huy giá trị di sản còn “thiếu và yếu”, chưa tương xứng với các yêu cầu thực tiễn đặt ra.
Trong thời gian gần đây, tại các đô thị lớn trên khắp cả nước liên tục nổi lên các cuộc tranh luận về bảo tồn di sản đô thị, về sự biến dạng, mất đi và bị xâm hại các di tích, không gian văn hoá. Theo Ths Kts Đỗ Hà Thanh – Ban quản lý dự án Quận Ba Đình, điều này đang cho thấy một thực tế đáng buồn là các di sản đô thị luôn là nhóm yếu thế, dễ bị tổn hại trong quá trình phát triển đô thị. Trước hết là sự biến mất của các di sản đô thị, đặc biệt là các di sản đô thị chưa được xếp hạng. Do thực tế tồn tại trong công tác quản lý di sản tại các đô thị, nhiều chuyên gia và cơ quan quản lý, chính quyền đô thị mới chỉ hiểu và khu biệt hoá nhận thức, nhìn nhận di sản với góc độ của di tích đơn lẻ, hay đơn thuần là phần vỏ vật chất cũ bên ngoài của công trình, điều này ắt dẫn đến những ứng xử tương thích với di sản kiểu phiến diện, mùa vụ với di sản đô thị. Bên cạnh đó, trước các nhu cầu về diện tích kinh doanh, nhà ở trong bối cảnh đất vàng đô thị, các di sản đô thị chưa được xếp hạng thường có vị trí đắc địa trong trung tâm đô thị lại dễ dàng bị phá bỏ để thay thế cho các công trình nhà ở, công trình dân dụng mới.
Tiếp đến là sự biến dạng của di sản đô thị. Trong quá trình phát triển đô thị, do các hạn chế về nhận thức trong quả lý và ứng xử với di sản, các di sản đô thị đặc biệt là di sản chưa được xếp hạng, di sản phi vật thể bị công tác cải tạo làm méo mó biến dạng.
Theo Ts Kts Trần Quốc Bảo – Khoa Kiến trúc Đại học Xây dựng, nhiều công trình có giá trị tạo dựng bản sắc đô thị, đặc biệt là các công trình kiến trúc cận – hiện đại lại chưa được xếp hạng di tích nên việc bảo tồn các công trình này là một vấn đề tùy thuộc suy nghĩ chủ quan của các cơ quan có thẩm quyền. Từ đó đôi khi dẫn tới sự phá bỏ công trình di sản một cách đáng tiếc. Trong thời kỳ phát triển đô thị hóa mạnh mẽ tại Việt Nam kể từ thập niên 1990 đến nay, mâu thuẫn giữa công tác bảo tồn và phát triển ngày càng sâu sắc. Trong nhiều trường hợp, công trình kiến trúc được bảo tồn khá bài bản nhưng vấn đề bảo tồn quy hoạch – cảnh quan chưa được quan tâm đúng mức dẫn tới hiện tượng “ô nhiễm môi trường cảnh quan” làm giảm đáng kể mức độ đóng góp của công trình tới không gian đô thị.
Số lượng các di sản quy hoạch kiến trúc bị tổn hại, hư hao, bị phá bỏ để làm dự án là rất lớn, thậm chí còn cao hơn mức độ bị tàn phá bởi chiến tranh trước đó. Theo TSKH Ngô Viết Nam Sơn, việc đặt cơ sở pháp lý cho công tác bảo tồn di sản quy hoạch kiến trúc chủ yếu dựa trên bộ Luật Di Sản Văn hóa cho thấy nhiều bất cập, trong đó đáng lưu ý nhất là không giải quyết được giải pháp bảo tồn cho các di sản chưa được xếp hạng. Tuy hiện nay chiếm tỷ lệ rất cao so với các di tích đã được xếp hạng, nhưng lại đang đứng trước nguy cơ bị phá bỏ hoặc bị sửa đổi không đúng cách, trước áp lực phát triển của các dự án xen cấy vào không gian lịch sử tại đa số các đô thị trên toàn quốc. Việc quản lý di sản hiện nay chủ yếu chỉ dựa vào Luật di sản văn hóa, trong khi luật này chỉ tập trung vào lãnh vực bảo tồn di tích (Preservation), xem nhẹ việc xây dựng pháp lý cho các giải pháp cải tạo di sản, phục hồi di sản, và tái thiết di sản.
BẢO TỒN PHÁT TRIỂN DI SẢN ĐÔ THỊ TRONG TIẾN TRÌNH PHÁT TRIỂN ĐÔ THỊ
Bên cạnh những đóng góp tích cực, quá trình toàn cầu hóa mạnh mẽ cũng tác động làm mai một tính văn hóa bản sắc đô thị, tạo nên các “Đô thị toàn cầu” giống hệt nhau, mà biểu hiện rõ nét nhất chính là các di sản đô thị (được xếp hạng và chưa được xếp hạng bị biến dạng hoặc phá bỏ “không thương tiếc để xây dựng các công trình cao ốc mới”. Với đô thị, di sản đô thị là một thành tố rất lớn góp phần tạo nên sự kế thừa và phát triển tiếp nối bền vững, cũng như tạo dựng các giá trị bản sắc, tính nhận diện thậm chí là thương hiệu cho một đô thị. Bên cạnh các di sản đô thị (di sản vật thể – phi vật thể) đã được xếp hạng, rát nhiều các giá trị lịch sử của đô thị dù chưa được xếp hạng nhưng lại là những dấu vết quan trọng đánh giấu tiến trình phát triển của đô thị, không thể bị chối bỏ dẫn đến mai một hay biến dạng.Theo GS. Lim Hng Kiang “Một trong những trạng thái không được thích thú của đô thị hóa nhanh là các thành phố trông rất giống nhau. Nhiều môi trường đô thị về mặt chức năng chỉ là một mớ bê tông hỗn độn khó chấp nhận với không gian công cộng không hấp dẫn. Một số thành phố đã ngăn chặn tình trạng này bằng cách nâng cao sự cảm nhận về bản sắc đô thị thông qua bảo tồn văn hóa, công trình di sản, các không gian mở và môi trường..” (Singapore năm 1999).
Theo GS Trần Lâm Biền, sẽ thật sai lầm khi cho rằng xoá bỏ kiến trúc cũ, thay cũ bằng mới, tưởng rằng làm cho di tích khang trang hơn nhưng thực ra là sự phá hoại. Chỉ riêng việc xây dựng to lớn hơn trên không gian cũ, là đã đoạn tuyệt với quá khứ, quay lưng với văn hoá truyền thống. Nếu muốn, hãy xây một công trình mới, ở vị trí mới.
Trong quá trình phát triển kinh tế và đô thị mạnh mẽ hiện nay, vấn đề bảo tồn Di sản kiến trúc cận – hiện đại đang là một thách thức lớn, đặc biệt là đa phần các công trình thuộc bộ phận di sản này chưa được xếp hạng di tích. Theo Ts kts Trần Quốc Bảo, một định hướng bảo tồn thích hợp là vô cùng cấp thiết, chỉ bảo tồn nguyên trạng theo các phương thức truyền thống rõ ràng là không phù hợp với di sản kiến trúc cận – hiện đại, bởi đây đều là các công trình đang được sử dụng, lại thường nằm ở những khu đất có giá trị kinh tế cao còn được gọi là các “khu đất vàng” của đô thị lịch sử. Như vậy thì vấn đề bảo tồn ở đây phải đi theo định hướng mới: Bảo tồn trong quá trình phát triển đô thị bền vững – Bảo tồn bền vững. Nếu phát triển đô thị bền vững hướng tới một tương lai không phải trả giá bởi các hoạt động xây dựng ồ ạt và thiếu kiểm soát, thì bảo tồn bền vững nhìn nhận về một tương lai trong đó các giá trị di sản kiến trúc đô thị không bị nghèo đi trong quá trình phát triển mà ngược lại còn được làm giàu lên do điều kiện bảo tồn tốt hơn, góp phần tạo dựng bản sắc các đô thị lịch sử.
Theo Ths.Kts Đỗ Hà Thanh, bài học kinh nghiệm về bảo tồn di sản đô thị tại Singapore cho thấy, bảo tồn di sản đô thị trong quá trình hiện đại hóa và phát triển đô thị sẽ mang lại những lợi ích tích cực cũng như sự phát triển bền vững cho đô thị. Đến Singapore ngày nay, dễ dàng bắt gặp những công trình và quần thể các nhóm công trình di sản đô thị nằm ngay bên cạnh các công trình tòa nhà trọc trời xây mới không chỉ ở riêng khu vực Chinatown mà còn là cả các khu vực Tiểu Ấn – Arab – Malay, tạo nên một đô thị hiện đại nhưng bản sắc, thống nhất về cấu trúc nhưng đa dạng về văn hóa.
XÂY DỰNG CÔNG CỤ VÀ GIẢI PHÁP
Trong bối cảnh và yêu cầu thực tiễn đặt ra hiện nay, cần có các giải pháp đồng bộ từ khâu rà soát đánh giá, quy hoạch bảo tồn, quản lý đối với di sản đô thị để đảm bảo sự hài hòa giữa bảo tồn di sản với phát triển bền vững, giữa truyền thống bản sắc và hiện đại tiện nghi.
Về công tác hoàn thiện hệ thống văn bản pháp luật, quy chế quản lý, đã đến lúc cần thay đổi tư duy bảo tồn di sản đô thị, trong đó cần cấp bách và đặc biệt lưu ý đến giải pháp bảo tồn cho các di sản chưa được xếp hạng. Theo TSKH Ngô Viết Nam Sơn, Luật Di sản văn hóa, cần được gấp rút bổ sung các điều khoản tạo nền tảng pháp lý cho ứng xử với di sản. Trong đó, cần bổ sung các điều khoản pháp lý để các nhà quản lý đô thị không thể lấy lý do hành chính (chậm làm thủ tục, chưa được đưa vào danh sách di tích,…) để bỏ qua trách nhiệm bảo tồn các công trình di sản chưa được xếp hạng. Ngoài ra, luật này còn có thể tham khảo các bộ luật và nghị định ở các đô thị di sản ở nước ngoài, để tạo cơ sở pháp lý nền tảng cho việc đưa ra các phụ lục hoặc thông tư hướng dẫn chi tiết việc quản lý các loại công trình di sản cải tạo, việc phục hồi hoặc cải tạo nâng cấp các công trình di sản (quy định về không gian, chiều cao, màu sắc, vật liệu, nội thất, thiết bị,..), việc cải tạo mở rộng các công trình di sản (nguyên tắc kết nối và cách ly, giới han an toàn, …), việc quản lý hoạt động trong các khu di sản,…
Theo Ths Kts Đỗ Hà Thanh – Ban quản lý dự án quận Ba Đình, trong các văn bản quy phạm và quản lý di sản đô thị – phát triển đô thị, trước hết cần tăng tính nhận diện để tái định vị giá trị di sản trong tiến trình phát triển của đô thị và cuộc sống đương đại trong đó thay đổi các nhận thức để phát huy, để thăng hoa, chí ít là đi vào cuộc sống, đóng góp cho phát triển đô thị với tư cách là một nguồn lực cho sự phát triển, tạo lập sự vân bằng giữa phát triển và bảo tồn, giữa bản sắc và hiện đại – tiện ích. Xây dựng các cơ chế quản lý mềm dẻo đối với di sản đô thị để không chỉ là các công trình khô cứng mà đáp ứng được nhu cầu sử dụng đương đại, mang lại lợi ích trực tiếp cho cộng đồng dân cư đô thị bản địa, hạn chế sự mai một và biến dạng của các di sản đô thị.
Hoàn thiện hệ thống quy chế quản lý trong đó cần xác định những yếu tố tổng quát về 5 mục tiêu sau: Nhận thức di sản là tài sản chung để chia sẻ và là chứng nhân lịch sử của thành phố; Khẳng định giá trị di sản trong mọi hình thức biểu hiện của nó và ở mọi cấp độ; Bảo tồn, giữ gìn và phát huy giá trị di sản; Đảm bảo sự hài hoà giữa bảo tồn di sản và phát triển đô thị; Xây dựng quy chế có sự đồng thuận, dễ hiểu đối với tất cả mọi chủ thể để bảo tồn, giữ gìn và phát huy giá trị di sản. Xây dựng đồng bộ các cơ chế triển khai thực hiện chính sách về di sản đô thị gồm: Trợ cấp cho hoạt động trùng tu, cải tạo; Hỗ trợ cho hoạt động của tổ chức xã hội dân sự (Ví dụ: Hoạt động tuyên truyền bảo vệ di sản); Chính sách phát triển du lịch gắn với di sản đô thị; Dự án phát triển đô thị.
Liên quan đến lĩnh vực quy hoạch phát triển đô thị, ông Nguyễn Đăng Sơn – Phó Viện trưởng, Viện Nghiên cứu Đô thị & Phát triển Hạ tầng đã nhấn mạnh, trước tiên cần bào tồn di sản không gian tự nhiên đặc trưng của đô thị hướng tới hình thành đô thị sinh thái, đô thị xanh để làm phong phú hơn không gian tự nhiên đặc trưng của đô thị đồng thời cũng thích ứng với biến đổi khí hậu (BĐKH), bao gồm các yếu tố về môi trường thiên nhiên, văn hóa truyền thống cũng như các công trình và kiến trúc lịch sử. Một trong những thách thức quan trọng nhất hiện nay là quy hoạch đô thị hiện đại để chỉnh trang, phát triển các đô thị ở nước ta, là sao cho có thể làm tăng chỉ số hạnh phúc của cư dân đô thị trong ký ức về không gian tự nhiên, không gian văn hóa lịch sử, không gian văn hóa nghệ thuật kiến trúc và cả sự công bằng về không gian.
Theo Ths Kts Đỗ Hà Thanh – Ban quản lý dự án quận Ba Đình, trong giai đoạn chờ soạn thảo các quy chế quản lý di sản đô thị thì đồ án quy hoạch đô thị có thể là công cụ bảo vệ di sản. Có 4 định hướng lớn: (i) Đảm bảo chất lượng đô thị vì chất lượng sống của người dân và nhằm tăng sức hấp dẫn của địa bàn, (ii) Tìm ra thế cân bằng giữa bảo tồn các công trình đặc trưng của thành phố và sự phát triển hài hòa, (iiì) Khuyến khích mối liên hệ giữa di sản và sáng tạo kiến trúc, (iv) Nhấn mạnh vào yếu tố chất lượng di sản và cảnh quan của thành phố và khu phố khi lập dự án. Ngoài ra, khi soạn thảo quy chế quản lý trong đồ án quy hoạch đô thị địa phương, các công cụ đặc biệt về bảo tồn di sản và cảnh quan đô thị cũng cần được xây dựng. Đồng thời, bản đồ quy hoạch đô thị cho phép xác định các công trình kiến trúc đang được bảo tồn và đã bị phá huỷ trên địa bàn thành phố. Đối với các công trình di sản đô thị không thuộc diện bảo tồn theo luật Di sản và theo quy chế quản lý, nhưng có nguy cơ bị tháo dỡ, thì trong quy hoạch, cần quy định chiều cao của công trình xây mới trên khu đất biệt thự bị tháo dỡ bằng với chiều cao của các biệt thự hiện có.
Theo Ts. Kts Trần Quốc Bảo – Khoa Kiến trúc, Đại học Xây dựng, với Bảo tồn dưới góc độ quy hoạch – cảnh quan, việc tiến hành phân loại – đánh giá các ô phố, tuyến phố, các khu vực cảnh quan là phần việc cần tiến hành trước tiên. Chính quyền các đô thị có thể đưa ra các quy định về quản lý quy hoạch không gian trong Quy chế bảo tồn Di sản kiến trúc cận – hiện đại dựa trên cơ sở kết quả công tác phân loại – đánh giá các ô phố, tuyến phố, các khu vực cảnh quan. Các quy định này cần được đặt ra cụ thể với từng ô phố, tuyến phố và các không gian cảnh quan tùy theo mức độ giá trị và phải có các giải pháp quản lý, giám sát việc thực hiện. Công tác quản lý, giám sát chỉ phát huy hiệu quả khi vận động được sự tham gia của cộng đồng người dân và các tổ chức có quyền lợi gắn với khu vực di sản. Giữa bảo tồn kiến trúc công trình và bảo tồn quy hoạch, cảnh quan, cần có sự kết nối – liên quan chặt chẽ với nhau, nhất là đối với những công trình quan trọng góp phần nhận diện và tạo dựng bản sắc cho đô thị.
Liên quan đến lĩnh vực kiến trúc, trong phát triển đô thị hiện đại, các cấu trúc giao thông, xã hội và dịch vụ của khu vực dân sinh đô thị nhiều khi quan trọng hơn các vấn đề kiến trúc vật lý cụ thể. Tuy nhiên, theo ông Nguyễn Đăng Sơn – Phó Viện trưởng, Viện Nghiên cứu Đô thị & Phát triển Hạ tầng, có một khía cạnh mang đặc tính kiến trúc thuần túy lại vô cùng quan trọng, đó là bản sắc đô thị có từ di sản kiến trúc cần được bảo tồn, ở Hà Nội như phố cổ, phố Pháp, Hoàng thành Thăng Long v.v… ; ở TPHCM là các di sản từ thời Pháp ở Sài Gòn để giữ gìn hình ảnh “Hòn ngọc Viễn Đông”, chợ và phố người Hoa , các đền miếu thờ phụng ở Chợ Lớn, còn ở Đà Lại là di sản kiến trúc biệt thự Pháp.
Theo Ts. Kts Trần Quốc Bảo – Khoa Kiến trúc, Đại học Xây dựng, để bảo tồn di sản đô thị dưới góc độ kiến trúc công trình, Trước khi đưa ra được các giải pháp, việc đầu tiên cần tiến hành là thống kê, đánh giá – phân loại công trình. Việc đánh giá – phân loại công trình đòi hỏi phải có đội ngũ chuyên gia nhiều kinh nghiệm trong lĩnh vực bảo tồn, điều kiện các thành phố vừa và nhỏ khó đáp ứng, do vậy cần sự hỗ trợ từ những cơ quan khoa học ở cấp cao hơn hoặc từ các thành phố lớn lân cận. Dựa trên công tác thống kê, đánh giá – phân loại công trình đảm bảo độ tin cậy, chính quyền các đô thị lịch sử cần đưa ra Quy chế bảo tồn Di sản kiến trúc cận – hiện đại, quy chế cần đưa ra các cấp độ và giải pháp bảo tồn khác nhau với từng nhóm công trình.
KHAI THÁC DI SẢN ĐÔ THỊ TRỞ THÀNH LỢI THẾ PHÁT TRIỂN ĐÔ THỊ TOÀN CẦU
Nhiều vùng đất, khu thành thị ở Châu Á Trải qua nhiều thăng- trầm cho đến ngày nay, một số nơi ‘từng là thuộc địa’ đã trở thành tâm điểm trong mạng lưới ‘thành phố toàn cầu’ trên thế giới – sau khi chuyển đổi thành công từ các đô thị ‘có tính di sản thuộc địa’ (gọi chung là Đô thị di sản thuộc địa) bởi những nét đặc trưng riêng, quy mô vừa và nhỏ, đa dạng văn hóa Đông-Tây. Ở đó, đặc điểm ‘thuộc địa’ đã được chú tâm, lưu giữ, khai thác và phát huy trở thành lợi thế tại các quốc gia này thúc đẩy phát triển kinh tế, du lịch và văn hóa- xã hội. Theo TS.KTS Ngô Minh Hùng, Trường Đại học Văn Lang TPHCM, đây có thể là cách làm hữu hiệu ứng xử với các di sản đô thị tại Việt Nam để phát triển các đô thị di sản với nhiều lợi thế và tiềm năng di sản thuộc địa chưa được phát huy có hiệu quả để tạo dựng thương hiệu đô thị và vươn tầm toàn cầu. Đô thị di sản là nền tảng cho nhiều nơi chốn nắm bắt và phát huy các giá trị vốn có, tiềm ẩn mà trong đó liên quan đến ‘tính thuộc địa’- bứt phá trở thành các đô thị toàn cầu trên thế giới. Thượng Hải, Hong Kong, Malacca, Singapore và nhiều khu vực khác nữa đã trở thành những hình mẫu cho chúng ta học hỏi trước xu hướng phát triển nền kinh tế 4.0. /.
HOÀNG PHƯƠNG